
Khát vọng hòa bình nơi người trẻ thành phố mang tên Bác
Bằng trách nhiệm, tri ân và nhiệt huyết, thế hệ trẻ đang góp phần dựng xây đất nước đi lên với khát vọng hòa bình, lấy cảm hứng từ đại thắng năm 1975 hào hùng.
Lê Bình | 09:19 29/04/2025
MC 1:
(Âm thanh cuộc sống, xe cộ… lồng ghép với nhạc nhẹ nhàng)
Tháng Tư - ký ức hòa quyện giữa âm vang của chiến thắng và những phút giây lặng sâu của tri ân. 50 năm kể từ mùa Xuân lịch sử 1975, thành phố mang tên Bác vẫn hừng hực khí chất của một Sài Gòn kiêu hãnh, nơi khát vọng hòa bình chưa bao giờ là tiếng nói xưa cũ.
Có những câu hỏi tưởng đã ngủ yên cùng năm tháng, bỗng vang lên giữa đời thường như lời đánh thức: “Hòa bình có đẹp không hả bố?”. Gần nửa thế kỷ sau ngày non sông liền một dải, thế hệ trẻ nơi thành phố mang tên Bác - nơi từng là điểm kết thúc của chiến tranh và cũng là điểm khởi đầu của hòa bình - đang trả lời câu hỏi ấy bằng chính nhịp sống hôm nay.
Họ không sống trong chiến tranh, nhưng không quên giá trị của hòa bình. Họ không cầm súng, nhưng mang trong tim một khát vọng: giữ lấy hòa bình, làm cho nó vững bền hơn, nhân ái hơn và sâu sắc hơn.
Khát vọng hòa bình từ cảm hứng Xuân 1975 của người trẻ thành phố mang tên Bác không chỉ là hồi tưởng. Đó là bước chân người trẻ đang đi trên mảnh đất khát vọng hòa bình, là quyết tâm đi về phía trước với tất cả niềm tin rằng: hòa bình không chỉ để nhớ - mà để sống, để gìn giữ, để dựng xây.
(Phát nhạc: Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ)
MC 2:
(Tiếng hô, diễn tập diễu binh, diễu hành)
Thành phố Hồ Chí Minh những ngày cuối tháng Tư lịch sử bận rộn hơn thường lệ. Cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam được treo phủ kín đại lộ Lê Duẩn. Đây là con đường sẽ diễn ra buổi diễu binh - diễu hành kỷ niệm 50 năm đất nước hoàn toàn thống nhất.
Những ngày hợp luyện, sơ duyệt rồi tổng duyệt cho lễ diễu binh - diễu hành, hàng vạn người dân đã đổ về khu vực trung tâm, tranh thủ lựa cho mình một vị trí đẹp để theo dõi buổi hợp luyện diễu binh, diễu hành đặc biệt này.
Sự kiện lịch sử này đang tiếp thêm lòng yêu nước cho những bạn trẻ như Kim Ngoan, hiện đang sống tại huyện Hóc Môn, TPHCM.
Băng Kim Ngoan: Hôm nay là lần đầu tiên em được đi xem diễu binh như thế này, ai cũng hào hứng. Hôm nay em đã đứng ở đây thì em cảm thấy rất là hạnh phúc và tự hào. Em cảm thấy yêu nước nhiều hơn.
50 năm! Nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày Sài Gòn được gọi bằng cái tên thiêng liêng: Thành phố Hồ Chí Minh. Một nửa thế kỷ, đủ để một đứa trẻ sinh ra năm 1975 ngày ấy nay đã trở thành ông, thành bà. Nhưng với thành phố này, ký ức về ngày đất nước liền một dải… vẫn như mới hôm qua.
Thành phố những ngày này rộn ràng, nhưng là một sự rộn ràng rất đặc biệt. Không chỉ để tổ chức một lễ lớn, mà là để tưởng nhớ - để biết ơn, để sống lại những ngày mà tự do chưa phải là điều hiển nhiên.
