| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 21/05/2025 - 06:02

Thủy sản

Nuôi biển tiên tiến - xu hướng tất yếu: [Bài 3] Tạo động lực từ chính sách

Thứ Tư 21/05/2025 - 06:01

Để nuôi biển bằng công nghệ tiên tiến vùng biển xa phát triển thì rất cần cơ chế chính sách để người người dân, doanh nghiệp an tâm đầu tư.

Người dân hưởng ứng

Theo ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ngày 24/1/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 231/QĐ-TTg phê duyệt đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa.

Nuôi biển ở tỉnh Khánh Hòa có bước tiến vượt bậc. Ảnh: KS.

Nuôi biển ở tỉnh Khánh Hòa có bước tiến vượt bậc. Ảnh: KS.

Đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa nhằm mục tiêu phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển) tỉnh Khánh Hòa theo hướng: góp phần tăng năng suất, giá trị ngành nuôi trồng thủy sản và nâng cao thu nhập của người nuôi biển, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan thông qua việc giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội, hướng tới xuất khẩu thủy sản với tiêu chuẩn cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cùng với đó, bảo vệ môi trường biển, hướng tới phát triển kinh tế biển bền vững, từng bước hình thành vùng nuôi biển từ 3 đến 6 hải lý, vừa đảm bảo phát triển kinh tế biển, vừa giảm áp lực nuôi biển ven bờ. Đề án còn hướng mục tiêu bảo đảm giảm thiểu xung đột về không gian phát triển giữa các ngành kinh tế tại các khu vực nuôi biển.

Mục tiêu cụ thể mà đề án hướng tới, trên vùng biển đến 3 hải lý, diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 240 ha, sản lượng đạt hơn 3.600 tấn. Còn vùng biển từ 3 đến 6 hải lý, diện tích thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao đạt 200 ha, sản lượng đạt hơn 5.100 tấn. Thời gian thực hiện thí điểm đến hết năm 2029.

Ông Vũ Khắc Mười, hộ nuôi trồng thủy sản ở TP Nha Trang bày tỏ phấn khởi và cho biết, nghề nuôi trồng thủy sản mang lại sinh kế cho người dân nhưng đối diện nhiều khó khăn thách thức do nuôi gần bờ gây ô nhiễm môi trường, lồng nuôi bằng gỗ thô sơ dễ bị thiệt hại do gió bão, nuôi quy mô nhỏ lẻ nên chất lượng sản phẩm không cao.

Sau khi tham quan mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao ở vùng biển hở tại xã Cam Lập, ông nhận thấy hiệu quả vượt trội, lồng nuôi HDPE thích ứng với thiên tai, sản phẩm chất lượng tốt. Trước hiệu quả đó, khi tỉnh nhân rộng mô hình này, ông và 4 hộ khác ở phường Phước Long cũng đã tham gia đề án thí điểm nuôi biển công nghệ cao, triển khai tại khu vực Đầm Bấy.

Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh nuôi biển công nghệ cao. Ảnh: KS.

Tỉnh Khánh Hòa tiếp tục đẩy mạnh nuôi biển công nghệ cao. Ảnh: KS.

Đến nay, tại vịnh Nha Trang, mô hình nuôi biển bằng cụm lồng HDPE kết hợp du lịch đã hình thành tại khu vực Đầm Bấy. Còn vùng biển Hòn Nội lần đầu tiên trong lịch sử ở Khánh Hòa, người dân đã mạnh dạn triển khai cụm lồng nuôi trên biển hở, cách bờ 3 - 6 hải lý. Việc chủ động triển khai, nhân rộng mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao trên các vùng biển hở là tiền đề quan trọng để tỉnh thực hiện thành công đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa.

Xây dựng cơ chế chính sách cho nuôi biển tiên tiến

Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa giao Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành tiêu chí, phân loại lồng bè ở các mức tiêu chuẩn, công nghệ cao khác nhau (phù hợp với khu vực, vùng nuôi, quy mô nuôi, cấp bão chịu đựng...) để áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, tham mưu tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển và kinh phí mua bảo hiểm tai nạn cho người lao động làm việc trên lồng bè và trên các phương tiện phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển; hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm rủi ro thiên tai đối với đối tượng thủy sản nuôi trên biển; hỗ trợ để thực hiện chuyển đổi lồng bè nuôi biển bằng vật liệu truyền thống sang lồng bè nuôi biển bằng vật liệu mới.

Ngoài ra, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ con giống, vật tư đầu vào, vật liệu làm lồng, nuôi thương phẩm đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi sản xuất. Thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển. Đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trên biển, bao gồm hệ thống phao tiêu, đèn báo ranh giới khu vực nuôi, hệ thống neo lồng bè…

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường tham quan mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao ở tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường tham quan mô hình thí điểm nuôi biển công nghệ cao ở tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

UBND tỉnh giao Sở Tài chính, Sở Công Thương và Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Phong chủ trì, thực hiện kêu gọi các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đầu tư đồng bộ các khâu vào phát triển nuôi biển. Ưu tiên các mô hình tổ chức liên kết, liên doanh sản xuất giữa các khâu từ ương giống, sản xuất, cung cấp thức ăn, nuôi thương phẩm và tiêu thụ sản phẩm.

UBND tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất giống thủy sản chủ động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong sản xuất giống để sản xuất, ương dưỡng con giống, đảm bảo chất lượng phục vụ nuôi thương phẩm. Các cá nhân, hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư các lồng nuôi bằng vật liệu mới và các công nghệ bổ trợ để nâng cao năng suất, sản lượng thủy sản nuôi biển…

Còn tại tỉnh Ninh Thuận, với lợi thế về biển, địa phương đang tập trung triển khai Đề án của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Môi trường về phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển. Theo đó, địa phương đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển vùng nuôi biển trên 2.000 ha tại khu vực C1 và C2 thuộc khu vực huyện Ninh Hải; trong đó khu vực C1 có diện tích 742 ha; khu vực C2 trên 1.301 ha. Đồng thời thúc đẩy phát triển nghề nuôi biển theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, quy trình sản xuất tiên tiến gắn với bảo vệ môi trường.

Để thu hút đầu tư vào nghề nuôi biển, tỉnh Ninh Thuận sẽ vận dụng linh hoạt các giải pháp tại Quyết định số 1408/QĐ-TTg ngày 16/08/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030. Tỉnh lồng ghép hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nuôi biển vào chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản của tỉnh.

Đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các vùng nuôi đã được quy hoạch, hỗ trợ chuyển giao ứng dụng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nuôi biển. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Thuận còn đề ra giải pháp về cơ chế chính sách vay vốn ưu đãi tín dụng hỗ trợ người nuôi chuyển đổi từ lồng nuôi truyền thống sang ứng dụng nuôi công nghệ cao, lồng HDPE...

Ngày 20/2/2025, UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt quyết định vị trí, tọa độ, diện tích khu vực biển trong phạm vi 3 hải lý và từ 3 - 6 hải lý để nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Theo đó, toàn tỉnh có 23 khu vực nuôi biển công nghệ cao, trong đó 15 khu vực thuộc vùng biển đến 3 hải lý với tổng diện tích trên 1.443 ha và 8 khu vực thuộc vùng biển từ 3 đến 6 hải lý với diện tích khoảng 1.273 ha.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nuoi-bien-tien-tien--xu-huong-tat-yeu-bai-3-tao-dong-luc-tu-chinh-sach-d752779.html