| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 24/04/2025 - 16:38

Môi trường

Ô nhiễm không khí không chỉ là chuyện riêng của Việt Nam

Thứ Năm 24/04/2025 - 16:36

Các tổ chức Liên hợp quốc đã cảnh báo ảnh hưởng nghiêm trọng của ô nhiễm không khí trong khu vực, tác động mạnh mẽ tới sức khỏe các nhóm yếu thế trong xã hội.

Sáng 24/4, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) phối hợp cùng Bộ Y tế, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo Quốc gia Kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam.

Trẻ em thuộc nhóm dễ tổn thương 

Cập nhật về tác động của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe và kinh tế - xã hội, ông Sandro Demaio, cán bộ y tế WHO đã chỉ ra, mức tiếp xúc hàng năm với nồng độ bụi mịn PM2.5 ở các thành phố trên thế giới từ năm 2010-2019 là rất cao (40μg/m3), so với chuẩn của WHO là 5 μg/m3.

Ông Sandro Demaio, cán bộ y tế (WHO), phát biểu tại Hội thảo Quốc gia Kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam. Ảnh: Khương Trung. 

Ông Sandro Demaio, cán bộ y tế (WHO), phát biểu tại Hội thảo Quốc gia Kiểm soát và cải thiện chất lượng môi trường không khí tại Việt Nam. Ảnh: Khương Trung. 

Ô nhiễm không khí gây ra nhiều bệnh lý cấp tính và mãn tính, bao gồm các bệnh về đường hô hấp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa, cũng như tổn thương não bộ và sức khỏe tâm thần. Do đó, việc kiểm soát chất lượng không khí cần được xem xét toàn diện, không chỉ ở khía cạnh y tế mà còn liên quan đến các yếu tố xã hội, chất lượng cuộc sống, sức khỏe cộng đồng và đặc biệt là yếu tố công bằng trong tiếp cận môi trường sống trong lành.

"Ngay cả khi tiếp xúc với ô nhiễm ở nồng độ thấp, sức khỏe con người vẫn bị ảnh hưởng đáng kể", ông Sandro Demaio chia sẻ. 

Bên cạnh đó, ô nhiễm không khí gây ra những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ em, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hơn người lớn. Việc tiếp xúc sớm với không khí ô nhiễm có thể dẫn đến chậm phát triển thể chất, rối loạn tâm lý và hành vi, các bệnh mãn tính, hen suyễn, ung thư ở trẻ em và giảm chức năng phổi ngay cả khi tiếp xúc ở mức độ thấp.

Theo ông Sandro Demaio, với tốc độ hiện tại, các cam kết trong Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) sẽ khó có thể đạt được. Các biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí cần cần phải tăng tính quyết liệt lên 7-9 lần để thực sự bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sống.

Nhận thức của người dân về ô nhiễm không khí đã rõ nét hơn

Theo chuyên gia UNDP tại Việt Nam, ông David Payne, ô nhiễm không khí gây thiệt hại nghiêm trọng trên toàn cầu, với tổn thất kinh tế lên tới 6 nghìn tỷ USD mỗi năm và làm giảm 5% GDP toàn cầu do ảnh hưởng đến sức khỏe, năng suất và tuổi thọ.

Ông David Payne, chuyên gia UNDP tại Việt Nam. Ảnh: Khương Trung. 

Ông David Payne, chuyên gia UNDP tại Việt Nam. Ảnh: Khương Trung. 

Theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), các siêu chất ô nhiễm, hay còn gọi là các chất ô nhiễm khí hậu tồn tại trong thời gian ngắn, được xác định là nguyên nhân gây ra một nửa mức gia tăng nhiệt độ toàn cầu hiện nay. Ước tính có đến 85% lượng chất ô nhiễm không khí toàn cầu xuất phát từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch và sinh khối.

"Giảm ô nhiễm không khí có mối liên hệ trực tiếp với việc thực hiện các SDGs", ông David nói và cho biết thêm, việc kiểm soát ô nhiễm không khí không chỉ thúc đẩy đạt được các mục tiêu về sức khỏe, khí hậu và phát triển kinh tế mà còn góp phần giảm bất bình đẳng xã hội. Đầu tư vào không khí sạch là một bước đi chiến lược mang lại lợi ích toàn diện.

Ngoài ra, cộng đồng ngày càng quan tâm đến ảnh hưởng của ô nhiễm không khí với sức khỏe, đặc biệt vào mùa đông - thời điểm mức độ ô nhiễm thường cao hơn. Theo khảo sát, ít nhất 50% người dân tại Hà Nội, TP.HCM và khu vực lân cận cảm thấy cần đeo khẩu trang để bảo vệ mình khỏi không khí ô nhiễm. 

Nhiều sáng kiến của UNDP đã và đang cải thiện chất lượng môi trường các đô thị lớn trên thế giới, ứng dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và viễn thám để giám sát chất lượng không khí. Tổ chức đã xây dựng một nghiên cứu điển hình về Kế hoạch Hành động Không khí Sạch tại Bắc Kinh nhằm chia sẻ kinh nghiệm và thúc đẩy hành động tương tự tại các quốc gia khác.

Nhằm đạt được không khí sạch cho tất cả mọi người, UNDP đề xuất cần tăng cường quản trị quản lý chất lượng không khí và kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ từ phía công chúng.

Châu Á, nơi sinh sống của 61% dân số thế giới, hiện đang thải ra 59% lượng khí CO2 toàn cầu và sử dụng tới 43% năng lượng có nguồn gốc từ than. Khu vực này đang đối mặt với nhiều tác động lâu dài từ ô nhiễm không khí, không chỉ về thể chất mà còn cả tâm lý và hành vi.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/o-nhiem-khong-khi-khong-chi-la-chuyen-rieng-cua-viet-nam-d749987.html