Thứ hai 05/05/2025 - 07:49
Khuyến nông
Tây Nguyên xanh lên nhờ phụ nữ làm nông bền vững
Thứ Hai 05/05/2025 - 07:47
Nhờ chương trình hỗ trợ, những phụ nữ ở Tây Nguyên đang truyền cảm hứng bằng mô hình nông nghiệp hiệu quả và thân thiện với môi trường.
- Cánh đồng khoai tây canh tác bền vững cho năng suất tăng 30%
- Đối tác công tư: Động lực phát triển khoai tây bền vững
- Suntory PepsiCo Việt Nam: 30 năm phát triển bền vững và tiên phong trong các mô hình hợp tác công - tư
- Trồng khoai tây trái vụ công nghệ cao, lãi 100 triệu đồng/ha
Những tấm gương tiên phong
Tại vùng đất đỏ Tây Nguyên, nơi thời tiết khắc nghiệt và điều kiện sản xuất nông nghiệp còn nhiều thách thức, những chuyển động tích cực đang dần lan tỏa nhờ bàn tay và quyết tâm của phụ nữ.
Trong số đó, chị Đàm Thị Phương và chị H’Nối Byă (tỉnh Đắk Lắk) là hai tấm gương điển hình cho sự đổi thay từ những người làm nông nghiệp truyền thống trở thành những người tiên phong ứng dụng mô hình nông nghiệp xanh, bền vững và hiệu quả. Câu chuyện của họ là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh của tri thức, sự hỗ trợ đúng lúc và vai trò không thể thiếu của phụ nữ trong phát triển nông thôn.

Chị Đàm Thị Phương (trái) biết cách sản xuất chế phẩm vi sinh và tự làm được phân bón hữu cơ. Ảnh: Bảo Thắng.
Chị Đàm Thị Phương, nông dân tại xã Ea M’dróh (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) đã có nhiều năm canh tác rau màu nhưng phụ thuộc hoàn toàn vào phân bón hóa học. Sau mỗi vụ, chị nhận thấy đất ngày càng chai cứng, năng suất giảm sút, trong khi chi phí đầu vào tăng không kiểm soát.
Nỗi trăn trở này thôi thúc chị tìm đến nhóm sinh kế trồng rau thuộc dự án “Tôi vui gieo” - một hợp phần quan trọng của chương trình "She Feeds the World" (SFTW) do CARE và Quỹ PepsiCo phối hợp triển khai tại Việt Nam.
Nhờ tham gia các buổi tập huấn và hỗ trợ thực hành từ chương trình, chị Phương đã tiếp cận được phương pháp sản xuất IMO (ứng dụng chế phẩm vi sinh bản địa) và tự làm phân bón hữu cơ từ các nguyên liệu có sẵn như rơm rạ, cám, cơm nguội, men rượu. Không những giảm được 50% chi phí sản xuất, phương pháp này còn cải thiện rõ rệt chất lượng đất, giúp cây phát triển bền vững, xanh tốt và hạn chế sâu bệnh.
Đặc biệt, thông qua tư vấn kỹ thuật, chị Phương đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun sương tiết kiệm nước - bước tiến quan trọng trong vùng canh tác thường xuyên thiếu nước vào mùa khô.
Không dừng lại ở sản xuất, chị Phương còn chủ động thử nghiệm thương mại hóa chế phẩm IMO, chia sẻ kinh nghiệm với bà con lối xóm và hỗ trợ người dân khác tiếp cận với mô hình này. “Trước kia tôi chỉ lo làm sao đủ ăn. Giờ thì tôi nghĩ xa hơn, mình phải làm sạch để có đầu ra ổn định, để đất còn tốt cho con cháu sau này”, chị chia sẻ.

Mô hình trồng nấm của chị H’Nối Byă. Ảnh: Bảo Thắng.
Tương tự, chị H’Nối Byă, một phụ nữ dân tộc thiểu số tại xã Cư Drăm, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) cũng khởi đầu từ con số không. Từ nhỏ, chị đã ấp ủ mong muốn trồng nấm tại nhà nhưng điều kiện kinh tế và thiếu kinh nghiệm khiến giấc mơ ấy mãi không thành hiện thực. Chỉ khi tham gia chương trình SFTW, chị mới có cơ hội biến sở thích thành sinh kế thực thụ.
Sau các khóa tập huấn, được tiếp cận kỹ thuật trồng nấm sạch và tham quan mô hình mẫu, chị H’Nối mạnh dạn đầu tư 200 bịch phôi nấm. Nhờ chất lượng sản phẩm tốt và được người tiêu dùng tin tưởng, sản phẩm của chị luôn "cháy hàng".
Sau khi giành giải thưởng trong một cuộc thi khởi nghiệp do dự án tổ chức, chị dùng toàn bộ tiền thưởng để đầu tư, nâng quy mô sản xuất lên 1.000 bịch phôi nấm, tạo thêm thu nhập hơn 3 triệu đồng mỗi tháng cho gia đình. Quan trọng hơn, việc trồng nấm giúp tận dụng hiệu quả các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, bẹ ngô. Những phế phụ phẩm này trước đây chị thường xử lý bằng cách đốt bỏ, nhưng giờ trở thành nguồn nguyên liệu hữu ích.
Mô hình trồng nấm không chỉ giúp chị em phụ nữ trong buôn tăng thu nhập mà còn tạo thêm phụ phẩm cung cấp cho những hộ không trồng nấm, góp phần tái sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Hiện tại, chị H’Nối đang liên kết với các nhà hàng để mở rộng đầu ra cho sản phẩm, đồng thời hỗ trợ các hộ trong buôn phát triển mô hình trồng nấm tương tự. “Trước đây tôi ngại tiếp xúc, giờ thì tự tin đứng lớp chia sẻ kinh nghiệm cho người khác. Tôi cảm thấy rất vui vì đã làm được điều có ích cho bản thân và cộng đồng”, chị nói.

