| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 24/04/2025 - 16:00

Chăn nuôi

Nuôi 45 chồn hương bố mẹ, thu về 300 triệu đồng mỗi năm

Thứ Năm 24/04/2025 - 07:23

Với 45 con chồn hương bố mẹ sinh sản, anh Nguyễn Quốc Vượng ở Quảng Bình có nguồn thu đều đặn 300 triệu đồng mỗi năm.

Khi chúng tôi về thăm, anh Nguyễn Quốc Vượng (xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình) đang làm vệ sinh môi trường ở xung quanh khu vực trại nuôi chồn hương (còn gọi là cầy hương).

Đón khách vào nhà, anh Vượng trò chuyện: “Tôi đã có gần 7 năm nuôi cầy hương. Con giống của gia đình cũng đã cung cấp cho hơn 20 hộ nuôi trong vùng và các địa phương lân cận. Nhờ con giống đảm bảo chất lượng nên bà con nuôi cũng thuận lợi lắm”.

Anh Vượng cho chồn hương ăn chuối chín trong khu trại nuôi. Ảnh: T. Phùng.

Anh Vượng cho chồn hương ăn chuối chín trong khu trại nuôi. Ảnh: T. Phùng.

Chuyển hướng nuôi gà đồi sang nuôi chồn hương

Trước đây, anh Nguyễn Quốc Vượng thường phụ giúp bố chăm lo việc nuôi gà thả đồi. Qua mấy năm, anh suy tính tìm kế sách nuôi con gì khác ngoài gà. “Kể ra nuôi gà thả đồi cũng lắm rủi ro do nhiều dịch bệnh mà lãi cũng không được nhiều, khó làm giàu. Từ đó, tôi tính chuyện đi xa hơn là tìm tòi loài vật nuôi mới, có giá trị kinh tế cao mới có thu nhập cao”, anh Vượng tâm sự.

Gần một năm tìm tòi, tham khảo trên hệ thống truyền thông, trên mạng internet, cuối cùng anh Vượng định hướng cho mình nghề nuôi cầy hương vì thấy vùng quê gò đồi mình đang sống trước đây cũng có loại động vật hoang dã này.

Thấy chàng thanh niên quê ở tận Quảng Bình xa xôi lặn lội vào học hỏi nghề, ông chủ trại cầy hương ở Bình Dương đồng ý bán cho anh Vượng 13 cặp giống mà chỉ lấy vốn 50 triệu đồng. Mừng như bắt được vàng, anh Vượng đón xe về nhà ngay trong đêm thay vì ngủ lại đến hôm sau.

Vận dụng hết kiến thức học hỏi được, anh Vượng dành nhiều thời gian chăm sóc đàn cầy hương giống. Tuy nhiên, lưng vốn, kinh nghiệm ít nên đàn chồn hương bị bệnh chết mất 3 cặp, song bù lại anh Vượng có được thêm chút kinh nghiệm thực tế từ trại nuôi của mình.

Cuối năm 2021, sau khi mua nhầm phải cặp chồn hương sinh sản không rõ nguồn gốc, đàn chồn của gia đình anh Vượng bị lây nhiễm bệnh. Mỗi ngày, cứ nhìn những con cầy hương ủ rũ rồi chết anh Vượng đắng lòng mà chưa biết phải làm sao. Sau đó, đàn vật nuôi chết gần hết, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng.

“Lúc khó khăn nhất tôi nghĩ sẽ bỏ nghề vì không còn vốn. Nhưng may sao có người bạn giới thiệu được ông bác sỹ thú y giỏi, ông đã giúp và hướng dẫn cách phòng bệnh, chữa bệnh nên tôi đã giữ lại được 10 cặp giống để làm vốn như ngày đầu khởi nghiệp”, anh Vượng nhớ lại.

Con cầy hương đực đầu đàn tại nhà anh Vượng khi thấy người lạ đến dò xét bảo vệ lãnh địa. Ảnh: T. Phùng.

Con cầy hương đực đầu đàn tại nhà anh Vượng khi thấy người lạ đến dò xét bảo vệ lãnh địa. Ảnh: T. Phùng.

Mấy năm sau, anh Vượng đầu tư khu chuồng trại được mở rộng thêm trên diện tích khoảng 300m2. Trong chuồng, anh bố trí làm thành 4 dãy, mỗi dãy có 3 tầng, chia thành từng ô nhỏ để nuôi riêng sao cho mỗi con vật được bố trí 1 “phòng” độc lập.

Trong mỗi ô chuồng, anh Vượng đặt một rá nhựa đỏ hình chữ nhật để làm nơi cho cầy hương làm tổ. Có mấy ô chuồng, cả cầy mẹ và cầy con quay tròn ngủ say trong rá nhựa. Riêng con cầy đực đầu đàn với vóc dáng to lớn hơn không mấy khi đứng yên. Thậm chí, khi anh Vượng mở cửa, nó còn thò hẳn người ra ngoài nhìn như dò hỏi.

