Thứ tư 21/05/2025 - 10:25
Môi trường
Phát triển kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp sinh thái
Thứ Tư 21/05/2025 - 09:25
Khu công nghiệp sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn đang mở ra hướng đi bền vững, đòi hỏi đột phá thể chế và chính sách ưu đãi đồng bộ.
- Hướng đến xanh hóa nền kinh tế
- KCN Nam Cầu Kiền: Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới
- Lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số làm nền tảng phát triển
- Chuyển đổi công năng khu công nghiệp lâu đời nhất Việt Nam
Định hình kinh tế tuần hoàn trong khu công nghiệp

Khu công nghiệp sinh thái ứng dụng mô hình cộng sinh công nghiệp – nơi chất thải của doanh nghiệp này trở thành nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác. Ảnh: namcaukien.com.vn.
Kinh tế tuần hoàn (KTTH) đang trở thành định hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh tài nguyên suy giảm, môi trường ô nhiễm và biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Không chỉ là một mô hình sản xuất sạch, KTTH còn hướng tới sự tái tạo, tối ưu hóa nguyên liệu và năng lượng trong toàn bộ chuỗi giá trị – từ thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, tiêu dùng đến tái chế, tái sử dụng.
Tại Việt Nam, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 là văn bản pháp lý đầu tiên chính thức quy định về kinh tế tuần hoàn và được cụ thể hóa trong Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày 06/01/2025 của Chính phủ về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường”.
Nghị định quy định về điều kiện quy hoạch các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; nhấn mạnh việc quản lý chất thải; đưa ra các tiêu chí phát triển kinh tế tuần hoàn; quy định về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thúc đẩy thực hiện, phát triển kinh tế tuần hoàn; quy định về cơ chế khuyến khích thực hiện kinh tế tuần hoàn...
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/05/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, là bước tiến quan trọng trong việc thiết lập hành lang pháp lý cho khu công nghiệp sinh thái (KCNST). Theo quy định tại Điều 37 của Nghị định này, để được công nhận là KCNST, KCN phải có ít nhất 1 liên kết cộng sinh công nghiệp.
Ví dụ điển hình cho liên kết cộng sinh công nghiệp là chất thải đầu ra của doanh nghiệp này có thể trở thành đầu vào của doanh nghiệp khác, góp phần giảm chi phí, giảm ô nhiễm và tăng hiệu quả sản xuất. Đây chính là biểu hiện rõ nét của kinh tế tuần hoàn.
Triển khai mô hình cộng sinh công nghiệp
Thực tế, nhiều KCN tại Việt Nam đã bắt đầu triển khai các mô hình cộng sinh. Tại KCN Trà Nóc (Cần Thơ), doanh nghiệp thủy sản và sản xuất bao bì đã tận dụng phụ phẩm làm thức ăn chăn nuôi, nước thải sau xử lý được tái sử dụng trong sản xuất. Ở KCN Biên Hòa 2 (Đồng Nai), việc tuần hoàn hơi nước, khí thải và bùn thải trong ngành sản xuất giấy, thép cho thấy tiềm năng của cộng sinh công nghiệp.
Tại tổ hợp KCN Deep C (Hải Phòng – Quảng Ninh), các doanh nghiệp thực hiện mô hình cộng sinh rõ rệt: nhiệt thải từ sản xuất được tận dụng để làm khô bùn, nước thải sau xử lý được tái sử dụng cho hệ thống làm mát, và năng lượng từ điện gió và mặt trời được phân phối qua lưới nội bộ cho các nhà máy khác nhau.
Còn tại KCN Nam Cầu Kiền đang triển khai 3 chuỗi cộng sinh công nghiệp, gồm: ngành luyện kim - cơ khí; nhựa và các sản phẩm từ nhựa; phụ trợ điện - điện tử. Nhờ có hoạt động kết nối cộng sinh, các doanh nghiệp trong KCN giảm bớt gánh nặng trong việc tìm kiếm nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm.
Việt Nam bắt nhịp thế giới bằng hành động xanh
Trên thế giới, nhiều nước đã coi KTTH là chiến lược trọng tâm. Tại Hàn Quốc, chính phủ tài trợ trực tiếp các dự án cộng sinh công nghiệp trong KCN và cung cấp hướng dẫn kỹ thuật cho doanh nghiệp. EU đã đưa KTTH vào Thỏa thuận Xanh, kèm ngân sách hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp tái chế, tái sử dụng và giảm phát thải.

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Shinec - đơn vị đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) đề xuất một số nội dung để phát triển khu công nghiệp sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Hồng Ngọc.
Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch Shinec, đơn vị đầu tư KCN sinh thái Nam Cầu Kiền (Hải Phòng) cũng có đề xuất về kỳ vọng được hỗ trợ tốt hơn khi triển khai mô hình khu công nghiệp sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Điệp, những nội dung mà doanh nghiệp quan tâm như ưu đãi thuế, tín dụng xanh hay hỗ trợ công nghệ tái chế, đến nay đã được giải quyết đáng kể. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 198/2025/QH15 vào ngày 17 tháng 5 năm 2025 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết này đưa ra các chính sách hỗ trợ cụ thể như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cấp tín dụng ưu đãi, trợ cấp nghiên cứu – chuyển giao công nghệ, và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đây là cú hích chính sách đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào các mô hình cộng sinh công nghiệp.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-trong-khu-cong-nghiep-sinh-thai-d753335.html