Không những đảm bảo cuộc sống, chị H’Nối Byă còn tạo thêm thu nhập cho bà con hàng xóm. Ảnh: Bảo Thắng.
Xây dựng nền nông nghiệp tái sinh và sinh kế bền vững
Câu chuyện của chị Phương và chị H’Nối là hai ví dụ tiêu biểu trong số hơn 8.000 nông dân được chương trình SFTW hỗ trợ tại Tây Nguyên. Đây là sáng kiến toàn cầu do Quỹ PepsiCo và CARE thực hiện từ năm 2019 tại 8 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Với mục tiêu nâng cao năng lực cho nữ nông dân, cải thiện sinh kế và thúc đẩy các thực hành nông nghiệp bền vững, chương trình tại Việt Nam được khởi động từ tháng 9/2022 với sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Đối tác Phát triển Nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV) và Trung tâm Phát triển Cộng đồng (CDC).
Tại Việt Nam, chương trình đã mang lại nhiều kết quả nổi bật: Năng suất trung bình tăng 20%, lượng phân bón hóa học giảm 30% và lượng nước sử dụng giảm 20% nhờ áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Bên cạnh đó, chương trình còn thúc đẩy phát triển mô hình hợp tác công - tư trong nông nghiệp thông qua liên kết sản xuất khoai tây với PepsiCo Foods Việt Nam với diện tích gần 100ha, tiêu thụ sản phẩm ổn định cho nông dân địa phương.
Một thành công lớn khác mà dự án mang lại là sự gia tăng quyền làm chủ của phụ nữ trong sản xuất nông nghiệp. Hơn 60% người tham gia chương trình là phụ nữ, nhiều người trong số đó lần đầu tiên được tiếp cận với các khóa đào tạo kỹ thuật, quản lý tài chính, tổ chức sản xuất và xây dựng kế hoạch kinh doanh. Qua đó, họ không chỉ cải thiện thu nhập mà còn nâng cao tiếng nói trong gia đình và cộng đồng.

Hơn 8.000 nông dân tại Tây Nguyên được chương trình hỗ trợ ổn định sinh kế. Ảnh: Bảo Thắng.
Bà Lê Kim Dung, Giám đốc CARE Việt Nam chia sẻ: “Chương trình là minh chứng cho việc trao quyền và niềm tin. Khi phụ nữ nông thôn có cơ hội học hỏi và quyết định, họ sẽ tạo ra những thay đổi tích cực và bền vững”. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Kim Hành, Giám đốc Nông nghiệp PepsiCo Foods Việt Nam cho biết: “Sáng kiến là bước đi thiết thực trong chiến lược Pep Positive mà PepsiCo đang thực hiện toàn cầu, hướng đến hệ thống nông nghiệp tái sinh và sinh kế bền vững cho nông dân".
Tính đến tháng 4/2025, chương trình cũng đã hỗ trợ nhiều hoạt động nâng cao năng lực ở cấp quốc gia, như tổ chức hội thảo chuyên đề với PSAV về áp dụng công nghệ, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải trong ngành nông nghiệp. Các hướng dẫn kỹ thuật từ chương trình đã được hệ thống hóa thành tài liệu khuyến nông, mở rộng cho các địa phương khác học tập và nhân rộng mô hình.
Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu, thiếu hụt lao động cho đến áp lực truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn thị trường, những mô hình như của chị Phương và chị H’Nối không chỉ là tín hiệu tích cực mà còn là lời giải thực tiễn. Họ không chỉ làm nông mà còn biết tính toán, biết liên kết và biết dẫn dắt sự thay đổi. Đó chính là nền tảng cho một nền nông nghiệp hiện đại, có trách nhiệm, bắt đầu từ bàn tay của những phụ nữ vùng cao đầy nghị lực.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: “Thông qua chương trình, chúng tôi không chỉ tăng năng suất sản xuất mà còn giúp nông dân tiếp cận thị trường, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho các gia đình. Từ những bài học tích lũy, các hướng dẫn kỹ thuật đã được chuyển hóa thành tài liệu khuyến nông thực hành sẽ giúp lan tỏa mô hình sang các vùng khác".
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tay-nguyen-xanh-len-nho-phu-nu-lam-nong-ben-vung-d751183.html