Thực hiện Đề án Đại diện nông nghiệp tại cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đầu năm 2020, khi đang là Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT cử ông Trần Văn Công sang nhận nhiệm vụ tại Phái đoàn Việt Nam tại EU và Bỉ với vai trò là Tham tán nông nghiệp với một sứ mệnh lớn.
Đó là thực hiện vai trò kết nối, đại diện giữa Việt Nam và EU về lĩnh vực nông nghiệp; triển khai các nội dung cam kết trong các Hiệp định, thỏa thuận; thu thập, tổng hợp phân tích chính sách, thông tin kịp thời các quy định hàng rào kỹ thuật của EU để cung cấp thông tin về nước cho các cơ quan quản lý, Hiệp hội ngành hàng.
Đồng thời khắc phục các điểm nghẽn về nội dung truyền tải thông tin, xử lý, hướng dẫn về cho doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng. Đồng thời, thay đổi phương thức xử lý công việc, sát sao hơn nắm rất rõ các đầu mối liên quan từ Trung ương đến địa phương, đề xuất được các hướng giải quyết, trực tiếp kiến nghị các biện pháp xử lý với Bộ, các Bộ, ngành liên quan khác để công việc được thuận lợi và nhanh hơn, hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Ông có thể cho biết nhiệm vụ cụ thể và những kết quả bước đầu đạt được?
Mặc dù có nhiều khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ, như hạn chế về nguồn lực cả về vật chất và nhân lực, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhưng sau hơn 1 năm triển khai Đề án đại diện nông nghiệp tại EU, Tham tán nông nghiệp đã đạt được một số kết quả nhất định trên cả 3 phương diện phát triển thị trường, kêu gọi đầu tư và tìm kiếm chuyển giao công nghệ phục vụ ngành.
Chúng tôi đã phối hợp với Tập đoàn Mekong Châu Âu (MCE EU) xây dựng 2 Bản Thỏa thuận giữa Bộ NN-PTNT với Tập đoàn Mê Kông quốc tế Châu Âu MCE về Hợp tác mở rộng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU và Thúc đẩy kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hai Bản thỏa thuận này đã được ký vào ngày 14/12/2020 tại Bộ NN-PTNT.
Cập nhật các chính sách quy định mới của EU để thông báo kịp thời về nước. Đặc biệt là các quy định liên quan đến thực thi hạn ngạch gạo trong EVFTA, mẫu chứng nhận gạo thơm xuất khẩu sang EU, các quy định mới của EU liên quan đến dư lượng thuốc BVTV đối với nông sản, quy định về MRL Glyphosate trên cà phê, quy định mới đối với thanh long nhập khẩu, quy định mới áp dụng đối với sản phẩm hỗn hợp có chứa thành phần nguồn gốc động vật xuất khẩu vào EU, các quy định mới cho phép Việt Nam xuất khẩu côn trùng làm thực phẩm xuất vào EU, mở cửa cho mật ong của Việt Nam, bổ sung một số loại sản phẩm động vật, thủy sản xuất khẩu vào EU...
Thúc đẩy việc triển khai thực hiện các cam kết khác được ký kết giữa hai bên trong lĩnh vực nông lâm thủy sản, đặc biệt là các cam kết trong thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), liên quan đến SPS và thực thi hạn ngạch gạo và một số mặt hàng EU dành cho Việt Nam, VPA/FLEGT... các cam kết về nông nghiệp...


Tìm kiếm và phối hợp thực hiện việc chuyển giao công nghệ Bioclear Earth xử lý đất để chuyển từ quy trình canh tác hiện nay sang quy trình canh tác hữu cơ chuyển giao đưa về Việt Nam nhằm hướng tới việc triển khai các chương trình sản xuất theo hướng chứng nhận, hữu cơ để phục vụ trong nước và xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế.
Tìm hiểu và vận động các dự án hỗ trợ phát triển ngành, hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cho ngành liên quan đến sản xuất, biến đổi khí hậu trong nghiệp, phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nông nghiệp...
Tìm hiểu nghiên cứu cơ chế quản lý về hệ thống tổ chức quản lý, mô hình quản lý, các mảng công việc liên quan đến NN-PTNT; tổng hợp báo cáo, nhận định về tác động của các chính sách, các biện pháp áp dụng ngắn hạn liên quan đến nông nghiệp nông thôn đang được triển khai hoặc đang được nghiên cứu xây dựng của EU.
Đảm bảo vai trò là đầu mối hỏi đáp, truyền tải các chính sách lớn liên quan đến phát triển nông nghiệp nông thôn của Việt Nam theo yêu cầu của đối tác và hỏi đáp chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp nông thôn của EU theo đề nghị của các cơ quan chức năng trong nước.
Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là đưa nông sản Việt Nam vào EU, hoạt động này đã đạt được thực hiện và đạt kết quả như thế nào, thưa ông?
Nhiệm vụ phát triển thị trường và xúc tiến thương mại nông sản được chúng tôi tập trung thực hiện và có được những kết quả tốt. Chúng tôi đã đưa ra ý tưởng và phối hợp với Tập đoàn Mê Kông quốc tế Châu Âu MCE thành lập Trung tâm kết nối nông sản tại Châu Âu mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nông sản sang EU. Với mục tiêu đưa hàng nông sản Việt phân phối tại các hệ thống phân phối, siêu thị lớn của EU chứ không chỉ tại hệ thống các cửa hàng Châu Á như hiện tại.