Người trẻ hôm nay không còn phải đi qua chiến tranh, nhưng mang trong mình một món nợ đẹp với hòa bình. Hòa bình không chỉ là hồi ức. Hòa bình là tương lai… Là khi những người trẻ đứng giữa lòng thành phố hôm nay, vẫn nghe đâu đó tiếng vọng của mùa xuân năm ấy. Và bước tiếp - bằng niềm tin, bằng biết ơn, và bằng tình yêu đất nước - không cần lý do.
Giữa những ngày tháng tư đầy ý nghĩa, thế hệ trẻ không chỉ tự hào về hòa bình, mà còn trăn trở về cách giữ gìn giá trị quý báu ấy trong cuộc sống hôm nay. Sinh viên Hoàng Trọng Ngọc An đã chia sẻ những suy nghĩ rất chân thành: Có những người - người ta vô tâm quá. Có những cái phát ngôn mà nó làm em cảm thấy khá là bức xúc. Mình đã được độc lập, tự do như vậy rồi thì mình phải cố gắng mình gìn giữ làm sao để cho những cái nét đẹp nét trẻ này nó còn giữ mãi về sau và nó không bị mai một theo thời gian.
Bén duyên với mảnh đất Cần Giờ trong một lần ghé thăm, Trần Thị Lan Anh - CEO của thương hiệu Yến Đảo Cần Giờ - nhận ra trái tim mình đã lặng lẽ thuộc về nơi này từ lúc nào không hay. Trong khi nhiều người trẻ chọn rời huyện đảo để tìm kiếm cơ hội nơi phố thị, nữ doanh nhân 8X này lại nhìn thấy ở Cần Giờ những tiềm năng lớn lao - và một trách nhiệm cũng lớn lao không kém: giữ gìn, phát triển và đưa vẻ đẹp một phần của thành phố mang tên Bác vươn xa hơn nữa.
Với chị Lan Anh, tình yêu nước không chỉ là xúc cảm lặng thầm, mà phải biến thành hành động thiết thực: giới thiệu sản vật địa phương, quảng bá những gì tốt đẹp nhất của quê hương đến với cả nước và bạn bè quốc tế. Suốt nhiều năm qua, chị đã nỗ lực không ngừng để Yến Đảo Cần Giờ không chỉ là sản phẩm, mà còn là niềm tự hào, là câu chuyện đẹp về vùng đất anh hùng.
Băng Trần Thị Lan Anh: Mình rất là yêu cái nơi này nên mình chỉ muốn là những cái gì mà tốt đẹp nhất về Cần Giờ. Mình sẽ đưa tới tay người tiêu dùng trong cả nước và các bạn bè quốc tế đều biết tới. Làm sao phải để cho những người mà ở tại Cần Giờ phải tự hào rằng là mình là người Cần Giờ và mình là phải làm sao để cái báu vật của Cần Giờ này ai cũng biết đến.
Rời quê hương từ sớm để theo học ngành Quản trị kinh doanh và tài chính tại Đức, Nguyễn Huỳnh Trúc An từng đứng trước nhiều lựa chọn rộng mở nếu ở lại châu Âu với công việc và mức lương hấp dẫn. Nhưng sau tất cả, Trúc An chọn trở về quê hương.
Băng Nguyễn Huỳnh Trúc An: Đôi khi em cũng nghĩ là đi xa để trở về, mình đem những tinh túy, mới mẻ, hay ho mà mình học được để mình góp phần vào sự phát triển của đất nước. Nghe nó hơi to quá, nhưng mà mình sẽ nghĩ là mình có thể làm gì cho riêng cái địa phương của mình thôi. Tại vì Việt Nam là một nước nông nghiệp nữa.
Không ồn ào, cô gái ấy âm thầm đóng góp sức trẻ vào xây dựng đất nước. Với tư cách là Giám đốc HTX Sản xuất - Du lịch - Nông nghiệp Tam Nông (quận 12, TP.HCM), Trúc An đang kết nối sản xuất, du lịch và nông nghiệp, lan tỏa giá trị Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Với Trúc An, yêu nước không chỉ là một cảm xúc, mà là hành động cụ thể - là cách mình góp phần vào sự phát triển của chính mảnh đất mình sinh ra.
