Thứ tư 30/04/2025 - 20:32
Chăn nuôi
Nuôi 7.000 gà lấy trứng, nông dân lỗ gần 2 triệu đồng mỗi ngày
Thứ Tư 30/04/2025 - 20:26
Giá trứng hiện quanh mốc 1.300 - 1.400 đồng/quả và theo dự đoán, sau dịp lễ 30/4 và 1/5, có thể tụt xuống 1.000 - 1.100 đồng/quả.
- Giá trứng gia cầm giảm, hợp tác xã lao đao
- Mất cả chì lẫn chài vì chủ quan với dịch cúm gia cầm
- Bình Phước chú trọng phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị
- Khánh thành nhà máy ấp trứng gia cầm đầu tiên của Bel Gà tại miền Bắc
Giá trứng giảm sâu từ cuối năm 2024
Hơn 9 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, anh Nguyễn Chí Phương (1984), thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc không ngờ có lúc lại rơi vào tình cảnh "nuôi càng nhiều, lỗ càng lớn".
Trước đây, anh từng nuôi gà màu, gà bố mẹ, nhưng nhận thấy tiềm năng từ mô hình gà đẻ trứng, anh quyết định chuyển hướng. Tổng đàn gà hiện tại của gia đình anh là 7.000 con, mỗi ngày cho ra khoảng 5.000 quả trứng, với tỷ lệ đẻ bình quân đạt 80 - 90%. Đầu ra không phải là vấn đề đáng lo ngại, nhưng giá cả lại đang kéo lùi mọi nỗ lực.
“Trong 9 năm làm chăn nuôi, từ năm ngoái đến nay thực sự là giai đoạn khó khăn nhất. Giá trứng thấp khiến bà con thua lỗ rất nhiều. Hiện, giá trứng chỉ ở mức 1.300 - 1.400 đồng/quả, trong khi giá thành lên tới 1.600 - 1.700 đồng/quả. Như vậy tôi đang lỗ 300 - 400 đồng/quả, với 5.000 quả mỗi ngày, tính ra lỗ gần 2 triệu đồng/ngày”, anh Phương chia sẻ.

Anh Nguyễn Chí Phương, thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc cho biết, giá trứng giảm sâu từ cuối năm ngoái, nhưng tình hình trở nên tồi tệ hơn vào đầu năm nay. Ảnh: Hồng Thắm.
Anh Nguyễn Chí Phương bày tỏ: “Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là giá cả ổn định. Nếu giá trứng ở mức 1.900 - 2.000 đồng/quả thì những người người chăn nuôi như chúng tôi chỉ mong trời mau sáng để chăm sóc đàn gà của mình, còn như hiện nay thì càng nuôi càng kiệt quệ”.
Anh Phương phân chia trang trại thành 3 khu chuồng riêng biệt, trong đó có 1 chuồng chuyên nuôi gà bằng thức ăn thảo dược. Anh tận dụng cá khô, rau ngải cứu, các loại rau xanh... phơi khô rồi ép lại làm thức ăn.
Chuồng này mỗi ngày cho ra khoảng 1.000 - 1.200 quả trứng sạch, bán với giá cao hơn (khoảng 4.000 đồng/quả). Đây cũng là nguồn thu “cứu cánh” trong giai đoạn khó khăn khi toàn bộ trứng gà thường đều đang bị bán dưới giá thành.
Tuy nhiên, đầu ra cho trứng sạch cũng không hề dễ dàng. “Bán cho siêu thị thì phải có đầy đủ chứng chỉ, kiểm định chất lượng, rồi còn phí đầu vào nữa. Tôi chưa có đủ điều kiện nên chủ yếu vẫn bán cho người dân quanh vùng”, anh Phương nói.
Anh Phương cho hay, giá trứng giảm sâu từ cuối năm ngoái, nhưng tình hình trở nên tồi tệ hơn vào đầu năm nay, có thời điểm chỉ còn 1.100 - 1.200 đồng/quả. Hiện nay giá trứng dao động ở mức 1.300 - 1.400 đồng/quả. Theo dự đoán, sau dịp lễ 30/4 và 1/5, giá còn có thể tụt xuống mức 1.000 - 1.100 đồng/quả. Đây điều mà anh Phương và nhiều hộ chăn nuôi lo sợ nhất.
Liên kết sản xuất để chủ động đầu vào - đầu ra
Ông Vũ Hoàng Lân, Trưởng phòng Chăn nuôi - Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc cho biết, hiện nay toàn tỉnh có hơn 12 triệu con gia cầm. Tuy nhiên, trong suốt một năm qua, giá các sản phẩm như trứng và thịt gia cầm đều thấp hơn giá thành sản xuất, dẫn đến thua lỗ kéo dài, người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh yếu tố thị trường, những yếu tố về dịch bệnh dù chỉ xảy ra ở mức độ nhỏ lẻ nhưng phần nào cũng ảnh hưởng đến công tác sản xuất cũng như kế hoạch sản xuất của các hộ chăn nuôi nói chung, gia cầm nói riêng.

Hiện, giá trứng chỉ ở mức 1.300 - 1.400 đồng/quả, trong khi giá thành lên tới 1.600 - 1.700 đồng/quả. Ảnh: Hồng Thắm.
Từ thực tế đó, ông Lân khuyến cáo người dân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước hết là thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học để giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và bảo vệ đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là yếu tố then chốt. Bà con có thể áp dụng các quy trình chăn nuôi VietGAP, hữu cơ hoặc theo hướng hữu cơ để tạo ra được sản phẩm chất lượng, có thương hiệu nhằm tiếp cận được các thị trường chất lượng cao.
Khi xây dựng được chuỗi liên kết, người chăn nuôi cũng chủ động được hơn trong việc kiểm soát đầu vào - đầu ra, giảm chi phí sản xuất và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Trước nhiều khó khăn, Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc đang tích cực hỗ trợ các hộ nuôi những sản phẩm chế phẩm sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm trong quá trình chăn nuôi. Việc này không chỉ giúp cải thiện môi trường sống cho vật nuôi, bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi mà còn góp phần nâng cao năng suất và đảm bảo sự phát triển bền vững cho toàn bộ hệ thống chăn nuôi.
Song song đó, ông Lân cho biết: “Trung tâm Khuyến nông Vĩnh Phúc cũng xây dựng các mô hình, đặc biệt là mô hình chăn nuôi theo VietGAP”.
“Thông qua các mô hình này, các hộ chăn nuôi được hướng dẫn áp dụng đúng quy trình theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp chứng nhận sau mỗi lứa nuôi. Những chứng nhận này là cơ sở khẳng định sản phẩm đạt giá trị và quy chuẩn, từ đó nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh và giúp bán được giá cao hơn so với sản phẩm chăn nuôi đại trà”, ông Lân chia sẻ.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nuoi-7000-ga-lay-trung-nong-dan-lo-gan-2-trieu-dong-moi-ngay-d750880.html