Thứ ba 29/04/2025 - 11:29
Đất đai
Sở TN&MT TP.HCM đề xuất điều chỉnh 10 nhóm vấn đề trong Luật Đất đai 2024
Thứ Ba 29/04/2025 - 11:28
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM đề xuất 48 thủ tục đất đai đang do cấp huyện thực hiện sẽ chuyển về cấp tỉnh, cấp xã và bãi bỏ do trùng lặp.
- Hoàn thiện chính sách đất đai cho chính quyền địa phương hai cấp trong quý II
- Xây dựng chính sách phân quyền đất đai cho mô hình chính quyền hai cấp
- Người dân không cần điều chỉnh sổ đỏ khi sáp nhập địa giới hành chính
Điều chuyển 48 thủ tục do bỏ cấp huyện
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM vừa có báo cáo gửi Sở Tư pháp TP.HCM, đề xuất hàng loạt điều chỉnh quan trọng nhằm hoàn thiện Luật Đất đai năm 2024 trong bối cảnh sắp xếp lại tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp (cấp tỉnh và cấp xã).
Theo Sở TN&MT TP.HCM, ngành hiện quản lý 304 thủ tục hành chính, trong đó 237 thủ tục thuộc thẩm quyền cấp tỉnh và 19 thủ tục thuộc cấp xã được đề xuất giữ nguyên. Đáng chú ý, đối với 48 thủ tục hành chính hiện do cấp huyện thực hiện, Sở đề xuất chuyển 4 thủ tục về cấp tỉnh, 38 thủ tục về cấp xã và bãi bỏ 6 thủ tục do trùng lặp.
Điều chỉnh 10 nhóm vấn đề về đất đai
Riêng trong lĩnh vực đất đai – lĩnh vực phát sinh nhiều vấn đề nhất – Sở TN&MT TP.HCM kiến nghị 10 nhóm vấn đề khi triển khai mô hình chính quyền địa phương 02 cấp, không tổ chức cấp huyện cần rà soát, điều chỉnh, bao gồm:
Thứ nhất, đối với hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Cần loại bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, điều chỉnh lại vai trò của quy hoạch cấp tỉnh và cấp xã, trong đó chỉ lập quy hoạch cấp tỉnh; đề xuất chuyển toàn bộ nội dung này về cấp tỉnh để đảm bảo tính thống nhất.
Thứ hai, về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất: Cần chuyển toàn bộ thẩm quyền từ cấp huyện lên cấp tỉnh hoặc xuống cấp xã, tùy theo loại đất và đối tượng sử dụng; đề xuất chuyển về cấp xã (đối với cá nhân) nhằm đảm bảo việc giải quyết thủ tục kịp thời, phù hợp với thực tiễn công tác quản lý đất đai tại địa phương.

Việc rà soát, điều chỉnh này nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong bối cảnh mới, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý tài nguyên, đất đai trên địa bàn TP.HCM. Ảnh minh họa.
Thứ ba, về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Cần điều chỉnh lại thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhằm bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống hành chính khi không còn cấp huyện; đề xuất chuyển thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (đối với cá nhân) về cấp xã để thuận tiện trong giải quyết thủ tục và phù hợp với phân cấp quản lý.
Thứ tư, về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: Cần xác định lại cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người bị thu hồi đất; đề xuất 02 phương án: Phương án 1 là chuyển toàn bộ nhiệm vụ này về cấp xã và tổ chức bộ máy tham mưu tương ứng (theo nguyên tắc cấp tỉnh có cơ quan chuyên môn như thế nào thì cấp xã tổ chức tương đương hoặc tinh gọn hơn); ưu điểm là phù hợp với đặc thù chính trị cơ sở, dễ huy động sự tham gia của hệ thống chính trị, tuy nhiên hạn chế là khó triển khai đối với các dự án chuyển tiếp hoặc dự án vượt thẩm quyền cấp xã do thay đổi địa giới hành chính; Phương án 2 là chuyển toàn bộ về cấp tỉnh để tổ chức thực hiện, với ưu điểm là thuận lợi xử lý các dự án cũ hoặc liên vùng, song hạn chế là cần nhiều nhân lực và khó huy động được hệ thống chính trị cơ sở cùng tham gia (Chọn Phương án 2).
Thứ năm, về quản lý và khai thác quỹ đất công: Cần điều chỉnh lại thẩm quyền quản lý đối với đất công ích, đất chưa sử dụng sau khi cấp huyện bị xóa bỏ; đề xuất giao thẩm quyền này về cấp tỉnh để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và nâng cao hiệu quả khai thác.
Thứ sáu, về thẩm quyền giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai: Đề xuất tiếp tục thực hiện theo thẩm quyền được phân cấp sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thứ bảy, về quản lý tài chính đất đai, thu thuế, phí và lệ phí: Cần cải cách toàn diện cơ chế tài chính liên quan đến đất đai, đảm bảo nguồn thu ổn định cho ngân sách địa phương trong bối cảnh không còn cấp huyện, đồng thời, cơ quan có thẩm quyền cần sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về tài chính, đất đai.
Thứ tám, về quản lý biến động đất đai và hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai: Cần điều chỉnh lại hệ thống đăng ký đất đai, cập nhật thông tin và tổ chức rà soát, biên tập, đo đạc bản đồ địa chính theo địa giới hành chính mới nhằm đảm bảo hiệu quả quản lý và kịp thời giải quyết các thủ tục hành chính; đề xuất giao nhiệm vụ này về cấp tỉnh để bảo đảm tính thống nhất và chuyên sâu.
Thứ chín, về cơ chế giám sát, kiểm tra trong lĩnh vực đất đai: đề xuất giao thẩm quyền cho cấp tỉnh quản lý, nhằm bảo đảm sự tập trung, đồng bộ và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra theo chức năng quản lý Nhà nước.
Ngoài ra, đối với lĩnh vực tài nguyên, môi trường và nông nghiệp cũng cần sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật đối với các nội dung quy định thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp huyện.
Việc rà soát, điều chỉnh này nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong bối cảnh mới, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý tài nguyên, đất đai trên địa bàn TP.HCM.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/so-tnmt-tphcm-de-xuat-dieu-chinh-10-nhom-van-de-trong-luat-dat-dai-2024-d750764.html