Thứ ba 22/04/2025 - 11:22
Lâm nghiệp
Sếu đầu đỏ Thái Lan đã về Tràm Chim
Thứ Ba 22/04/2025 - 11:22
Tỉnh Đồng Tháp đã chính thức tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Thái Lan, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực bảo tồn loài chim quý hiếm tại Vườn quốc gia Tràm Chim.
- Vườn quốc gia Tràm Chim sẵn sàng đón sếu trở lại
- Giao mùa, sâu bệnh phát sinh trên nhiều loại cây trồng
- Đồng Tháp tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên từ Thái Lan
- Người dành hơn nửa cuộc đời nuôi dưỡng tình yêu với sếu

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, đại diện UBND tỉnh Đồng Tháp cùng giới chức Thái Lan thực hiện nghi thức đeo vòng hoa bảng tên cho 6 cá thể sếu đầu đỏ tại buổi tiếp nhận sếu đầu đỏ do UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ngày 20/4, tại Khu A3, Vườn quốc gia Tràm Chim, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ (Sarus Crane) để nuôi dưỡng tại Vườn quốc gia Tràm Chim, huyện Tam Nông. Đây là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực phục hồi loài chim quý hiếm này theo Đề án “Bảo tồn và Phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032”.
Theo đó, 6 cá thể sếu đầu đỏ đầu tiên (khoảng 7 tháng tuổi) được nhân nuôi tại Vườn thú Nakhon Ratchasima (Thái Lan) được chuyển về Việt Nam bằng đường hàng không, sau khi đã hoàn thành cách ly theo quy định về kiểm dịch động vật hoang dã tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn, và đủ điều kiện vận chuyển về Vườn quốc gia Tràm Chim để tiếp tục chăm sóc và thực hiện công tác bảo tồn.
Đây là kết quả của sự hợp tác hiệu quả giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan (ZPOT), Hiệp hội vườn thú Việt Nam (VZA), Hiệp hội sếu quốc tế (ICF) và Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, phát triển sếu đầu đỏ mang ý nghĩa to lớn, góp phần quan trọng vào thành công chung của công tác bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài động vật hoang dã nguy cấp. Việc tiếp nhận sếu đầu đỏ lần này không chỉ là một dấu mốc quan trọng mà còn truyền đi thông điệp mạnh mẽ về trách nhiệm của cộng đồng đối với bảo tồn thiên nhiên, hệ sinh thái và bảo vệ môi trường.
Tại sự kiện tỉnh Đồng Tháp cam kết thực hiện nghiêm túc quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng sếu theo khuyến nghị của các chuyên gia, nhà khoa học, đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của các cá thể sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Đồng thời địa phương cũng kỳ vọng trong tương lai sẽ chứng kiến đàn sếu đầu đỏ đông đúc sinh sôi trong môi trường tự nhiên tại đây. Bên cạnh đó, Đồng Tháp sẽ tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cộng đồng về giá trị của bảo tồn sinh cảnh và bảo vệ môi trường.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, sự kiện đón nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ là một dấu mốc quan trọng, không chỉ đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Đồng Tháp mà còn là kết quả đặc biệt trong quan hệ hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp với Thái Lan. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
UBND tỉnh Đồng Tháp còn kêu gọi sự quan tâm, ủng hộ và chung tay của cộng đồng, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để chương trình bảo tồn sếu đầu đỏ đạt được thành công bền vững, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường tự nhiên tại Việt Nam.
Theo ông JADE Donavanik, Chủ tịch Hội đồng Tổ chức Công viên động vật học Thái Lan bày tỏ niềm vinh dự và xúc động khi được chứng kiến một dấu mốc hợp tác quốc tế quan trọng trong công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và môi trường bền vững.
