| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 10/05/2025 - 16:35

Thủy sản

Thủy sản đặt mục tiêu tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược

Thứ Bảy 10/05/2025 - 16:28

Hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) trong lĩnh vực thủy sản đã khởi sắc nhưng vẫn chưa xứng tầm và chưa thực sự là động lực dẫn dắt ngành phát triển.

Khoa học công nghệ đã khởi sắc nhưng chưa xứng tầm

Phát biểu tại phiên chuyên đề 2 về chăn nuôi và thú y, thủy sản và kiểm ngư trong khuôn khổ Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cùng các văn bản liên quan của ngành nông nghiệp và môi trường diễn ra ngày 10/5 tại Bắc Ninh, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới, giữ vai trò chủ đạo cung cấp sản phẩm thủy sản toàn cầu. Điều này có sự đóng góp không nhỏ của KHCN.

Tôm và cá tra là hai sản phẩm quan trọng đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu thủy sản của nước ta. Đối với nuôi biển, đã có những doanh nghiệp xuất khẩu trên 100 triệu USD, xuất khẩu cá rô phi năm 2024 đã đạt 41 triệu USD… Như vậy có thể thấy, ngành thủy sản vẫn có nhiều lợi thế và còn dư địa để phát triển và khoa học công nghệ (KHCN) sẽ đóng tiếp tục vai trò then chốt thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của ngành.

Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân cho biết, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới. Ảnh: Tùng Đinh.

Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân cho biết, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia xuất khẩu thủy sản lớn trên thế giới. Ảnh: Tùng Đinh.

Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân cho biết: “Thời gian qua, KHCN trong lĩnh vực thủy sản đã có khởi sắc, thu hút được các nguồn lực trong nước và quốc tế, đột phá trong khâu chọn tạo giống thủy sản, hoàn thiện quy trình nuôi, thức ăn thủy sản… tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá tra, rô phi…”.

Lãnh đạo Cục Thủy sản và Kiểm ngư nhấn mạnh những kết quả nổi bật của KHCN trong lĩnh vực thủy sản thời gian qua, đó là đã chọn tạo được 35 giống thủy sản. Xây dựng công thức thức ăn cho một số đối tượng nuôi chủ lực như cá tra, tôm hùm, ốc hương, cá biển...

Xây dụng một số mô hình về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong nuôi trồng thủy sản; ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm thủy sản…

Nghiên cứu và cải tiến ngư cụ, thiết bị, quy trình kỹ thuật trong khai thác, bảo quản sau thu hoạch; ứng dụng ngư cụ chọn lọc góp phần bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Áp dụng công nghệ trong chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, chế biến sâu, sản phẩm ăn liền, surimi… đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

Tuy nhiên, theo ông Luân, hoạt động KHCN vẫn chưa xứng tầm và chưa thực sự là động lực dẫn dắt ngành thủy sản phát triển. Nghiên cứu tiên phong, tiền đề cho phát triển các sản phẩm mới như nuôi biển công nghiệp, rong tảo biển, cá cảnh, chế biến dược liệu và mỹ phẩm... còn hạn chế.

Trong sản xuất giống, chất lượng còn thấp, phụ thuộc vào nước ngoài; tỷ lệ sống cá tra giai đoạn ương giống còn thấp. Giống cá biển vừa thiếu về số lượng vừa chất lượng kém. Giống tôm hùm, nhuyễn thể... cơ bản vẫn phụ thuộc vào khai thác tự nhiên; rủi ro về dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Về công nghiệp chế biến, đã có những doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu với quy mô và sản lượng lớn trên thị trường thế giới như tôm của Minh Phú, cá tra của Vĩnh Hoàn... nhưng nhìn chung tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu còn ít, sản phẩm phi thực phẩm từ phụ liệu và thủy sinh vật chưa được phát triển mạnh mẽ.

Về công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu, chưa hiểu biết đầy đủ các quy luật sinh trưởng và phân bố của các đối tượng khai thác chủ lực như cá ngừ, mực, cá biển sâu...; tổn thất sau thu hoạch cao hơn mức trung bình thế giới.

Các nghiên cứu về thị trường, quản trị chuỗi giá trị và phục vụ xây dựng chính sách còn ít hoặc thiếu tính thực tế và chưa bao hàm hết sự phát triển linh hoạt của người tiêu dùng và của các phân khúc thị trường trong nước và quốc tế.

Nghiên cứu các nhiệm vụ KHCN hiện nay vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa gắn kết. Số lượng doanh nghiệp tham gia vào ứng dụng và phát triển KHCN còn hạn chế.

Thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những trụ cột trọng tâm

Ông Luân cho hay, định hướng phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thủy sản trong thời gian tới sẽ bám sát tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị, nhấn mạnh việc hoàn thiện “thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những trụ cột trọng tâm, cốt lõi”. Đồng thời hướng tới mục tiêu “Phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược”.

Cụ thể, về nuôi trồng thủy sản, ngành sẽ tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án KHCN dài hạn trong nghiên cứu chọn tạo giống thủy sản tăng trưởng nhanh, kháng bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Xây dựng các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ nuôi quy mô công nghiệp như nuôi cá biển, nuôi cá nước mặt lớn (sông, hồ chứa), nuôi trồng và chế biến rong biển.

Định hướng phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thủy sản sẽ bám sát tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị. Ảnh: Hồng Thắm.

Định hướng phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực thủy sản sẽ bám sát tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị. Ảnh: Hồng Thắm.

Nghiên cứu dịch tễ học về bệnh cho các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, có giá trị kinh tế cao. Tiếp tục triển khai Đề án các sản phẩm quốc gia đối với tôm nước lợ, cá tra và đề xuất bổ sung đối tượng nuôi biển.

Về khai thác nguồn lợi và bảo quản, chế biến thủy sản, sẽ tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ khai thác, cơ giới hóa, hiện đại hóa đội tàu khai thác. Nghiên cứu phát triển công nghệ khai thác, cơ giới hoá, hiện đại hóa đội tàu khai thác.

Nghiên cứu công nghệ mới, hiện đại, tiên tiến trong chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng, chế biến sâu, sản phẩm ăn liền, thực phẩm chức năng, nguyên liệu hóa mỹ phẩm… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, hàng hóa phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng sẽ ứng dụng công nghệ số trong hoạt động nuôi, khai thác, bảo vệ nguồn lợi, chế biến.

Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu… trong hoạt động nuôi, khai thác, bảo vệ nguồn lợi, chế biến.

Ứng dụng công nghệ số trong quản lý, vận hành khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản, kiểm ngư (hệ thống thông tin chuyên ngành thủy sản; hệ thống giám sát tàu cá; hệ thống thông tin chỉ huy điều hành kiểm ngư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành).

Đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế, vận động tài trợ trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ chiến lược trong các lĩnh vực thủy sản.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/thuy-san-dat-muc-tieu-tu-chu-ve-cong-nghe-nhat-la-cong-nghe-chien-luoc-d752447.html