Rộn ràng một ngày hội

Thật dạt dào hạnh phúc khi hoà mình vào dòng người trên một con đường quê vào buổi sớm mai. Có cờ có hoa, có lời ca tiếng trống, có những gương mặt rạng rỡ bên cạnh cánh đồng lúa rươi. Sân khấu đơn giản trên một đoạn bờ đê. Phía dưới cánh đồng lúa đang sẵn sàng cho “sàn diễn” hội thi thu hoạch.

Người ngồi người đứng, người qua người lại, tất cả ngóng chờ một sự kiện sắp diễn ra, “Ngày hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ lần thứ 3, năm 2024”.

Mỗi ngày trên đất nước có nhiều lễ hội, từ cấp địa phương đến cấp độ quốc gia, thậm chí là cấp độ quốc tế. Mỗi lễ hội hướng đến những mục tiêu khác nhau: kỷ niệm ngày truyền thống, tiếp thị sản phẩm ngành hàng, thu hút đầu tư, quảng bá văn hoá,…

Ngày hội ở Tứ Kỳ chắc chắn không thể sánh về quy mô, tính chuyên nghiệp với những lễ hội đó, nhưng hướng đến mục tiêu riêng, giá trị riêng.

Người xứ Đông đã từng tổ chức nhiều sự kiện tương tự: Ngày hội mở cửa vườn vải Thanh Hà, Ngày hội thu hoạch cà rốt Cẩm Giàng, Ngày hội thu hoạch hành tỏi Kinh Môn.

Tuy khác nhau về loại nông sản nhưng giống nhau là đều được tổ chức ngay trên đồng ruộng với sự tham gia của đông đảo bà con nông dân.

Trên con đường công nghiệp hoá - đô thị hoá đất nước, nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn đối mặt với những thách thức. Nông nghiệp thường được so sánh với các ngành khác về tốc độ tăng trưởng chậm, tỷ lệ đóng góp vào nền kinh tế nhỏ, năng suất lao động thấp. Nông dân thường được đánh giá năng lực thấp nhất so với các giai tầng khác. Nông thôn được mặc định là chậm chạp, buồn tẻ, giá trị truyền thống bị mai một dần.

Làm sao định vị lại những giá trị một đất nước khởi đầu từ nền văn minh lúa nước để thế hệ mai sau không lãng quên? Làm sao để nông nghiệp, nông dân, nông thôn được tự hào với bạn bè quốc tế đã góp phần tạo dựng một đất nước có nền văn minh lúa nước nghìn năm?

Cám ơn người xứ Đông đã mở ra con đường mới mà nhiều người, nhiều nơi chưa thẩm thấu hết những giá trị mới từ con đường mới.

Ly nông ly hương không phải là câu chuyện riêng đối với đất nước mình. Công nghiệp hoá - hiện đại hóa là xu thế chung trên thế giới dẫn đến hệ quả là không gian nông nghiệp bị thu hẹp dần, nhân lực nông nghiệp giảm dần.

Những người trẻ rời bỏ làng quê cũng là tình trạng chung có tính phổ biến. Khoảng cách giữa đô thị và nông thôn ngày càng doãng ra đã được chỉ rõ trong các nghị quyết.

Trên con đường phát triển, đôi khi tạo ra những cảm xúc mang tính đối nghịch: giàu có - nghèo khó, văn minh - lạc hậu, tiến bộ - chậm tiến…

Những Ngày hội như ở Hải Dương nhằm hướng tới tạo ra sự hài hoà thay vì xung đột giữa công nghiệp và nông nghiệp, giữa đô thị và nông thôn, giữa thị dân và nông dân.

Từ sự hài hoà trong nông thôn sẽ tạo thành bản giao hưởng hài hoà trong toàn xã hội. Ngày hội nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, nối kết những tâm thức bị đứt gãy về nguồn cội của mỗi người, về khởi thủy của một đất nước.

Ngày hội mở ra cách tiếp cận theo tư duy ngược: thay vì “đưa vườn ra chợ” thì đưa chợ về vườn”, thay vì “đưa sản xuất đến tiêu dùng” thì “đưa tiêu dùng về ngay nơi sản xuất”.

Nông thôn mới trở thành nơi đáng sống, vừa là mục tiêu mang giá trị nhân văn, vừa giúp tạo ra của cải nhiều hơn trên diện tích ít hơn. Đó là con đường chuyển đổi tư duy tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng đa giá trị, kết hợp giữa các yếu tố kinh tế với yếu tố văn hoá, xã hội, trong đó lấy người nông dân làm trung tâm, là chủ thể.

Đó là con đường mang lại giá trị cao hơn từ những tài nguyên bản địa trước khi tìm kiếm sự thịnh vượng từ bên ngoài.

Cám ơn người Tứ Kỳ đã tiên phong hướng đến nền nông nghiệp đa tầng, đa giá trị, vị nhân sinh.

Nông nghiệp ngoài chức năng tạo nguồn lương thực thực phẩm nuôi sống con người còn có chức năng giáo dục tình yêu thiên nhiên, tình yêu người nông dân, những người thầm lặng mang lại sự sống cho con người.

Nông thôn ngoài là nơi nuôi dưỡng cư dân còn là nơi nuôi dững bản sắc văn hoá của dân tộc. Nông dân, ngoài làm nghề nông, còn là những người gìn giữ tài nguyên đất nước.

Bác Hồ với nhân sinh quan sâu sắc và thế giới quan rộng mở, đã đúc kết: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”.

Ngày hội thành công không phải ở mức độ hoành tráng mà ở đó mọi người như được tỉnh thức và tự nhủ cần phải làm gì đó đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Suy cho cùng mỗi người đều có mối quan hệ trực tiếp hay gián tiếp với làng quê, đều chịu ơn với những người nông dân “cày sâu cuốc bẫm”.

Khi mối quan hệ dựa trên lòng biết ơn và bằng sự trả ơn sẽ nối kết con người lại với nhau bằng hai chữ “đồng bào” thiêng liêng.

“Ở đây một hạt cơm rơi. Ngoài kia trắng hạt mồ hôi thấm đồng”. Mục tiêu sâu xa của những Ngày hội ở Hải Dương là nối kết tình người, khơi gợi tính nhân văn trong mỗi người.

Những Ngày hội như ở Tứ Kỳ rồi sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Vào dịp cuối tuần, cuối tháng, nông thôn trở thành không gian giao tiếp, ứng xử của những người tử tế: sản xuất tử tế, tiêu dùng tử tế.

Những Ngày hội như ở Hải Dương dần dần sẽ do chính những người nông dân tự tổ chức với sự hỗ trợ của lãnh đạo địa phương. Trao quyền cho người nông dân để những ngày hội luôn luôn tươi mớ, giàu cảm xúc, kích hoạt sáng kiến từ những cư dân địa phương.

Được tham gia tổ chức Ngày hội, được trực tiếp giới thiệu và trao tận tay khách hàng sản phẩm cùng với tấm lòng của mình, người nông dân sẽ càng tự hào về nghề nông.

Khi người nông dân tự hào về nghề nông, nông nghiệp sẽ thay đổi, nông thôn sẽ trở thành nơi đáng sống, đáng quay về, đáng tìm đến.

Tạm rời Tứ Kỳ trong lòng bỗng ngân nga những giai điệu mượt mà: “Trên đồng lúa vàng, ngọt ngào hương thơm, thơm mùi lúa vàng, là mùi quê hương, là mùi yêu thương, mùi thơm thơm dạt dào, mùi thơm thơm ngọt ngào…”.

Lê Minh Hoan
Trương Khánh Thiện
Đậu Hồng Thắm