Ông Donavanik nhấn mạnh, sự kiện này thể hiện rõ cam kết mạnh mẽ, sự sẵn sàng và tinh thần tham gia đầy trách nhiệm của lãnh đạo, người dân và doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp trong việc chung tay thực hiện Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Việt Nam. Đây là một loài chim quý hiếm, có giá trị sinh thái cao, đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Đồng Tháp tiếp nhận 6 cá thể sếu đầu đỏ từ Thái Lan, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực bảo tồn loài chim quý hiếm tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
“Tôi kêu gọi tất cả các bên cùng đồng lòng bảo vệ và phát triển sếu đầu đỏ phương Đông – biểu tượng của may mắn và hy vọng. Sự thành công của dự án sẽ là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh của hợp tác khu vực trong bảo tồn thiên nhiên bền vững,” ông Donavanik nói.
Theo ông Donavanik, trong những năm qua, hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam trong lĩnh vực bảo tồn loài chim quý này đã đạt được nhiều bước tiến đáng kể. Các văn kiện hợp tác quan trọng như biên bản ghi nhớ (MoU) và biên bản thỏa thuận (MoA) đã được ký kết, tạo cơ sở để Chính phủ Thái Lan phê duyệt chuyển giao sếu đầu đỏ sang Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều đoàn chuyên gia, nhà khoa học từ hai nước đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn sếu và phục hồi sinh cảnh tự nhiên.
Dù còn nhiều thách thức, ông Donavanik tin tưởng mối quan hệ đối tác và tình hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia sẽ tiếp tục là nền tảng vững chắc để dự án đi đến thành công, mang lại lợi ích lâu dài cho môi trường, kinh tế và cộng đồng địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan cho rằng, sự kiện đón nhận những cá thể sếu đầu đỏ hôm nay là một dấu mốc quan trọng, không chỉ đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Đồng Tháp mà còn là kết quả đặc biệt trong quan hệ hợp tác giữa tỉnh Đồng Tháp với Thái Lan, thông qua vai trò then chốt của Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P) Thái Lan và các tổ chức quốc tế. Đây không chỉ là một sự kiện khoa học, mà còn là minh chứng sinh động cho tinh thần hợp tác quốc tế, gắn kết khu vực, đồng thời truyền thông điệp đến cộng đồng về trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn thiên nhiên đa dạng sinh học.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, việc đặt tên Tha Vi cho sếu đầu đỏ có ý nghĩa đặc biệt: “Tha” có thể hiểu là từ viết tắt của từ “Thái” Thái Lan. “Vi” là cách viết ngắn gọn của từ “Việt” Việt Nam. Tha Vi (Thái Việt) vừa thể hiện quan hệ ngoại giao hữu nghị giữa Việt Nam và Thái Lan, vừa gắn kết quê nhà – Vườn thú Korat, Thái Lan với “ngôi nhà mới” Vườn quốc gia Tràm Chim, Việt Nam.
Ngoài ra, Tha Vi có cách phát âm tương tự với từ “thavee” Một động từ trong tiếng Thái nghĩa chính là tăng lên hoặc trở nên nhiều hơn, và thường được sử dụng trong bối cảnh mà một điều gì đó tăng lên về số lượng, cường độ hoặc mức độ, có thể sử dụng như một từ bổ sung trong một từ ghép để nhấn mạnh ý nghĩa tăng lên. Vì thế, Tha Vi còn chứa đựng hàm nghĩa về mong muốn các cá thể sếu đầu đỏ sẽ sớm thích nghi, gắn bó với ngôi nhà mới và liên tục sinh sôi nơi đất lành Tràm Chim.

Nghi thức bàn giao sếu đầu đỏ giữa Giám đốc vườn thú Nakhon Ratchasima và Giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng kêu gọi tất cả các bên cùng chung tay trong công cuộc khôi phục và phát triển loài sếu đầu đỏ phương Đông – biểu tượng của sự may mắn và hy vọng. “Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm của chính quyền, sự ủng hộ và tình yêu thiên nhiên của cộng đồng, chúng ta sẽ khôi phục thành công đàn sếu đầu đỏ - không chỉ cho Đồng Tháp, mà còn góp phần bảo vệ đa dạng sinh học của nước Việt Nam và khu vực Đông Nam Á”, ông Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/seu-dau-do-thai-lan-da-ve-tram-chim-d749274.html