Trung tâm này sẽ kết nối với quy mô khoảng 1500 doanh nghiệp, HTX sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam phối hợp với khoảng 1500 các doanh nghiệp của Hà Lan và các nước Châu Âu để hợp tác sản xuất, chế biến theo hướng chứng nhận đảm bảo yêu cầu của EU và xây dựng trung tâm đầu mối xuất khẩu, phân phối nông sản Việt Nam tại Hà Lan và mở rộng ra Châu Âu. Mở rộng kết nối với các Hội doanh nghiệp Việt kiều tại Châu Âu như Ba Lan, Đức, Thụy Sỹ, Séc, Anh.
Phối hợp với MCE làm việc với Hội Doanh nghiệp Việt tại Ba Lan, Đức hình thành đầu mối trung chuyển và phân phối nông sản Việt Nam tại các nước thành viên EU trên.
Chúng tôi cũng đã kết nối thành công các doanh nghiệp EU nhập khẩu gạo, điều, trái cây (thanh long, chanh leo, vải tươi, chanh khoai lang, dừa, dứa, thủy sản và sẽ tiếp tục mở rộng ra các loại sản phẩm khác). Kết quả cụ thể các lô hàng trái cây cả tươi và chế biến đã được xuất khẩu sang EU đưa vào hệ thống siêu thị, nhiều lô gạo, thủy sản, cà phê xuất khẩu trong khuôn khổ EVFTA.
Năm 2021 các lô vải thiều đầu tiên được xuất trực tiếp sang Bỉ và Hà Lan để phân phối vào siêu thị tại EU. Đánh dấu mốc quan trọng và là giấy thông hành đặc biệt đối với xuất khẩu trái cây tươi Việt Nam có thể xuất khẩu đi bất kỳ thị trường nào trên thế giới.

Để “dọn” đường cho nông sản vào EU, chúng tôi đã cập nhật kịp thời các báo cáo dự báo tăng trưởng, nhu cầu thị trường, cập nhật của EU liên quan đến chính sách thương mại nông lâm thủy sản, các qui định mới liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật về quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật nhập khẩu; báo cáo các vướng mắc, các cảnh báo tại biên giới của EU đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU.
Đề xuất, tham mưu hướng xử lý và trực tiếp tham gia vào các hoạt động nhằm tháo gỡ vướng mắc đó. Thực hiện vai trò hỏi đáp các chính sách thương mại nông lâm thủy sản và tiêu chuẩn kỹ thuật đối với nông lâm thủy sản của EU và của Việt Nam khi có yêu cầu của các bên liên quan. Tham gia vào việc giải quyết các khó khăn vướng mắc trong thương mại nông lâm thủy sản hai bên, bảo vệ hình ảnh nông sản Việt Nam
Tổ chức kết nối các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài và với các kênh phân phối tại EU. Cung cấp thông tin, đăng tải trên các trang thông tin của Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài về nông lâm thủy sản Việt Nam với mục đích quảng bá và tiếp cận thị trường, thông tin về khả năng, nhu cầu hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam với đối tác sở tại.