"Ngoài việc cũng cấp ra thị trường cầy hương giống gia đình tôi còn bán cầy hương thương phẩm. Việc tăng đàn bố mẹ vẫn theo mức phát triển hằng năm. Qua đó, mình chủ động hơn trong việc chăm sóc, thức ăn và đầu ra. Nếu phát triển nhanh quá sẽ gặp sự cố trong quá trình nuôi”, anh Vượng chia sẻ.

Khác với những chủ nuôi khác là kiêng cữ người lạ vào khu trại cầy hương, anh Vượng hướng dẫn chúng tôi khử trùng tay chân trước khi vào khu chuồng nuôi. Một trong những quy trình bắt buộc để tránh lây lan bệnh cho vật nuôi.

Hướng đến chuỗi sản xuất chồn thương phẩm

Qua gần 7 năm gắn bó với cầy hương, anh Vượng cũng đã vững tâm khi nói chuyện với chúng tôi về những kinh nghiệm trong nghề nuôi mới này. Bí quyết đầu tiên mà anh Vượng cho chúng tôi hay đó là phải chọn con giống khỏe mạnh dù có đắt tiền mua. Thời gian từ khi mua giống “baby” (cách gọi của người nuôi cho con giống cầy hương) về trại chăm sóc tốt sau thời gian 10 đến 12 tháng sẽ vào giai đoạn sinh sản.

“Phải chọn đúng thời điểm cầy sinh sản động đực để bố trí ở ghép với chồn đực để phối giống. Khi chồn sinh sản phối được giống phải tách ra chuồng riêng ngay để tránh chúng cắn phá làm tổn thương nhau”, anh Vượng cho biết.

Anh Vượng chia sẻ thêm, gia đình nào ở vùng nông cũng có ao cá, vườn chuối, ddaay là những điều kiện rất tốt để nuôi cầy hương giúp giảm chi phí thức ăn cho vật nuôi. Thức ăn cho cầy hương chủ yếu là cháo gạo đặc. Khi nấu cháo cho các loại cá vào nồi để tăng thêm dinh dưỡng. Thỉnh thoảng, thay đổi cá bằng các loại xương thịt lợn, trâu, bò hoặc đầu chân, cổ cánh gà. Thức ăn thứ hai mà cầy hương thích là chuối chín.

“Nói chung là thức ăn trong quá trình nuôi chủ yếu cháo gạo nấu đặc và chuối chín. Tuy nhiên, cầy hương là loại vật nuôi cũng không phải tốn nhiều thức ăn”, anh Vượng cho hay.

Anh Vượng thường xuyên vệ sinh, rắc vôi bột để khử khuẩn xung quanh trại nuôi cầy hương. Ảnh: T. Phùng.

Anh Vượng thường xuyên vệ sinh, rắc vôi bột để khử khuẩn xung quanh trại nuôi cầy hương. Ảnh: T. Phùng.

Nói thêm về chuồng trại, anh Vượng cho rằng phải “đông che, hè thoáng”, chứ không nên “bưng kín”. Cầy hương là loại rất dể bị bệnh đau bụng đi phân lỏng. Vì vậy, người nuôi cần chú trọng khâu thực phẩm, không nên để ôi, thiu. Chuồng trại phải dọn vệ sinh hằng ngày. “Phải rắc vôi bột xung quanh khu trại và bơm, phun thuốc tiêu độc khử trùng khi người nhà đi xa về để ngăn ngừa dịnh bệnh có thể xảy ra”, anh Vượng nói thêm..

Mỗi năm, cầy hương sinh sản 2 lứa, mỗi lứa đầu tiên có 2-3 con, những lứa sau tăng lên từ 3-5 con hoặc có thể nhiều hơn. Quá trình nuôi tốt sau 3-4 tháng cầy con có thể xuất bán giống với trọng lượng từ 1,2 - 1,5 kg/con. Lúc này giá bán vào khoảng 10 triệu đồng/một đôi.

“Đối với cầy nuôi thương phẩm khoảng 8-10 tháng, có thể xuất chuồng với trọng lượng từ 3-3,5 kg/con và giá bán từ 1,4-1,5 triệu đồng/kg”, anh Vượng trò chuyện.

Có kinh nghiệm nên việc phát triển đàn của anh Vường ngày một thuận lợi. Năm 2024, tổng đàn chồn hương tăng lên 150 con. Anh Vượng tâm sự, mới bán 30 cặp con giống, thu về hơn 300 triệu đồng. Hiện, trại nuôi của anh có gần 130 con cầy hương, trong đó có 45 bố mẹ, số còn lại là đàn hậu bị, baby.

“Sau khi ổn định đưa tổng đàn lên khoảng 150 con tôi sẽ mở rộng liên kết với các hộ nuôi, tìm kiếm đối tác tiêu thụ theo hướng liên doanh nhà hàng để chủ động khâu đầu ra và mong muốn đưa ra sản phẩm có giá thấp cho người tiêu dùng”, anh Nguyễn Quốc Vượng chia sẻ kế hoạch trong tương lai.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nuoi-45-chon-huong-bo-me-thu-ve-300-trieu-dong-moi-nam-d747184.html