Thứ năm 29/05/2025 - 17:18
Môi trường
Sóc Trăng triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Thứ Hai 26/05/2025 - 19:32
Sóc Trăng tập trung triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, từng bước hình thành ý thức phân loại rác trong cộng đồng, hướng đến môi trường bền vững.
- Khẩn trương điều chỉnh quy hoạch làm âu thuyền Đại Ngãi và Mỹ Xuyên
- Cộng đồng vững mạnh là lá chắn bền vững trước thiên tai
- Cần hơn 61.500 tỷ đồng xây dựng hệ thống cảng biển Sóc Trăng
- Cải tạo ao, xử lý nước, chọn tôm giống không bệnh cho vụ nuôi 2025
Đặt nền móng cho giai đoạn chuyển đổi xanh
Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, tỉnh Sóc Trăng đang nỗ lực triển khai kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn, từng bước hình thành thói quen phân loại rác trong cộng đồng, hướng đến phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn và bảo vệ môi trường bền vững.

Tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng cường lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách thức phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn thông qua các sự kiện lớn như Ngày Môi trường Thế giới, Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2025. Ảnh: Lê Hùng.
Theo ông Phạm Văn Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Sóc Trăng, từ năm 2025, tỉnh sẽ triển khai thí điểm mô hình phân loại và thu gom đồng bộ CTRSH tại nguồn, phù hợp với đặc điểm từng huyện, thị xã, thành phố. Mô hình này nhằm đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, đồng thời cung cấp đầy đủ thông tin, tổ chức tập huấn kiến thức và kỹ năng cho người dân về cách thức phân loại rác. Mục tiêu triển khai là 100% tổ chức, hộ dân, cá nhân trên toàn tỉnh được tiếp cận và thực hành phân loại rác đúng cách.
Không chỉ dừng lại ở việc truyền thông, tỉnh Sóc Trăng còn đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn; ít nhất 30% trong số đó áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Đặc biệt, phấn đấu đạt tỷ lệ 2% số hộ dân thực hiện tái chế CTRSH hữu cơ tại nguồn. Mỗi địa phương cấp huyện sẽ xây dựng ít nhất một xã, phường hoặc thị trấn làm mô hình điểm để lan tỏa hiệu quả đến các khu vực lân cận.
Bước sang giai đoạn 2026-2027, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, cải thiện kỹ năng thực hành phân loại cho người dân, với mục tiêu nâng tỷ lệ xã, phường triển khai hiệu quả lên 70%. Đồng thời, số hộ dân tái chế chất thải hữu cơ tại nguồn sẽ được nâng lên 5% vào cuối năm 2027. Những mô hình thí điểm hiệu quả sẽ được nhân rộng, phù hợp với từng điều kiện đặc thù của địa phương.
Kế hoạch dài hạn đến năm 2030 tỉnh Sóc Trăng đặt ra các chỉ tiêu cụ thể: 90% xã, phường thực hiện tốt công tác phân loại; 10% hộ dân tái chế rác hữu cơ tại nguồn và 100% CTRSH sau phân loại được thu gom tách biệt, xử lý đồng bộ. Tỉnh cũng hướng đến mở rộng phạm vi thu gom, nâng công suất các khu xử lý CTRSH hữu cơ để giảm tối đa tỷ lệ rác bị chôn lấp.
Thay đổi từ hành vi nhỏ để bảo vệ môi trường
Triển khai kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn không thể tách rời công tác truyền thông và hướng dẫn cụ thể cho tổ chức, hộ dân, cá nhân. Từ đầu năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã phối hợp với các ban ngành, hội đoàn thể, địa phương tổ chức hàng loạt hoạt động phổ biến kiến thức phân loại CTRSH tại nguồn cho cộng đồng.

Tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ hỗ trợ các thùng lưu chứa rác để khuyến khích người dân hình thành thói quen phân loại rác ngay tại nhà, hướng đến giảm thiểu rác thải nhựa. Ảnh: Lê Hùng.
Người dân được hướng dẫn phân loại rác thành 3 nhóm cơ bản: Nhóm 1 gồm các chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế như giấy, sách báo, bìa carton, nhựa, kim loại. Nhóm 2 gồm các loại rác còn lại như chất thải nguy hại, rác cồng kềnh, rác xây dựng… Nhóm 3 là chất thải thực phẩm bao gồm thức ăn thừa, rau củ quả hư, thực phẩm hết hạn, các phế phẩm từ sơ chế và chế biến món ăn.
Bên cạnh đó, người dân được hướng dẫn cách lưu giữ rác sau phân loại sao cho đảm bảo vệ sinh và mỹ quan. Chẳng hạn, nhóm rác tái chế có thể được đựng trong túi hoặc thùng do hộ dân lựa chọn, miễn là không gây ô nhiễm môi trường. Rác hữu cơ phải đựng trong bao kín, tránh rò rỉ và mùi hôi, lưu giữ trong khuôn viên hộ gia đình cho đến khi được thu gom.
Một điểm sáng trong kế hoạch là tỉnh khuyến khích người dân tự tận dụng rác hữu cơ để làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi. Đây không chỉ là giải pháp tiết kiệm chi phí xử lý mà còn giúp giảm áp lực cho các khu xử lý rác tập trung, đồng thời góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững, tuần hoàn.
Về công tác thu gom và xử lý, tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các đơn vị thu gom CTRSH phải phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã, cộng đồng dân cư để xác định tuyến đường, thời gian, địa điểm thu gom phù hợp. Quy trình này đã được quy định rõ tại Quyết định số 25/2023/QĐ-UBND của tỉnh Sóc Trăng nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.
Trong xử lý rác sau phân loại, tỉnh sẽ ưu tiên tối đa việc thu hồi và tái chế đối với nhóm 1. Với nhóm 2, tùy điều kiện từng nơi, có thể tổ chức tái chế tại chỗ. Riêng nhóm 3, chất thải thực phẩm sẽ được thu gom riêng, chuyển về các khu xử lý để ủ thành phân hữu cơ, đảm bảo không phát sinh ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, tỉnh cũng tăng cường các chương trình khuyến khích như “Đổi rác lấy quà”, hội thi tìm hiểu Luật Bảo vệ môi trường, những quy định về phân loại CTRSH tại nguồn, tổ chức các buổi truyền thông nhân các sự kiện môi trường như “Ngày Môi trường Thế giới”, “Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn”... nhằm thu hút sự tham gia đông đảo của người dân, đặc biệt là đoàn viên thanh niên, học sinh.
Ngoài việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn, các cơ quan, đơn vị, địa phương tỉnh Sóc Trăng cũng sẽ thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải của các cơ sở, đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh; giám sát việc phân loại CTRSH tại nguồn của tổ chức, hộ dân, cá nhân. Từ kết quả kiểm tra, giám sát là cơ sở để các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất điều chỉnh nội dung và giải pháp thực hiện công tác phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh và cũng là cơ sở để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với các trường hợp chưa tuân thủ về thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý CTRSH theo đúng quy định của pháp luật.
Với những cách làm bài bản, quyết liệt và gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền, người dân, doanh nghiệp, Sóc Trăng đang từng bước khẳng định quyết tâm trong việc phân loại CTRSH tại nguồn. Đây không chỉ là một giải pháp kỹ thuật mà còn là hành trình thay đổi từ nhận thức đến hành vi, góp phần kiến tạo một môi trường sống an toàn, xanh-sạch-đẹp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/soc-trang-trien-khai-thuc-hien-phan-loai-chat-thai-ran-sinh-hoat-d754940.html