Từ những nỗ lực chung của Việt Nam, ngành NN-PTNT và cá nhân ông, đến nay nông sản Việt Nam đã có thể khẳng định được chỗ đứng tại EU?
Nông nghiệp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu nổi bật, không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế năng động, thích ứng, phát triển bền vững, tham gia sâu rộng vào hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên thế giới.
Về tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, thị trường tiêu thụ nông sản Viêt Nam được mở rộng, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, cả thị trường trong nước và xuất khẩu với phát triển đa dạng hóa thị trường, tận dụng tối đa cam kết hội nhập từ các Hiệp định thương mại tự do đem lại.
Xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đã đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu của quốc gia và là ngành duy nhất liên tục duy trì xuất siêu liên tục nhiều năm liền. Đến nay, nông sản Việt đã đến trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Úc, Hàn Quốc...
Đối với thị trường EU, Việt Nam đã hội nhập quốc tế mạnh mẽ và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu EU (EVFTA) được coi là một trong những hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện, mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0% với lộ trình ngắn), có cơ chế thực thi chặt chẽ.
Với 27 quốc gia thành viên, hơn 450 triệu dân, GDP đầu người xấp xỉ 35.000 USD, có mức thu nhập cao, EU là thị trường lớn thứ ba của xuất khẩu nông lâm thủy sản nước ta (sau Trung Quốc và Mỹ), với kim ngạch chiếm khoảng 12% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản.


Trong đó một số nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu phổ biến nhất của Việt Nam chiếm vị trí cao sang EU trong xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thế giới như điều, tiêu, ở vị trí số 1 cà phê ở vị trí số 2; thủy sản, đồ gỗ ở vị trí số 3 và 4.
Việt Nam là một trong 17 nước xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất vào EU, chiếm khoảng 3-4% dung lượng thị trường nhập khẩu nông sản thực phẩm của EU (bởi tổng giá trị nhập khẩu nông sản của EU là 160 tỷ USD/năm), xếp vị trí cao hơn một số nước xuất khẩu nông sản lớn trong khu vực và thế giới như Thái Lan, Úc, New Zealand, Chi Lê, Nga...
Thêm vào đó, Việt Nam và EU đã ký Hiệp định EVFTA, Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT. Đây được coi là cơ hội để nông, lâm, thủy sản Việt hiện diện và liên kết sâu rộng vào thị trường EU, có giá bán cao.
Nông sản Việt đã đáp ứng được các yêu cầu yêu cầu cao về chất lượng sản phẩm cao nhất thế giới, yêu cầu về kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), dán nhãn, môi trường, trách nhiệm xã hội, thương mại công bằng, phát triển bền vững…
Rõ ràng, vị thế nông sản Việt đã được khẳng định vững chắc tại EU. Chúng ta không chỉ phát triển mở rộng xuất khẩu sang EU, mà thông qua thị trường EU để làm giấy chứng nhận thông hành cao cấp chứng minh trình độ sản xuất nông sản Việt Nam, trình độ liên kết các nhóm hàng Việt Nam đã đến cấp độ đi đến bất kỳ thị trường khắt khe nào trên thế giới. Từ đó, mở rộng quá trình tổ chức sản xuất tạo sinh kế, lợi nhuận cho bà con nông dân.

Có nghĩa là, tương lai nông sản Việt Nam có mặt nhiều hơn ở EU rất sáng? Thời gian tới, Việt Nam, nhất là ngành NN-PTNT cần phải làm gì để đạt được các mục tiêu phát triển thị trường nông sản tại EU?
Thị trường EU có yêu cầu khắt khe nhất thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Bên cạnh những yếu tố tác động thị trường nông sản đầy bất định, luôn biến động và nhiều phức tạp như tân Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan luôn đề cập.
Thị trường EU còn luôn đưa ra các yêu cầu mới, bổ sung khắt khe về chất lượng an toàn thực phẩm mà luôn kèm theo các tiêu chí mới gắn bảo vệ môi trường phát triển bền vững, an toàn, trách nhiệm xã hội...
Vì vậy, tôi cho rằng để chúng ta đạt được các mục tiêu phát triển thị trường nông sản tại EU, đưa nông sản Việt Nam đến ta người tiêu dùng EU, đồng thời kêu gọi EU đầu tư mạnh vào nông nghiệp Việt Nam cần phải có những biện pháp mạnh như đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành hàng theo hướng tập trung sản xuất hàng hoá theo chuỗi liên kết từ nguyên liệu, chế biến và đặc biệt là bao bì, nhãn mác đến thị trường.
Xác định một số nhóm ngành hàng đang có lợi thế như rau quả, gồm cả tươi và chế biến, thủy sản, nhóm sản phẩm cây công nghiệp, sản phẩm gỗ để tập trung khai thác triệt để.
Đồng thời, chúng ta cần chuẩn bị thật kỹ về các nghiệp vụ ngoại thương, đặc biệt đối với donh nghiệp trong việc thực hiện cam kết và hợp đồng xuất khẩu để khai thác tối đa cam kết EVFTA khi mà hầu hết các mặt hàng nông sản xuất sang EU được hưởng thuế suất 0%. Đây cũng là lợi thế mà Việt Nam có được so với các đối thủ cạnh tranh khác ngay với các nước ASEAN, châu Mỹ, Nam Á...


