Bản tin môi trường ngày 22/7/2025: Hai công ty ‘thi nhau’ xả thải

Hai công ty ‘thi nhau’ xả thải; Nghiên cứu, áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; TP.HCM: 'Ì ạch’ giải ngân 4 dự án môi trường…

Nguyễn Hằng - Trần Văn  | 12:18 22/07/2025

Bản tin môi trường ngày 22/7/2025: Hai công ty ‘thi nhau’ xả thải

Tự động

Bản tin môi trường ngày 22/7/2025: Hai công ty ‘thi nhau’ xả thải

Lead:  Bản tin Môi trường ngày 22/7, sẽ có một số nội dung chính như sau: Hai công ty ‘thi nhau’ xả thải; Nghiên cứu, áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; TP.HCM: 'Ì ạch’ giải ngân 4 dự án môi trường…

Kính chào quý vị! Chào mừng quý vị đến với Bản tin Môi trường ngày 22 tháng 7 của Báo NN&MT. Trong những phút sắp tới, chúng tôi sẽ mang đến những cảnh báo ô nhiễm và những sáng kiến vì một hành tinh xanh.  Trong bản tin hôm nay sẽ có một số thông tin đáng chú ý như sau:

Headline:

(Nam) - Nghiên cứu, áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền

(Nữ) - Nữ sinh viên đưa công nghệ xử lý nước thải ‘thuận thiên’ ra thế giới

(Nam) - Quảng Ngãi phát hiện 2 công ty xả thải ra môi trường

(Nữ) - Đắk Lắk: Người dân ‘nơm nớp’ vì xác lợn trôi sông

(Nam) - TP.HCM:  ‘Ì ạch’ giải ngân 4 dự án môi trường

 

Nghiên cứu, áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền

Thưa quý vị! Ngày 21/7, tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng về thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu và áp dụng thực chất nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” trong lĩnh vực xây dựng và giao thông vận tải.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã giải trình, đồng thời đề nghị rà soát Luật Bảo vệ môi trường để phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ và địa phương, cũng như kiến nghị phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương và có cơ chế khuyến khích bảo vệ môi trường.

Trên cơ sở giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh Bộ Xây dựng cần tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và chủ động kiến nghị sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường. Đặc biệt là rà soát, loại bỏ quy định lạc hậu về quản lý chất thải rắn xây dựng, hướng tới kinh tế tuần hoàn, biến chất thải thành tài nguyên.

Vấn đề xử lý tro, xỉ, thạch cao từ nhà máy nhiệt điện cũng được đặt ra cấp bách. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Xây dựng phải đóng vai trò chủ chốt trong việc tìm “đầu ra” cho các loại phế thải này, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Để tạo đột phá, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị Bộ Xây dựng phải có tư duy mới về công cụ kinh tế, xã hội hóa đầu tư, chuyển đổi số và đặc biệt là áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” một cách hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ mới cũng được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tác động đến môi trường.

Nữ sinh viên đưa công nghệ xử lý nước thải ‘thuận thiên’ ra thế giới

Thưa quý vị! Nguyễn Thị Kim Anh, sinh viên năm 3 ngành Quản lý Tài nguyên - Môi trường của Trường Đại học Trà Vinh vừa gây ấn tượng mạnh tại Hà Lan khi giới thiệu công nghệ xử lý nước thải độc đáo.

Nghiên cứu của Kim Anh xoay quanh việc ứng dụng mô hình đất ngập nước để xử lý đa dạng các loại nước thải, hướng tới mục tiêu kép là tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Nước thải, sau khi chảy qua hệ thống nhiều lớp gồm cát, sỏi và khu vực trồng cây thủy sinh, sẽ được làm sạch một cách tự nhiên nhờ hoạt động của vi sinh vật và hệ rễ cây. Nước sau xử lý có thể tái sử dụng cho nhiều mục đích như tưới tiêu, cải thiện cảnh quan, hoặc bổ sung vào hệ thống trữ nước.

Sự linh hoạt là điểm cộng lớn, cho phép mô hình này áp dụng hiệu quả cho nhiều nguồn nước thải khác nhau, từ sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp cho đến nước mặt, chỉ cần thiết kế phù hợp với đặc tính của từng nguồn nước.

Giải pháp này không chỉ tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp và bảo vệ môi trường, mà còn thể hiện tính ứng dụng thực tiễn cao, thu hút sự quan tâm từ các giảng viên và sinh viên quốc tế.

Theo TS. Trần Thị Ngọc Bích, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Môi trường, đây là sự kết hợp hiệu quả giữa công nghệ tiên tiến và giải pháp dựa vào thiên nhiên, rất phù hợp với điều kiện nông thôn.

Quảng Ngãi phát hiện 2 công ty xả thải

 ra môi trường

Liên quan đến xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường, thưa quý vị! Công an Quảng Ngãi vừa cho biết, qua kiểm tra đột xuất đã phát hiện hai nhà máy tại Khu kinh tế Dung Quất tại xã Bình Sơn và Khu công nghiệp Tịnh Phong tại xã Thọ Phong có hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường.

Cụ thể là ngày 15/7, Đoàn công tác do Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với Trung tâm trắc địa và quan trắc môi trường thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cùng Trung tâm Kỹ thuật quan trắc môi trường thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi tiến hành kiểm tra Nhà máy bê tông thương phẩm của Công ty TT tại Khu kinh tế Dung Quất.