Băng Nguyễn Huỳnh Trúc An: Tam nông đang cố gắng là truyền tải những thông điệp tích cực, giá trị hiện tại mà Việt Nam mình đang có. Em nghĩ là cái đó là một phần để truyền tải thông điệp đến với bạn bè quốc tế. Em thấy là tất cả các khách du lịch thì họ đã mang sẵn cho mình một cái tâm thế là tìm hiểu một nền văn hóa mới. Nhờ như vậy thì tụi em có thể truyền tải được nhiều thứ về Việt Nam hơn là việc là lòng yêu nước. Chẳng hạn, nghe mình chia sẻ thì họ có một cái cảm giác kiểu như là ồ vậy hả? Họ thấy rất là thú vị, đặc biệt là đối với những cách họ đã biết về lịch sử Việt Nam rồi và họ nghe mình chia sẻ thêm thì họ sẽ thấy được một cái sự khác biệt rõ rệt, có một chút tự hào, có một chút ngưỡng mộ.
Với sứ mệnh đóng góp cho hòa bình chung của thế giới, hàng trăm người lính mũ nồi xanh Việt Nam đã lên đường tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi. Sau hơn một năm tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, những người lính mũ nồi xanh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và quay trở về quê hương cùng với những dấu ấn Việt Nam đã khắc sâu trong lòng bạn bè quốc tế.
Trong số ấy, Trung úy Bùi Thị Huế, điều dưỡng của Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 5, không chỉ mang nhiệm vụ cao cả, nhân đạo tại vùng đất đang xảy ra chiến sự vì nội chiến, từng hành động của họ còn là quá trình nỗ lực mang hai tiếng “Việt Nam” ra thế giới và đưa thế giới về với Việt Nam.
Băng Bùi Thị Huế: Khi em đi ra ngoài làm công tác dân vận, rất nhiều người đều hô to hai chữ Việt Nam. Khi nghe được hai chữ Việt Nam là bản thân em rất là tự hào về điều đó và em thấy là không chỉ bản thân thế độ bệnh viện dã chiến 2.5 mà những thế hệ khác, những thế hệ con người khác đã truyền tải rất tốt một thông điệp về một con người Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình. Em đặt chân sang Sudan dường như là em được sống lại cái thời kỳ lịch sử của cha ông ta ngày trước và em cảm thấy mình rất là ngưỡng mộ và mình tự hào biết bao khi mình là thế hệ sau của cha ông ta, khi mà nội chiến của Sudan Á, nó khác hoàn toàn so với khi các cha ông ta mà chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do của một đất nước. Nó sẽ khắc nghiệt hơn rất là nhiều.
Khi các đồng đội của Trung úy Bùi Thị Huế đang hăng say tập luyện chuẩn bị cho đại lễ 30/4 của dân tộc, cô gái này lại chọn cách yêu nước theo một cách thật đặc biệt. Trung úy Bùi Thị Huế tiếp tục đăng kí trở lại bệnh viện dã chiến tại Nam Sudan để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Lần trở lại này, cô gái nhỏ nhắn này muốn hoàn thành hết những cái ước mơ em còn ấp ủ. Ý thức lan tỏa giá trị hòa bình, về một Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh Phúc đến nơi còn đang chịu sự tàn phá của bom đạn, của giao tranh quân sự.
Băng Bùi Thị Huế: Lần đầu tiên em được trải nghiệm ở một đất nước mà nội chiến, hành trang của em cũng chưa có nhiều kinh nghiệm. Thành thử ra em có khi mà sang tới Bentiu thì em nhìn thấy con người rồi. Nhưng em bé em có, em bắt đầu hình thành nên một cái là em có một ước mơ là em sẽ mang nhiều hơn cái hình ảnh một đất nước Việt Nam hòa bình hơn thông qua là nếu có thể thì lần này đi em sẽ mang nhiều hình ảnh về Việt Nam hơn để giới thiệu cho các bạn biết là đất nước Việt Nam của tôi đẹp đến như thế nào. Đẹp trong hòa bình và đẹp, trong cả ánh mắt của những con người Việt Nam không chỉ là phong cảnh mà về cách mà mọi người giúp đỡ các đất nước khác em muốn truyền tải là khi mà các bạn hòa bình giống chúng tôi, các bạn sẽ có những cái vẻ đẹp như vậy không chỉ về thiên nhiên, không chỉ về giáo dục mà cả về những con người chúng tôi sẽ mang cái sự hòa bình đó đi giúp đỡ những đất nước khác.
