Thứ năm 15/05/2025 - 16:24
Sức khỏe - Gia đình
Thuốc tiêm giảm cân: Kỷ nguyên mới hay gánh nặng điều trị suốt đời?
Thứ Năm 15/05/2025 - 16:20
Thừa nhận sự hiệu quả nhưng các chuyên gia vẫn lo ngại về tính bền vững của thuốc khi bệnh nhân ngừng sử dụng, cũng như vấn đề lâu dài cho y tế công.
- 6 món ăn bài thuốc hỗ trợ giảm cân theo y học cổ truyền
- Bí quyết ăn uống ngày Tết ít tăng cân từ chuyên gia dinh dưỡng
- 5 sai lầm về chế độ ăn uống khiến việc giảm cân trở nên khó khăn
Thuốc tiêm giảm cân như Wegovy, Ozempic hay Mounjaro đang tạo nên bước ngoặt trong điều trị béo phì, căn bệnh được ví như “đại dịch toàn cầu” của thế kỷ 21.
Những loại thuốc thế hệ mới này không chỉ giúp người dùng giảm tới 16 kg trong vài tháng đầu mà còn làm giảm nguy cơ mắc hơn 40 bệnh lý nghiêm trọng như tim mạch, đột quỵ, sa sút trí tuệ và thậm chí là ung thư.

Phân tích của 11 nghiên cứu cho thấy bệnh nhân thường trở lại cân nặng ban đầu trong vòng 10 tháng sau khi ngừng dùng thuốc tiêm giảm cân. Ảnh: PA.
Tại Đại hội châu Âu về Béo phì 2025, nhiều chuyên gia ca ngợi hiệu quả vượt trội của các thuốc thuộc nhóm GLP-1. GS Donna Ryan từ Trung tâm Nghiên cứu Y sinh Pennington (Hoa Kỳ) cho biết, chỉ sau 3 tháng dùng Wegovy, nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim của người bệnh đã giảm rõ rệt, thậm chí trước cả khi cân nặng thay đổi nhiều. “Nếu hiệu quả đến sớm như vậy, tại sao phải chờ đợi”, bà đặt vấn đề, đồng thời khuyến nghị thay đổi chính sách y tế để đẩy nhanh triển khai.
Tại Anh, Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) đã phê duyệt Mounjaro cho một số nhóm bệnh nhân từ tháng tới, với mục tiêu mở rộng tiếp cận cho 220.000 người trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng tốc độ này còn quá chậm so với tiềm năng cứu sống mà các loại thuốc này đem lại.
“Đây là thời điểm vàng để hành động, nếu muốn giảm số người tử vong sớm do các bệnh mãn tính liên quan đến béo phì”, bác sĩ Sonya Babu-Narayan, Giám đốc lâm sàng tại Quỹ Tim mạch Anh nhấn mạnh.
Nhưng cũng chính tại hội nghị này, một phân tích từ Đại học Oxford đã đặt ra dấu hỏi lớn về tính bền vững. GS Susan Jebb, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết dữ liệu từ 11 nghiên cứu lâm sàng và quan sát với 6.370 người tham gia cho thấy: Người dùng Semaglutide và Tirzepatide, 2 hoạt chất chính trong Wegovy và Mounjaro, có thể giảm trung bình 16 kg trong thời gian đầu, nhưng sẽ tăng trở lại khoảng 9,6 kg chỉ trong 12 tháng sau khi ngừng thuốc. Như vậy, nếu không duy trì điều trị, hiệu quả ban đầu gần như bị xoá bỏ trong vòng chưa đầy hai năm.
So với các phương pháp ăn kiêng truyền thống, nơi người áp dụng thường tăng cân trở lại trong vòng 5 năm, thuốc tiêm giảm cân cho thấy một hiệu ứng mạnh mẽ hơn. Theo Jebb, điều này xảy ra vì người dùng thuốc không cần học cách kiểm soát khẩu phần hay thay đổi hành vi ăn uống, nên khi dừng thuốc, họ không có cơ chế nội tại để giữ cân nặng ổn định.
“Chúng ta đang đứng trước lựa chọn: Hoặc điều trị suốt đời, hoặc đầu tư nghiêm túc vào hệ thống hỗ trợ hành vi và dinh dưỡng để duy trì kết quả sau điều trị”, bà nói.
Thực tế cho thấy thuốc GLP-1 không chỉ giúp giảm cân mà còn phòng ngừa một loạt bệnh lý liên quan đến lão hóa. GS John Deanfield từ Đại học University College London cho biết, hiện có hơn 150 loại thuốc điều trị béo phì đang trong giai đoạn phát triển hoặc thử nghiệm, một con số chưa từng có trong lịch sử y học.

Các thử nghiệm đã chỉ ra rằng tiêm thuốc giảm cân có thể làm giảm nguy cơ mắc 42 bệnh, trong đó có ung thư và bệnh tim mạch. Ảnh: Alamy.
Tuy nhiên, hiệu quả tiềm năng cũng đi kèm những thách thức đáng kể. Một mặt, hướng dẫn của Viện Y tế Quốc gia Anh (NICE) khuyến cáo không sử dụng thuốc tiêm giảm cân quá 2 năm. Mặt khác, chi phí điều trị cao và tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy khiến không ít người phải ngừng giữa chừng. Đối với những người phải tự chi trả, bài toán tài chính trở nên không dễ giải.
Giới chuyên gia cho rằng thuốc giảm cân không thể đứng một mình. GS Jane Ogden, chuyên gia tâm lý sức khỏe tại Đại học Surrey, cảnh báo: “Chúng ta không thể đơn giản tiêm thuốc rồi để mặc bệnh nhân quay về với thói quen cũ”. Bà đề xuất triển khai hệ thống hỗ trợ đa tầng gồm tư vấn hành vi, dinh dưỡng và tâm lý, từ mô hình tư vấn trực tuyến quy mô lớn đến nhóm cộng đồng và cả can thiệp một kèm một.
Từ góc độ chính sách, Bộ Y tế Anh cho biết đang xem xét mở rộng quyền tiếp cận thuốc giảm cân, đồng thời đàm phán với các hãng dược để có mức giá hợp lý cho người nộp thuế. “Thuốc giảm cân có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi, nhưng không thể thay thế chế độ ăn uống và vận động lành mạnh”, người phát ngôn của Bộ Y tế nhấn mạnh.
Với bối cảnh hiện tại, thuốc tiêm giảm cân có thể đóng vai trò như một cầu nối giúp bệnh nhân béo phì tránh được các biến chứng nguy hiểm, đồng thời tạo điều kiện để họ xây dựng lối sống bền vững hơn.
Mặc dù vậy, về lâu dài, hiệu quả của những loại thuốc này sẽ không chỉ phụ thuộc vào dược tính, mà còn vào việc chúng được tích hợp như thế nào trong hệ thống y tế và hành vi của cộng đồng. Lựa chọn con đường điều trị suốt đời hay đầu tư vào thay đổi hành vi vẫn là bài toán chưa có lời giải rõ ràng, không chỉ cho từng cá nhân, mà còn cho chính sách y tế công trên toàn cầu.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/thuoc-tiem-giam-can-ky-nguyen-moi-hay-ganh-nang-dieu-tri-suot-doi-d753364.html