Thứ sáu 16/05/2025 - 10:37
Chăn nuôi
Nuôi thỏ lợi nhuận không nhỏ
Thứ Sáu 16/05/2025 - 10:24
Tự tay gây dựng trang trại, rồi đứng lên sau những lần thất bại là hành trình đầy tâm huyết của anh Nguyễn Công Tùng với con thỏ trên đất xứ Thanh.
- Chuyện ghi ở phía sau lưng núi [Bài cuối]: Hồi sinh
- Chuyện ghi ở phía sau lưng núi [Bài 4]: Ảo mộng xứ người
- Chuyện ghi ở phía sau lưng núi [Bài 3]: Vây bắt 'trùm' ma túy
Đang thu nhập 700 - 800 triệu đồng bất ngờ rơi xuống vực sâu
Giữa vùng quê yên bình của xã Dân Lực (huyện Triệu Sơn), ít ai ngờ lại có một trang trại chăn nuôi thỏ thương phẩm quy mô thuộc hàng lớn nhất tỉnh Thanh Hóa. Chủ nhân của trang trại là anh Nguyễn Công Tùng, sinh năm 1989, một nông dân từng nhiều lần trắng tay vì thất bại trong chăn nuôi. Những cú ngã ấy không khiến anh Tùng bỏ cuộc, dù việc đứng dậy sau mỗi lần thất bại là một hành trình gian nan, đầy nỗ lực và nước mắt.

Trại thỏ hàng nghìn con của anh Nguyễn Công Tùng tại xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.
Năm 2008, khi những thanh niên cùng trang lứa đang tìm hướng lập nghiệp nơi phố thị, Nguyễn Công Tùng lại chọn cách trở về quê hương để mở trang trại chăn nuôi thỏ. Quyết định ấy khiến chàng trai phải đối mặt với vô số thử thách. Đến bây giờ, mỗi khi nhắc lại, anh Tùng vẫn cho đó là quyết định liều lĩnh.
Trên diện tích 100m2, ban đầu anh Tùng chỉ nuôi thử nghiệm 15 cặp thỏ bố mẹ với các giống khác nhau để kiểm tra khả năng thích nghi của vật nuôi với điều kiện khí hậu và môi trường địa phương. “Thỏ là loài dễ nuôi, chi phí đầu tư thấp, quay vòng vốn nhanh. Tuy nhiên, nuôi thỏ theo hướng hàng hóa thì không hề đơn giản như người ta nghĩ”, anh Tùng nói.
Sau khi nuôi thử nghiệm, anh Tùng quyết định chọn giống thỏ New Zealand vì khả năng tăng trọng nhanh, tỷ lệ thịt cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Chỉ trong vài năm, anh Tùng đã nhân đàn lên hàng nghìn thỏ bố mẹ và thỏ thương phẩm. Tuy nhiên, khi mô hình bắt đầu cho tín hiệu tích cực những "cú sốc" đầu tiên cũng ập đến.
Năm đó, thỏ bị bệnh viêm phổi, gây chết cả đàn chỉ trong thời gian ngắn. Nguyên nhân được xác định là do chuồng trại không đảm bảo vệ sinh, không thoáng khí khiến mầm bệnh phát sinh. Anh Tùng bất lực nhìn toàn bộ công sức, tiền bạc đầu tư suốt mấy năm trời đổ xuống sông, xuống biển.
Sau thất bại ấy, anh Tùng quyết định vào Nam, vừa làm thuê, vừa phụ việc tại các trại giống lớn để học từng kỹ thuật chăm sóc, phối giống, xử lý dịch bệnh cho thỏ.
Năm 2015, anh trở về quê, bắt đầu gây dựng lại trại thỏ bằng việc đầu tư bài bản hơn về chuồng trại và con giống. Trên diện tích 400m2, anh Tùng xây dựng chuồng trại theo hướng bán tự động, thiết kế hướng khép kín, tách biệt hoàn toàn khu nuôi với khu xử lý chất thải. Không những vậy, để đảm bảo chất lượng con giống, anh Tùng ra tận Trung tâm Nghiên cứu Dê và Thỏ Sơn Tây (Viện Chăn nuôi) để đặt mua 20 cặp thỏ bố mẹ, đồng thời, học thêm kỹ thuật chăn nuôi thỏ New Zealand từ các chuyên gia.
Sau thời gian thử nghiệm và nhân đàn thành công, anh bắt đầu nuôi thỏ thịt thương phẩm với quy mô ngày càng lớn, đồng thời áp dụng quy trình chăn nuôi khoa học từ việc xây dựng khẩu phần ăn tiêu chuẩn, tiêm phòng, vệ sinh định kỳ đến việc theo dõi sức khỏe cho thỏ.

