| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 18/05/2025 - 08:47

Thủy sản

Thủ phủ tôm giống công nghệ cao: [Bài 3] Những việc cần làm để phát triển bền vững

Chủ Nhật 18/05/2025 - 08:46

Mặc dù Ninh Thuận là thủ phủ tôm giống của cả nước, thế nhưng thực tế hiệu quả mang lại cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất lại chưa tương xứng.

Càng phát triển càng khó khăn

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Ninh Thuận, năm 2024 dù sản lượng tôm giống sản xuất và tiêu thu cao nhưng cũng là năm các cơ sở sản xuất gặp nhiều khó khăn. Khó khăn là do môi trường ngày càng suy giảm khiến dịch bệnh xảy ra, bên cạnh đó, với sức cạnh tranh khốc liệt ở thị trường tiêu thụ, các cơ sở sản xuất tôm giống phải khuyến mãi 100-150% mới tiêu thụ được sản phẩm.

Hiện Ninh Thuận đang duy trì 11 cơ sở an toàn dịch bệnh với tôm giống và tôm bố mẹ. Ảnh: PC.

Hiện Ninh Thuận đang duy trì 11 cơ sở an toàn dịch bệnh với tôm giống và tôm bố mẹ. Ảnh: PC.

Nguyên nhân do nhiều tỉnh khác cũng đang phát triển sản xuất giống thủy sản. Thêm nữa, ngành sản xuất tôm giống còn phải đối mặt với khó khăn về nguyên liệu đầu vào, chi phí đầu vào tăng cao; trong khi đó giá sản phẩm bấp bênh, không ổn định. 

So với các địa phương khác thì Ninh Thuận tự hào là trung tâm sản xuất tôm giống, với sản lượng năm 2024 là 44 tỷ con, chiếm 35% sản lượng tôm giống cả nước. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại cho từng cơ sở sản xuất ngày càng đi xuống. Trước thực trạng trên, từng cơ sở phải có hướng đi phù hợp mới có thể phát nếu bền vững.

Ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận thừa nhận: “Sản lượng tôm giống của Ninh Thuận ngày càng tăng, nhưng khó khăn của các doanh nghiệp cũng ngày càng nhiều”.

Ông Quê nêu ví dụ: “Năm 2024 tình hình cạnh tranh sản phẩm tôm giống trên thị trường quá khốc liệt, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận phải khuyến mãi 100% thì mới tìm được đầu ra, có những doanh nghiệp phải khuyến mãi đến 150% mà vẫn không tiêu thụ được”.

Thế nên, theo ông Quê, những thành tựu mà ngành sản xuất tôm giống của Ninh Thuận chưa thể mang lại niềm vui trọn vẹn. Ông Quê cho rằng cần phải phát huy được thương hiệu tôm giống Ninh Thuận để ngành sản xuất tôm giống thoát khỏi vòng vây khó khăn.

“Từ năm 2018, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp cho Ninh Thuận nhãn hiệu “Tôm giống Ninh Thuận”. Tuy nhiên, đến nay thương hiệu này vẫn chưa được phát huy tối đa. Nếu khai thác được thương hiệu thì các cơ sở sản xuất sẽ thu hút được khách hàng chứ không phải vừa bán vừa cho như hiện nay”, ông Quê khẳng định.

Ngành sản xuất tôm giống Ninh Thuận phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Ảnh: PC.

Ngành sản xuất tôm giống Ninh Thuận phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Ảnh: PC.

Ông Quê đề xuất: “Về quản lý Nhà nước, rất mong các cơ quan chức năng giảm bớt các thủ tục hành chính. Ví như trong điều kiện ương dưỡng, những trại tôm giống chỉ có 30 hồ sản xuất cũng phải đi làm thùng chứa rác thải nguy hại ngang như 1 công ty có quy mô hàng ngàn hồ nuôi. Bố trí thùng chứa rác thải nguy hại là rất cần thiết, nhưng phải áp dụng phù hợp với quy mô thực tế để tháo gỡ bớt khó khăn cho doanh nghiệp”.

Cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm giống còn yếu

Còn ông Dư Ngọc Tuấn, Tổng Thư ký Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận thì boăn khoăn: Đối với vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao An Hải, UBND tỉnh Ninh Thuận hiện đang có chủ trương kêu gọi đầu tư vào khu vực này nhằm xây dựng khu sản xuất tôm giống công nghệ cao kiểu mẫu của cả nước. Đây là chủ trương lớn và phù hợp với nguyện vọng của người nuôi tôm.

Tuy nhiên, người dân không biết tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nuôi tôm giống hay đầu tư cơ sở sản xuất giống. Nếu đầu tư cơ sở sản xuất giống thì không biết quỹ đất trong vùng này có còn hay không. Còn nếu đầu tư xây dựng hoàn thiện công trình cơ ở hạ tầng thì chủ trương, chính sách của tỉnh là gì. Chủ trương, chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đặc thù khu sản xuất tôm giống công nghệ cao kiểu mẫu cần được sớm ban hành để kêu gọi đầu tư.

“Xây dựng khu sản xuất tôm giống công nghệ cao kiểu mẫu nếu trông vào nội lực của tỉnh sẽ rất khó, vì Ninh Thuận còn nhiều khó khăn, cần phải kêu gọi nhà đầu tư. Rất mong ngành nông nghiệp sớm tham mưu UBND tỉnh ban hành chủ trương, chính sách để các nhà đầu tư cân nhắc tham gia”, ông Tuấn nói.

Năm 2024, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận phải khuyến mãi 100% thì mới tìm được đầu ra. Ảnh: PC.

Năm 2024, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất tôm giống ở Ninh Thuận phải khuyến mãi 100% thì mới tìm được đầu ra. Ảnh: PC.

Một bất cập khác cũng được ông Tuấn nêu ra là: Vùng sản xuất tôm giống Nhơn Hải khá gần với vùng quy hoạch nuôi biển. Do đó, một số doanh nghiệp sản xuất tôm giống trong vùng Nhơn Hải có ý kiến là cần có cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá lại tác động môi trường nuôi biển ven bờ ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ ngành sản xuất tôm giống như thế nào. Nếu có ảnh hưởng thì cần nghiên cứu, thiết lập vùng đệm để bảo vệ 2 vùng sản xuất tôm giống lớn nhất tỉnh.

Theo ông Lê Văn Quê, Chủ tịch Hiệp hội Giống thủy sản Ninh Thuận, về đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các trung tâm giống thủy sản tập trung hiện nay chưa được triển khai rốt ráo. Hiện mới chỉ xây dựng được hệ thống thu gom nước thải, nhưng không biết đầu ra của nước thải trong hệ thống được đưa về đâu.

Chưa kể đến chuyện xung đột giữa các lĩnh vực nuôi khác nhau trong một vùng nuôi; phía trên thì nuôi ốc hương, bên hông nuôi cá; với lượng thức ăn tươi sống của hai đối tượng nuôi nói trên đổ xuống nguồn nước nuôi mỗi ngày sẽ làm ảnh hưởng đến nguồn nước nuôi tôm giống. “Chúng tôi rất mong ngành chức năng chỉ đạo quyết liệt khắc phục tình trạng này”, ông Quê đề nghị.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/thu-phu-tom-giong-cong-nghe-cao-bai-3-nhung-viec-can-lam-de-phat-trien-ben-vung-d750498.html