Đoàn công tác phát hiện nhà máy đã xả trực tiếp nước vệ sinh từ xe bồn bê tông ra môi trường đất nội bộ mà không qua xử lý. Tại hiện trường còn ghi nhận hành vi đổ chất thải rắn là bê tông thải trái quy định kỹ thuật với khối lượng hơn 2,2 tấn.

Tiếp đó ngày 16/7, Đoàn công tác kiểm tra một Nhà máy gạch không nung tại Khu công nghiệp Tịnh Phong. Tại hiện trường ghi nhận nhà máy xả nước thải công nghiệp thông thường chưa qua xử lý ra môi trường và đổ thải phế liệu sản xuất gạch với khối lượng hơn 21 tấn.

Theo Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi, những hành vi trên không chỉ vi phạm nghiêm trọng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường mà còn đi ngược lại mục tiêu phát triển công nghiệp xanh, bền vững của địa phương. Các trường hợp này đang được củng cố hồ sơ để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Đắk Lắk: Người dân ‘nơm nớp’

 vì xác lợn trôi sông

Thưa quý vị! UBND xã Phú Hòa 2, tỉnh Đắk Lắk vừa cho biết, lực lượng của xã đã phối hợp với ngành thú y tiêu hủy 7 con lợn chết bị thả trôi dưới mương nước thủy lợi chảy qua địa phương.

Theo Chủ tịch UBND xã Phú Hòa 2, hiện nay địa phương chưa ghi nhận ổ dịch tả lợn châu Phi, nên có khả năng xác lợn bị vứt bỏ từ đầu nguồn trôi xuống.

Trước đó, người dân xã Phú Hòa 2 phản ánh thời gian gần đây, họ thấy nhiều xác lợn được thả trôi dưới mương nước trước nhà. Qua thời gian, những xác lợn này phân hủy, gây hôi thối, ô nhiễm môi trường.

Ngoài bốc mùi hôi thối, xác lợn có thể mang theo mầm bệnh dịch tả châu Phi, lây lan cho đàn lợn ở địa phương. Do đó, người dân mong chính quyền thường xuyên tuần tra, nếu phát hiện thì tiêu hủy đảm bảo tránh ô nhiễm và lây lan dịch bệnh.

TP.HCM: Bốn dự án môi trường

‘ì ạch’ giải ngân

Tiếp tục là thông tin về công tác đầu tư cải tạo, xử lý ô nhiễm, thưa quý vị! Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP Hồ Chí Minh vừa cho biết, năm nay Ban hạ tầng được giao giải ngân 12.029 tỷ đồng vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến tháng 6 vừa qua mới chỉ có hơn 912 tỷ đồng được giải ngân.

Bốn dự án trọng điểm về cải tạo ô nhiễm môi trường các tuyến kênh, rạch được giao giải ngân số vốn 8.400 tỷ đồng trong năm nay, gồm: Dự án xây dựng môi trường và cải tạo kênh Tham Lương được giao vốn 3.567 tỷ đồng; Dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ Bắc kênh Đôi được giao 400 tỷ đồng; Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm được giao vốn 3.206 tỷ đồng; Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè được giao giải ngân 1.227 tỷ đồng. Nhưng đến tháng 6 vừa qua, 4 dự án này cũng mới chỉ giải ngân được hơn 577 tỷ đồng, đạt tỷ lệ gần 6,9%.

Thực trạng trên cho thấy năm nay các dự án trọng điểm vẫn tiếp tục phải chạy nước rút để giải ngân vốn đầu tư công của cả năm trong 6 tháng cuối năm.

Và đến đây thì thời lượng Bản tin Môi trường hôm nay xin được khép lại. Mong rằng những thông tin được trình bày đã cung cấp cho quý vị cái nhìn toàn diện hơn về hiện trạng và tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường.

Cảm ơn quý vị đã quan tâm và đồng hành! Kính chúc quý vị sức khỏe và hẹn gặp lại trong số phát sóng tiếp theo với những cập nhật và bình luận mới nhất về các vấn đề môi trường.

Tự động

Bản tin môi trường ngày 22/7/2025: Hai công ty ‘thi nhau’ xả thải

Hai công ty ‘thi nhau’ xả thải; Nghiên cứu, áp dụng nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền; TP.HCM: 'Ì ạch’ giải ngân 4 dự án môi trường…

Nguyễn Hằng - Trần Văn

Các chương trình

Thời tiết nông vụ ngày 22/7/2025: Bão số 3 gây mưa lớn và gió giật mạnh
Thời sự

Bão số 3 tiến sát đất liền Bắc Bộ với sức gió mạnh cấp 9–10, giật cấp 13, gây biển động dữ dội và mưa lớn diện rộng trên toàn vùng.

Thời tiết nông vụ ngày 22/7/2025: Bão số 3 gây mưa lớn và gió giật mạnh
Các hồ thuỷ điện lớn sẵn sàng cắt lũ cho hạ du
Thời sự

Các hồ thuỷ điện lớn sẵn sàng cắt lũ cho hạ du; Cần cơ chế điều động lực lượng giữa các xã, chi viện ngay khi có sự cố.

Các hồ thuỷ điện lớn sẵn sàng cắt lũ cho hạ du