Anh Tùng là người cung cấp thỏ thương phẩm lớn nhất tỉnh Thanh Hóa hiện nay. Ảnh: Quốc Toản.
Đến năm 2019, trang trại của anh đã trở thành một trong những cơ sở chăn nuôi thỏ lớn nhất cả nước, với hơn 10.000 con bố, mẹ và thỏ thương phẩm. Không dừng lại ở đó, năm 2019, anh Tùng thành lập HTX chăn nuôi và phát triển giống thỏ New Zealand, liên kết với các trang trại vệ tinh, nâng tổng đàn lên tới gần 10 vạn con. Đây cũng là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Thanh Hóa ký hợp đồng cung cấp thỏ cho đối tác Nhật Bản với những yêu cầu cực kỳ khắt khe về chất lượng, số lượng.
Thời điểm đó, mỗi tháng trang trại của anh Tùng xuất bán khoảng 5 tấn thỏ thương phẩm, tương đương 2 tỷ đồng doanh thu. Sau khi trừ chi phí, anh thu lãi khoảng 700-800 triệu đồng. Anh Tùng cũng là người đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các thành viên trong hợp tác xã, giúp hơn 20 hộ dân có thu nhập ổn định từ nghề nuôi thỏ.
Muốn thành công phải sẵn sàng đương đầu với thất bại
Thế nhưng, thành công không đến dễ dàng đối với anh Tùng và các thành viên hợp tác xã. Đại dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài nhiều năm từng khiến trang trại thỏ của hợp tác xã rơi vào cảnh chao đảo, thậm chí có người đã phá sản.
“Trước dịch, đối tác Nhật Bản đều đặn nhập 3.000 con mỗi tháng. Khi dịch bùng phát, số lượng sụt còn chưa đến 500 con. Trong khi chi phí thức ăn mỗi tháng lên tới cả trăm triệu đồng, khiến tôi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan”, anh Tùng kể.
Để duy trì đàn thỏ, vợ chồng anh đành rút sạch tiền tiết kiệm, bán luôn 2 chiếc ô tô để lấy vốn. Thậm chí có lúc, anh từng nghĩ đến việc bỏ cuộc, nhưng rồi lại tự nhủ bản thân rằng nếu bỏ cuộc, sẽ mất trắng tất cả.
“Các thành viên hợp tác xã phải mua rau ngoài chợ về cho thỏ ăn để duy trì đàn. Nhiều người còn thử dùng bã bia, thức ăn tự chế, nhưng hậu quả là thỏ chậm lớn, chết hàng loạt. Có chuồng thiệt hại đến 300 triệu đồng”, anh Tùng kể lại.

Thức ăn cho thỏ được anh Tùng chế biến tại chỗ, giúp giảm chi phí chăn nuôi. Ảnh: Quốc Toản.
Mặc dù dịch Covid-19 diễn ra phức tạp và kéo dài, hàng hóa tiêu thụ chậm nhưng giá thức ăn công nghiệp không những không giảm mà còn tăng cao, chất lượng lại không ổn định, khiến người chăn nuôi thỏ lao đao.
“Có lần, thỏ ăn cám mua về bị tiêu chảy hàng loạt, chết không rõ nguyên nhân. Khi lấy mẫu phân tích thì người ta cho rằng do nước nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm hàng chục năm nuôi thỏ, tôi không nghĩ vậy. Trang trại của gia đình đã đầu tư cả hệ thống lọc hàng chục triệu đồng nên rất khó xảy ra chuyện thỏ chết đồng loạt vì nguồn nước. Tôi cho rằng thỏ nhiễm bệnh, tiêu chảy là do thức ăn chưa đảm bảo”.
Cũng từ lần đó, trang trại thỏ của anh Tùng đoạn tuyệt với thức ăn công nghiệp và bắt tay vào việc nghiên cứu công thức phối trộn thức ăn chăn nuôi. Ban đầu, anh Tùng phối trộn các nguyên liệu có sẵn như ngô, lúa, gạo… nhưng thỏ ăn không lớn, thậm chí hao hụt sản lượng thịt. Anh tiếp tục mày mò nghiên cứu, đồng thời nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia dinh dưỡng để học cách cân đối chất xơ, khoáng chất, vitamin và đạm...
Sau hơn một năm thử nghiệm với nhiều lần thất bại và tốn kém chi phí không nhỏ, đến năm 2024, anh Tùng đã thành công tạo ra công thức dinh dưỡng riêng cho đàn thỏ. Với loại thức ăn tự chế biến tại chỗ, thỏ ăn nhiều, tăng trọng nhanh, đề kháng tốt, nhờ đó, chi phí chăn nuôi giảm từ 30-40%. Từ chỗ phụ thuộc vào nguồn thức ăn công nghiệp, giờ đây, trại thỏ của anh Tùng đã chủ động hoàn toàn, kể cả trong những thời điểm thị trường biến động.

Dây chuyền chế biến cám thỏ được anh Tùng đầu tư hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Quốc Toản.
Hiện tại, cơ sở chính của anh Tùng đang nuôi hơn 1.000 thỏ bố mẹ và 700 thỏ thịt, được chăm sóc theo tiêu chuẩn khắt khe. Trang trại thỏ đang trong thời điểm tái đầu tư nên cơ bản lợi nhuận anh Tùng tái sử dụng vào đầu tư cơ sở vật chất, tuy vậy, mỗi năm anh Tùng vẫn để ra được 400 - 500 triệu đồng từ bán thỏ.
Để vực dậy hợp tác xã sau những ngày tháng lao đao, anh Tùng tiếp tục đứng ra bao tiêu sản phẩm cho các hộ cùng làm, đồng thời chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho các hộ cùng làm.
“Muốn thành công phải biết chấp nhận thất bại. Thành công của tôi hôm nay đến từ thất bại. Mỗi lần vấp ngã là mỗi lần tôi tích lũy thêm kinh nghiệm và không ngừng tìm tòi, học hỏi điều mới mẻ”, anh Nguyễn Công Tùng chia sẻ.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nuoi-tho-loi-nhuan-khong-nho-d751729.html