Thứ ba 22/04/2025 - 17:40
Thị trường
Tìm giải pháp phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa
Thứ Ba 22/04/2025 - 17:39
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn, việc thúc đẩy thị trường trong nước và tăng sức mua nội địa được xem là giải pháp để duy trì tăng trưởng.
- Người Sài Gòn chen nhau mua sắm trong siêu thị ngày giáp Tết
- Thứ trưởng Phan Thị Thắng kiểm tra công tác chuẩn bị hàng Tết tại TP.HCM
- Kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm
Thị trường ổn định nhưng sức mua chưa bứt phá
Đó là nhận định của ông Phan Văn Chinh – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương tại hội nghị về các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và kích cầu tiêu dùng, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 22/4 tại TP.HCM.
Theo ông Chinh, quý I/2025 thị trường hàng hóa trong nước vẫn giữ được sự ổn định tương đối khi nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo, giá cả không có biến động lớn.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I tăng 3,22% so với cùng kỳ, vẫn nằm trong giới hạn kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đề ra. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố giá, mức tăng thực chỉ đạt 7,5%, cho thấy sức mua vẫn chưa thực sự bứt phá.

Ông Phan Văn Chinh – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương báo cáo tại hội nghị. Ảnh: Hà Duyên
Đáng chú ý, mức tăng tập trung chủ yếu ở nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu và dịch vụ du lịch, ăn uống – những lĩnh vực phục hồi nhanh sau dịch. Trong khi đó, các nhóm hàng như phương tiện đi lại, đồ gia dụng và may mặc chỉ tăng nhẹ, phản ánh tâm lý tiêu dùng thận trọng của người dân trong bối cảnh thu nhập chưa phục hồi hoàn toàn.
Bên cạnh đó, một loạt yếu tố đang gây sức ép lên thị trường tiêu dùng trong nước. Trước hết là ảnh hưởng từ thị trường lao động. Cuộc cách mạng số với sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo trong nhiều ngành nghề đang làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp cục bộ, tạo ra lo ngại mới về an sinh và thu nhập. Điều này khiến người tiêu dùng ưu tiên tích lũy thay vì chi tiêu, dẫn tới xu hướng “thắt chặt hầu bao”.
Mặt khác, thói quen tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng. Người tiêu dùng chuyển mạnh sang mua sắm trực tuyến, ưa chuộng các sản phẩm xanh, thân thiện môi trường và có nguồn gốc rõ ràng. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn chưa kịp thích nghi, còn chậm trong chuyển đổi công nghệ và xây dựng thương hiệu bền vững.
Ngoài ra, sự phát triển nhanh của thương mại điện tử xuyên biên giới cũng là thách thức lớn. Người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận và mua trực tiếp hàng hóa từ nước ngoài thông qua các nền tảng như Temu, Shein, trong khi hàng nội địa vẫn gặp khó khăn khi tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại do chi phí trưng bày cao và thủ tục rườm rà.
Ba hướng giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng
Ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, với mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, khu vực thương mại, dịch vụ, bán lẻ cần đạt mức tăng tối thiểu 12%. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành bán lẻ tái cấu trúc, chuyển đổi mạnh mẽ hơn.

Củng cố niềm tin từ người tiêu dùng góp phần tăng sức mua nội địa. Ảnh: Hà Duyên
Đề xuất những giải pháp thúc đẩy kích cầu tiêu dùng, ông Đức cho rằng, cần triển khai đồng bộ ba nhóm giải pháp. Theo đó, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần củng cố niềm tin tiêu dùng. Cụ thể, cơ quan quản lý cần sớm có chính sách điều chỉnh lương tối thiểu, thu nhập cơ bản để tạo nền tảng tâm lý tích cực cho người tiêu dùng cá nhân. Với doanh nghiệp, cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ vốn, giúp họ tiếp cận tín dụng thuận lợi hơn, tạo điều kiện phục hồi hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong phân phối. Doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ, đầu tư cho thương mại điện tử và các nền tảng bán hàng không qua cửa hàng vật lý. Đồng thời, nhà nước cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để quản lý hiệu quả mô hình thương mại mới như livestream bán hàng.
Cùng với đó, tái cấu trúc chuỗi cung ứng và tăng cường liên kết. Các doanh nghiệp bán lẻ cần hợp tác thay vì cạnh tranh, nhằm tối ưu hóa mạng lưới cung ứng, giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận thị trường. “Các doanh nghiệp phải nghĩ đến hợp tác với nhau thay vì cạnh tranh nhằm cung ứng tốt cho thị trường và người tiêu dùng. Hiệp hội thương mại điện tử, hiệp hội bán lẻ cũng cần ngồi lại với nhau để có sự tổ chức lớn hơn ở 1 thị trường lớn hơn, vì cái chung nhiều hơn”, ông Đức nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc tiếp tục thúc đẩy cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với cách tiếp cận mới, không chỉ là khuyến khích tiêu dùng, mà phải khơi gợi niềm tự hào tiêu dùng Việt, cũng là yếu tố quan trọng để tạo động lực tiêu dùng bền vững từ bên trong.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tim-giai-phap-phat-trien-thi-truong-trong-nuoc-kich-cau-tieu-dung-noi-dia-d749655.html