Thứ tư 23/04/2025 - 04:32
Trồng trọt
Sau sáp nhập, tỉnh Vĩnh Long mới sẽ có 120 nghìn ha dừa
Thứ Tư 23/04/2025 - 04:27
Sau khi sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh thành tỉnh Vĩnh Long, tỉnh mới sẽ có diện tích dừa khoảng 120.000ha, chiếm khoảng 60% diện tích dừa cả nước.
- 13.000 đồng một quả dừa khô
- Ngành dừa mang về cho Bến Tre hơn 500 triệu USD
- Giá dừa khô nguyên liệu tăng gấp đôi
- Ngành dừa trước ngưỡng cửa xuất khẩu tỷ USD
Tại tỉnh Bến Tre, Trường Đại học Trà Vinh, Hiệp hội Dừa Việt Nam và các sở, ngành của tỉnh Bến Tre vừa có buổi làm việc về định hướng nghiên cứu và phát triển ngành dừa.
Theo thống kê, hiện diện tích dừa của tỉnh Bến Tre khoảng 80.000ha, Trà Vinh 30.000ha, Vĩnh Long hơn 10.000ha. Sắp tới, khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh thành tỉnh mới mang tên Vĩnh Long, sẽ mở ra nhiều vùng nguyên liệu nông sản lớn, trong đó hình thành vùng nguyên liệu dừa với diện tích 120.000ha, lớn nhất nước (chiếm khoảng 60% diện tích dừa cả nước).

Sau sáp nhập, tỉnh Vĩnh Long mới sẽ có khoảng 120.000ha dừa, chiếm 60% diện tích cả nước. Ảnh: Minh Đảm.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bến Tre đánh giá, việc hình thành vùng nguyên liệu dừa tập trung, quy mô lớn của tỉnh Vĩnh Long mới sau khi sáp nhập 3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh sẽ giúp tăng hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh trên cây dừa nhờ khả năng triển khai đồng bộ trên quy mô lớn, đồng thời tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển ngành dừa Việt Nam.
Theo PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, dừa là một trong 6 loại cây công nghiệp chủ lực của Việt Nam, có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Do đó những nghiên cứu về ngành dừa của tỉnh Vĩnh Long mới sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển chung của ngành dừa Việt Nam.
PGS.TS Diệp Thanh Tùng chia sẻ: “Trường Đại học Trà Vinh đã ý thức được tầm quan trọng của cây dừa trong việc phát triển kinh tế. Trong điều kiện mới, Trường đã thành lập Viện Dừa ĐBSCL để khai thác thế mạnh ngành dừa”.
Ông Tùng thông tin thêm, hiện Trường Đại học Trà Vinh có nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến chuỗi sản phẩm dừa như: Nghiên cứu để hạ giá dừa sáp giống (cấy mô, cấy phôi); ứng dụng AI vào việc chăm sóc, theo dõi cây dừa; thiết kế và chế tạo máy tách vỏ, tước chỉ dừa xiêm liên hoàn; tuyển chọn và nhân giống dừa bằng phương pháp cấy mô; nghiên cứu quy trình sản xuất giấy từ phụ phẩm dừa; đo tín chỉ cacbon đối với các vùng trồng dừa và kết nối với sàn giao dịch…

Cây giống dừa sáp cấy phôi của Trường Đại học Trà Vinh. Ảnh: Minh Đảm.
Ông Cao Bá Đăng Khoa, Tổng Thư ký Hiệp hội Dừa Việt Nam chỉ ra nhiều tồn tại của ngành dừa nước ta khiến giá trị của trái dừa chưa cao, trong đó công nghệ sau thu hoạch là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất.
“Phải làm sao để chi phí hái dừa, vận chuyển dừa ở mức thấp nhất. Vì hiện nay có những nơi chi phí này chỉ khoảng 7.000 đồng/chục (12 trái) nhưng cũng có những nơi từ 20.000 - 25.000 đồng”, ông Khoa nói.
Bên cạnh đó, hiện nay việc quy hoạch vườn dừa của người dân chưa đúng chuẩn, giống dừa cũng còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Do đó, ông Khoa cho rằng Viện Dừa ĐBSCL của Trường Đại học Trà Vinh cần phát huy vai trò của mình để có những đóng góp thiết thực cho ngành hàng dừa Việt Nam.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/sau-sap-nhap-tinh-vinh-long-moi-se-co-120-nghin-ha-dua-d749545.html