| Hotline: 0983.970.780

Chủ nhật 04/05/2025 - 20:35

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Thanh kiếm và lưỡi cày

Chủ Nhật 04/05/2025 - 20:32

Nếu mỗi người sẽ có đủ minh triết để vui vẻ hài lòng với những điều nhỏ nhặt mình làm thì thanh kiếm sẽ không cần tồn tại nữa. Khi điều đó chưa xảy ra thì thanh kiếm vẫn còn hiện diện bên lưỡi cày.

"Đạp quân thù xuống đất đen

Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa"

Nguyễn Đình Thi

Bức tượng Hãy rèn kiếm thành cày.

Bức tượng Hãy rèn kiếm thành cày.

Tại khu vườn phía Bắc trụ sở Liên Hiệp Quốc, New York, có một bức tượng đồng mô tả người đàn ông đang vung búa vào thanh kiếm, phần mũi kiếm chuyển cong dần thành lưỡi cày. Tác phẩm mang tên “Hãy rèn kiếm thành cày” do nhà điêu khắc lừng danh Yevgeny Vuchetich tạo nên. Đây là món quà của Liên Xô trao tặng vào năm 1959 nhằm thể hiện thiện chí cắt giảm vũ khí trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ẩn ý đàng sau bắt nguồn từ Ngôn sứ Isaia trong kinh Cựu Ước: “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc cày, rèn giáo mác nên liềm hái”. Tương tự, trong tác phẩm Trung Dung của Nho Giáo cũng ghi lại mong muốn của Nhan Hồi muốn biến gươm đao thành nông cụ. 

Rất nhiều binh khí xuất thân từ đời sống lao động. Dễ thấy nhất là con dao, cây gậy có từ thuở bình minh của con người. Buộc chặt con dao đá vào cây gậy, nhân loại phát minh ra ngọn giáo đi săn. Cùng với cây cung, người tiền sử tiến một bước dài trong chuỗi thức ăn. Khi chuyển sang trồng trọt, chăn nuôi, những nông dân dần dần tạo ra nông cụ như cuốc, thuổng. Chúng cũng trở thành vật dụng tham gia bảo vệ bản thân người lao động và thành quả khi gặp thú dữ, trộm cướp. Côn nhị khúc nổi tiếng cùng tài tử Lý Tiểu Long cũng xuất phát từ gậy đập lúa. Cái cày thì quá nặng nên không được xếp vào đội hình phòng ngự phản công này.

Mặt khác, rõ ràng thanh kiếm không xuất phát từ một dụng cụ lao động mà là một phát minh thuần, con người dành để đối chọi với nhau. Không giúp ích sinh hoạt hàng ngày như dao, gậy. Không chuyên cho việc săn bắn thú rừng như cung, giáo. Không xuất phát từ những nông cụ trồng trọt như cuốc, thuổng. Không thể dùng kiếm để thuận tiện làm bếp hay đốn củi, giỏi lắm thì có thể hỗ trợ phát hoang thôi. Kiếm chỉ thực sự thể hiện tác dụng khi đối phó với đồng loại mình. 

Nhiều loài động vật có thể gây hại cho con người. Theo cuốn Địa chính trị loài muỗi của tác giả Erik Orsenna thì hiện nay mỗi năm trung bình số lượng người chết do những biểu tượng hung dữ, to lớn như cá mập, chó sói gây ra là 10, sư tử, voi là 100. Người bạn thân thiết của con người - chó nhà chịu trách nhiệm cho  25 nghìn vụ việc. Đứng đầu bảng là nhân vật chính của cuốn sách: muỗi, hung thần bậc nhất với khoảng 750 nghìn sinh mạng, hoành hành từ rừng rậm đến đô thị. Còn đứng thứ hai lại chính là… loài người. 475 nghìn ca tử vong mỗi năm do đồng loại gây nên. Vừa dọn dẹp những vật dụng chứa nước tránh lăng quăng bọ gậy, chúng ta vừa nên đề phòng lẫn nhau. Có thể chưa từng quen biết nhưng chỉ cần khác biệt về niềm tin là đủ lý do để xuống tay rồi. Nghe nực cười nhưng đó là cách hành xử của giống loài hình thành văn minh thông qua tán gẫu hàng ngày. Thật đáng lo về kẻ không cùng quan điểm với mình. Những thử nghiệm tâm lý đã cho thấy cá nhân khó bề tự chủ trước những quan điểm tập thể đưa ra. Mỗi tập thể cắt nghĩa sự việc theo cách khác nhau và thế là chiến tranh có thể bùng lên.

Biểu đồ số người thiệt mạng do động vật gây ra.

Biểu đồ số người thiệt mạng do động vật gây ra.