Bên cạnh đó cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết chuỗi chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, bảo quản... để mở toang hệ thống phân phối của EU cho nông sản Việt Nam.
Trong thực tiễn, số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây, rau củ của Việt Nam có khả năng đáp ứng các điều kiện và tiêu chí của EU còn ít. Vùng nguyên liệu sản xuất rau, quả đạt Global Gap phục vụ xuất khẩu sang thị trường EU còn rất hạn chế trong khi đó nhu cầu EU về rau và trái cây nhiệt đới ngày càng tăng.
Việc tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam tại các nước EU về sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam tại các sự kiện hội chợ, triển lãm, các phương tiện truyền thông cũng cần phải chủ động hơn. Hướng đến thay đổi cách nhìn nhận về chất lượng và hình ảnh nông sản, thực phẩm Việt trong nhận thức người tiêu dùng EU. Đồng thời, kết nối để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tìm kiếm bạn hàng xuất khẩu và đầu tư.
Nhà nước cần rà soát các quy định, cơ chế phối hợp để thúc đẩy xuất khẩu xúc tiến xuất khẩu các loại nông sản có thế mạnh. Đẩy mạnh tuyên truyền cho người sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp của Việt Nam về các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, xuất xứ hàng, các loại chứng nhận và quy định cụ thể để xuất khẩu sang thị trường EU.

Ông có lời khuyên nào đối với nông dân, HTX, doanh nghiệp của Việt Nam?
Thị trường EU luôn là thị trường lớn và tiềm năng, cơ hội lớn để nông sản Việt thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường EU, với giá bán cao. Song thị trường EU có nhiều đối thủ cạnh tranh, EU luôn là thị trường khắt khe nhất thế giới, không phải là cái chợ mà chúng ta muốn bán gì thì bán. Do đó để khai thác tốt vào EU đòi hỏi sản xuất nông nghiệp nước ta cần phải thay đổi mạnh mẽ căn bản hơn nữa.
Sản xuất nông sản phải đảm bảo duy trì tất cả các tiêu chuẩn, quy chuẩn từ khâu tổ chức sản xuất như giống, vật tư đầu vào, quy trình nuôi, quy trình canh tác, quy trình trồng trọt, mã số vùng nuôi, vùng trồng, đến vận chuyển chế biến cũng như xuất khẩu. Làm được thế, giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu nông sản mới cao, đảm bảo hiệu quả chu trình sản xuất, giúp Việt Nam vào được chuỗi cung ứng toàn cầu bền vững.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, trong đó liên kết chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp với bà con nông dân, hình thành quy trình khép kín từ tổ chức nguyên liệu cho đến khâu chế biến, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm.


Nói tóm lại, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân cần được phổ biến cụ thể về các quy định của EU trong sản xuất, chế biến. Đẩy nhanh việc áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận mà thị trường EU đang áp dụng rộng rãi và các tiêu chuẩn mới như môi trường, xã hội (Global GAP, MSC, ASC, Rainforest Aliance, UTZ, 4C, Fairtrade, Bio EU...).
Các cơ quan nhà nước tăng cường hợp tác với EU để hài hòa hóa tiêu chuẩn Việt Nam đang áp dụng với tiêu chuẩn của EU. Các sản phẩm sản xuất ra để xuất khẩu sang EU đảm bảo chất lượng, không vượt quá ngưỡng MRL. Đặc biệt, trước mắt chúng ta cũng cần tập trung tháo gỡ thẻ vàng IUU để hải sản được tiếp cận và mở rộng thị trường EU thuận lợi hơn.
Việt Nam đã ký Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLEGT với EU và là điều kiện cơ bản để lâm sản Việt Nam đứng vững chắc và phát triển hơn tại EU, tuy nhiên các biện pháp thực thi cũng cần phải được duy trì thường xuyên và thông suốt đảm bảo nguồn gốc gỗ hợp pháp chế biến và xuất khẩu vào EU. Có như vậy nông sản mới có khả năng tiếp cận tốt thị trường EU.