(Phát nhạc: Việt Nam Trong Tôi Là)
MC 1:
Thưa quý vị,
Hòa bình không chỉ là món quà. Hòa bình là di chúc của thế hệ cha ông gửi lại. Hòa bình - hai tiếng nghe tưởng quen, nhưng chưa bao giờ là điều hiển nhiên.
Với thế hệ hôm nay, hòa bình không còn hiện lên qua khói lửa hay tiếng súng, mà là những buổi sáng thong thả đến trường, là sân bóng chiều rộn ràng tiếng cười, là giấc mơ khởi nghiệp bay xa từ một quán cà phê nhỏ nơi góc phố.
Chúng ta lớn lên trong hòa bình nhưng không quên rằng để có được những ngày tháng yên ổn như bây giờ, đã từng có cả một thời tuổi trẻ sống giữa mất mát, giữa chia ly, giữa lựa chọn không dễ dàng giữa sự sống và lý tưởng.
Trích băng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trên nền nhạc tự hào:
"Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời - sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người mang lại hạnh phúc cho nhân dân!".
50 năm trước, cũng tại thành phố này, đã có những người trẻ mang trong tim khát vọng thống nhất, dấn thân vào cuộc hành trình không ai dám chắc hồi kết.
Họ không phải là những anh hùng được dựng tượng. Họ là sinh viên, là công nhân, là những thanh niên bình thường… nhưng lại có trái tim phi thường. Chính họ đã viết nên mùa xuân 1975 bằng sự can đảm, bằng niềm tin không gì lay chuyển vào một Việt Nam toàn vẹn.
Ngày hôm nay, những người trẻ sống trong hòa bình không còn phải chiến đấu với quân thù,… nhưng có một cuộc chiến âm thầm khác - chống lại sự vô cảm, chống lại lối sống thờ ơ, và chống lại cả việc quên mất chúng ta từng là ai.
Bởi hòa bình không chỉ là khoảng lặng sau chiến tranh. Hòa bình là nền móng để chúng ta sống tốt hơn, sâu sắc hơn, biết ơn hơn và trách nhiệm hơn.
Chúng ta có thể không nhớ hết những tên người đã nằm lại. Nhưng từng con phố ta đi, từng mái trường ta học, từng giấc mơ ta đang sống… đều mang bóng dáng của họ - những người đã chọn đánh đổi tuổi trẻ của mình cho hòa bình của hôm nay.
(Chậm lại, nhạc dạt dào cảm xúc)
50 năm thống nhất - không chỉ để nhìn lại, mà còn để tiếp tục đi tới.
Thế hệ trẻ hôm nay mang theo khát vọng của thời đại mới. Khát vọng không chỉ giữ gìn hòa bình, mà còn lan tỏa nó trong từng việc nhỏ: Từ cách sống không thờ ơ với đất nước, từ hành động nhỏ vì cộng đồng, từ niềm tin rằng Việt Nam có thể vươn lên - bằng trí tuệ, bằng bản lĩnh và bằng lòng biết ơn sâu sắc với những gì đã có.
Hòa bình đẹp lắm - và càng đẹp hơn, khi mỗi người trẻ hôm nay biết mình là một phần của hành trình giữ gìn và tiếp nối vẻ đẹp ấy.
Nhạc kết: Viết tiếp câu chuyện hòa bình
Khát vọng hòa bình nơi người trẻ thành phố mang tên Bác
Bằng trách nhiệm, tri ân và nhiệt huyết, thế hệ trẻ đang góp phần dựng xây đất nước đi lên với khát vọng hòa bình, lấy cảm hứng từ đại thắng năm 1975 hào hùng.
Lê Bình
Tin liên quan
Các chương trình
Trong bối cảnh hiện nay, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ không chỉ là xu hướng phát triển bền vững mà còn là lời giải cho bài toán nâng cao chất lượng sống.
Trên những triền đồi trải dài hun hút, mầm xanh lại được ươm lên từ những vườn giống, cung cấp hàng triệu cây giống chất lượng cao, cho rừng ngày thêm xanh thẳm.