Võ thuật và gươm kiếm sinh ra nhằm mục đích đối kháng đồng loại. Theo thời gian, võ được dùng như một cách để rèn luyện sức khỏe. Kiếm cũng có thể như vậy, nhưng sát ý ban sơ còn nồng đậm khó tan. Ở một buổi cắm trại, con dao có thể làm đủ việc chặt gỗ, đánh lửa, làm bếp trong khi cây kiếm vẫn là cây kiếm. Người ta chỉ có thể thay đổi quan niệm về nó khi nó được rèn lại thành lưỡi cày.

Thế nhưng nếu tất cả kiếm đều thành cày thì quốc gia sẽ tiêu vong vì sự ngây thơ Mị Châu của mình. Những triều đại từ Đinh, Lý, Trần đã giải quyết bài toán này bằng chính sách “Ngụ binh ư nông”: Đem quân lính đi làm nông nghiệp. An ninh quốc phòng và an ninh lương thực được cân bằng, vừa đảm bảo lực lượng quân đội đông đảo vừa duy trì canh tác, cày cấy. Đồng ruộng và biên cương đều được chăm lo. Nhờ vậy mà hài hòa chiến đấu và sản xuất, dự trữ thời bình, ứng phó thời chiến, quân dân làm một.

Những chuyện cổ tích về hiệp sĩ đánh rồng, những bộ phim võ thuật hành hiệp trượng nghĩa đã làm bao cậu bé thích thú khi cầm cây kiếm nhựa, tưởng tượng mình là anh hùng giữ gìn chính nghĩa. Khi lớn, người ta mới nhận ra phép màu không ở đâu xa. Trong nhà bếp luôn xảy ra phép màu của biến những đồ nguội lạnh tanh nồng thành món ăn tươi nóng thơm ngon sau vài phút. Hay ở ngoài vườn, cây cối đang lặng lẽ chuyển hóa bùn đất thành hoa trái. Không cần đeo thanh kiếm ở thắt lưng, mình có thể làm những điều tốt dù lớn dù nhỏ. 

Võ thuật và vận động là phép màu có thể cải biến con người khéo léo hơn, bền bỉ hơn, mạnh mẽ hơn chính mình trước đây. Khi chưa về Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã phải trải qua 7 lần phẫu thuật cắt bỏ gần hết buồng phổi, tiên lượng chỉ sống thêm chừng 2 năm nữa. Không chịu bỏ cuộc, ông đã tìm hiểu các phương pháp hít thở, vận động dưỡng sinh của võ thuật phương Đông để rèn luyện, sống và cống hiến sức lực cho Tổ quốc thêm 50 năm. Tốt nghiệp bác sĩ Nhi khoa ở Pháp nhưng ông lại tìm thấy những điều hữu ích cho bản thân và mọi người ở quê hương. Trong kho tàng tác phẩm đồ sộ để lại, từ Từ điển tâm lý cho tới Truyện Kiều biên dịch sang tiếng Pháp, hai công trình ông tâm đắc nhất lại là bài vè hít thở 12 câu đơn giản và việc đưa môn đá cầu vào trường học.

Đá cầu là một môn thể thao đơn giản bình dân, chơi cá nhân hay tập thể đều tốt, kinh phí thấp, hiệu quả cao. Môn này phù hợp với dân ta đến nỗi hiện tại đội tuyển đá cầu Việt Nam đã vô địch thế giới lần thứ 11 liên tiếp. Thành công này phải tính đến công lao của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã nghiên cứu gầy dựng nền tảng một môn thể thao giúp người Việt khỏe mạnh trong hoàn cảnh đất nước thiếu thốn trăm bề. Năm 1992, khi nhận được giải thưởng Grand prix de la Francophonie của Viện Hàn lâm Pháp, ông đã dành tặng 10 triệu đồng, một số tiền lớn trong thời đó, cho việc phát triển bộ môn đá cầu. Đến nay tôi vẫn ngờ ngợ rằng bài thơ “Cùng vui chơi” tác giả khuyết danh trong sách Tiếng Việt ngày trước có liên quan đến ông:

Cùng vui chơi

Ngày đẹp lắm bạn ơi!

Nắng vàng trải khắp nơi

Chim ca trong bóng lá

Ra sân ta cùng chơi

Quả cầu giấy xanh xanh

Qua chân tôi, chân anh

Bay lên rồi lộn xuống

Đi từng vòng quanh quanh.

Anh nhìn cho tinh mắt

Tôi đá thật dẻo chân

Cho cầu bay trên sân

Đừng để rơi xuống đất.

Trong nắng vàng tươi mát

Cùng chơi cho khỏe người

Tiếng cười xen tiếng hát

Chơi vui học càng vui.