Hiện nay nông sản Việt chưa được phân phối nhiều trong các hệ thống siêu thị của EU, mà mới chỉ tập trung tại các hệ thống cửa hàng Á Châu, hoặc mang thương hiệu khác... Trong thời gian tới, bên cạnh việc sản xuất ra hàng hóa chất lượng an toàn thực phẩm, cần phải chú trọng việc xây dựng thương hiệu, mẫu mã, quảng bá sản phẩm và thay đổi các các phương thức xúc tiến thương mại theo hướng hiệu quả và thiết thực.
Một vấn đề nữa là nhiều loại nông sản của Việt Nam có khả năng cạnh tranh chưa cao về giá, chi phí Logistics lớn so với các đối thủ cạnh tranh từ các nước Nam Mỹ, ASEAN, Nam Á... Việc lập tính toán, thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hạ giá thành sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh cũng sẽ góp phần quan trọng giúp cho nông sản Việt mở rộng hơn nữa tại thị trường EU.
Với riêng các doanh nghiệp xuất khẩu cũng cần nâng cao kỹ năng quản trị, các nghiệp vụ ngoại thương, giao dịch quốc tế, phương thức tiếp thị sản phẩm vào thị trường EU.

Với vai trò là đại diện của ngành nông nghiệp Việt Nam tại EU, ông đã chuyển thông điệp gì của Đảng, Nhà nước, Kế koạch hành động của ngành trong thời gian tới đến các nước, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở EU?
Việc truyền tải những thông điệp về quan điểm mục tiêu phát triển ngành nông nghiệp luôn là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên và liên tục. Với vai trò cầu nối, đại diện của ngành, đại diện nông nghiệp đã tận dụng tối đa các sự kiện, diễn đàn, các cuộc tiếp xúc với đối tác, bạn bè, mạng lưới các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế để lồng ghép truyền tải thông điệp, chia sẻ về các quan điểm, mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu phát triển nông nghiệp Việt Nam, như: “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Phát triển nông nghiệp xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững”.
“Chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp sang nền kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ “chuỗi cung ứng nông sản" sang “chuỗi liên kết giá trị ngành hàng”, “phát triển nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững” thay cho “nền nông nghiệp sản lượng cao”…
Đây là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng, xuyên suốt của ngành nông nghiệp. Thông điệp này rất rõ ràng và phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp của EU và thế giới. Việt Nam luôn chú trọng phát triển nông nghiệp nông thôn hướng tới cả 3 trụ cột nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.


Báo Nông nghiệp Việt Nam đã ra mắt trang Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếng Anh vietnamagriculture.nongnghiep.vn nhằm tích cực đồng hành cùng ngành nông nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp, nông dân Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản sang các thị trường trên thế giới, trong đó có EU, ông có sẵn sàng giới thiệu với bạn bè EU không?
Trước tiên, tôi đánh giá rất cao việc Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp với Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) ra mắt trang Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếng Anh vietnamagriculture.nongnghiep.vn.
Đây cũng là sự sáng tạo và điểm nhấn quan trọng trong việc truyền tải thông điệp về tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp và mở rộng thị trường nông sản Việt Nam ra bên ngoài, góp phần làm thay đổi nhận thực của người tiêu dùng thế giới về nông sản thực phẩm Việt, đưa Việt Nam sẽ trở thành thành trung tâm cung ứng nông, lâm, thủy sản chất lượng cao của khu vực ASEAN và thế giới; các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn của hầu hết các thị trường nhập khẩu.
Việc này cũng góp phần tích cực hưởng ứng chủ trương của Chính phủ đang thúc đẩy triển khai các chương trình quảng bá rộng rãi hơn nữa hình ảnh, vị thế Việt Nam ra bên ngoài bằng các kênh tiếng nước ngoài.
Báo Nông nghiệp Việt Nam tiếng Anh sẽ góp phần hỗ trợ đắc lực cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận nguồn thông tin tin cậy, kịp thời, hữu hiệu về sản xuất, chế biến, thị trường, các hoạt động liên quan đến nông nghiệp. Rõ ràng trang tin sẽ rất hữu ích đối với các nhà xuất khẩu và các đối tác nhập khi khi mong muốn tìm hiểu và và tìm kiếm cơ hội hợp tác với Việt Nam.

Với vai trò cầu nối của ngành nông nghiệp tại EU, tôi sẽ nỗ lực giới thiệu và kết nối bằng nhiều hình thức khác nhau về trang tin này với các đối tác, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, các tổ chức, các cơ quan quản lý của các địa bàn không chỉ tại EU mà các tại các nước khác để tương tác, chia sẻ, cung cấp, khai thác, tham khảo thông tin với trang thông tin quan trọng này.
Đồng thời sẽ chia sẻ thêm các kinh nghiệm các nước trong mạng lưới các cơ quan Đại diện nước ngoài về các phương thức hỗ trợ, quảng bá phát triển thị trường nông sản, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tăng cường thu hút các nguồn lực hỗ trợ phát triển vào ngành trong thời gian tới.
Nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, xin chúc Ban biên tập, biên tập viên, phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam sức khỏe, luôn khát vọng vươn lên cùng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn nhiều ý nghĩa này!