Giai thoại về danh y Biển Thước có hai người anh giỏi y thuật hơn: người chữa khi bệnh còn mới chớm, người chữa khi bệnh còn chưa hình thành nên không có tiếng tăm. Chỉ có Biển Thước khi bệnh nặng rồi mới chữa, vì vậy mà người đời trọng vọng. Câu chuyện này ngụ ý mỗi người nên chú tâm phòng bệnh, chăm sóc cơ thể mỗi ngày hơn là đợi đến khi đau ốm. Như trào lưu “Chanh liều cao” nở rộ mới đây, thay vì cả tin vắt nước cốt vào mắt thì mỗi người thử trồng lấy một cây chanh từ hạt, tưới nước hàng ngày, ngắm mầm lá lớn lên. Đó đã là liều thuốc quý cho tinh thần đỡ căng thẳng trong thế giới biến động này, bất kể cây chanh có đậu quả được không. Hạnh phúc là một hành trình tận hưởng, không phải đích đến vậy. Nông nghiệp có thể là một hành trình của hạnh phúc.

Ba năm bị tù đày, đối mặt với cái chết trong trại tập trung của Đức Quốc xã vì gốc gác Do Thái đã giúp giáo sư Viktor Frankl hình thành nên liệu pháp Ý nghĩa (logotherapy). Ông cho rằng con người được thôi thúc bởi một thứ gọi là “khát vọng tìm ra ý nghĩa sống”. Ông viết trong cuốn Đi tìm lẽ sống: “Mọi thứ đều có thể bị tước đoạt khỏi một người ngoại trừ một điều: quyền tự do cuối cùng - lựa chọn thái độ của mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào chính lựa chọn con đường riêng của mình”. Nếu không thể thay đổi hoàn cảnh nữa, chúng ta phải thay đổi chính mình. Làm chủ được mình là chìa khóa của hạnh phúc. Ông cũng xem quyền tự do và trách nhiệm phải gắn liền như hai mặt của một đồng xu. Frankl nói với khán giả Mỹ: “Tôi cho rằng ngoài bức tượng nữ thần Tự do ở bờ Tây, nên có thêm tượng thần Trách nhiệm ở bờ Đông”. Tự do là một nửa sự thật, nó sẽ thành chủ nghĩa độc đoán nếu không gắn với trách nhiệm. Mặt khác, trách nhiệm với tập thể nên đi kèm với sự tự chủ, tỉnh táo trước cơn say của số đông.

Xe tăng và bộ binh Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Ảnh: Getty.

Xe tăng và bộ binh Đức Quốc xã trong Thế chiến II. Ảnh: Getty.

Đất nước vừa trải qua những ngày hội lớn kỷ niệm 50 năm thống nhất non sông. Bao niềm vui và biết ơn cuộc sống hòa bình. Người khỏe mạnh có nhiều điều ước, người bệnh chỉ ước được khỏe. Người ở trong chiến tranh cũng thế, chỉ mong có hòa bình ổn định để sống, để theo đuổi ước mơ.

Tác giả Đặng Quốc Thành.

Tác giả Đặng Quốc Thành.

Pháo hoa đã vụt qua, sau lễ hội mọi người trở về với đời thường, mang niềm vui tận hưởng giá trị hòa bình vào những lao động xây dựng thường ngày. Cuộc sống không có chiến tranh, ngoài con đường binh nghiệp đeo gươm bồng súng, người ta có thể tự do lựa chọn công việc khác, ngành nghề khác tùy nguyện vọng. Điều tưởng như hiển nhiên đó chỉ có thể xảy ra trong thời bình. Hôm nay, mỗi thường dân đều có thể là một người lính không số hiệu đang ở trong trạng thái “ngụ binh ư nông”. Làm mình khỏe mạnh, vui tươi, lao động tạo ra giá trị chính là làm cho đất nước hùng cường.

Con người thật kỳ lạ. Trong khi có những người đang nhìn ra vũ trụ qua cửa sổ tàu du hành thì những kẻ khác đang tỉ mẩn gieo hạt lúa trên mảnh đất đầy đá tai mèo. Niềm vui cũng thật lạ kỳ, công việc nào cũng có thể mang lại niềm vui bất kể lớn bé, miễn là người ta có tình yêu với nó. 

Nếu mỗi người sẽ có đủ minh triết để vui vẻ hài lòng với những điều nhỏ nhặt mình làm thì thanh kiếm sẽ không cần tồn tại nữa. Khi điều đó chưa xảy ra thì thanh kiếm vẫn còn hiện diện bên lưỡi cày.

Bình Thạnh, 05/2025

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tri-thuc-nong-dan/thanh-kiem-va-luoi-cay-d751346.html