Thứ sáu 25/04/2025 - 10:37
Biến đổi khí hậu
Nông nghiệp chuyển đổi xanh để ứng phó biến đổi khí hậu
Thứ Sáu 25/04/2025 - 10:34
Chuyển đổi xanh trong nông nghiệp là yếu tố then chốt để Hải Phòng ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực bền vững.
- Xâm nhập mặn 'đe dọa' xóa sổ vùng lúa - rươi của Hải Phòng
- Miền Tây vượt qua đỉnh điểm mùa khô hạn
- Bảo vệ 20.000ha vườn cây ăn trái trước hạn, mặn
Xu thế tất yếu
Trước thực tế biến đổi khí hậu đang diễn ra, TS. Bùi Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng cho biết, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp là giải pháp then chốt để ứng phó, vừa giúp bảo vệ môi trường vừa đảm bảo an ninh lương thực bền vững.

Cánh đồng lúa rộng hàng chục hecta tại xã Ninh Sơn, TP. Thủy Nguyên. Ảnh: Đinh Mười.
Hải Phòng là thành phố có nhiều cảng biển, hoạt động công nghiệp diễn ra sôi động, tuy nhiên, diện tích sản xuất nông nghiệp còn lớn với quy mô 75.000 ha cây hàng năm (chủ yếu là lúa), 8.000 ha cây lâu năm, hàng trăm nghìn con lợn, gần 9 triệu con gia cầm và hơn 10.000 ha nuôi trồng thủy sản.
Theo thống kê sơ bộ, lĩnh vực nông nghiệp chiếm 18,4% tổng lượng phát thải khí nhà kính
Trong những năm gần đây, diện tích đất nông nghiệp liên tục giảm, tuy nhiên nhờ tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, giá trị sản xuất nông nghiệp luôn duy trì tốc độ tăng trưởng, có đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế và ổn định an sinh xã hội của TP. Hải Phòng, nhất là khu vực nông thôn.
Dù vậy, bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực gây phát thải khí nhà kính tương đối cao. Trong đó, phát thải từ lĩnh vực trồng lúa nước chiếm 50%, chăn nuôi chiếm 19%, quản lý đất và sử dụng phân bón chiếm 13%.
Các hoạt động chính gây phát thải khí nhà kính như: sản phẩm phụ trồng trọt bị bỏ lại trên đồng ruộng, đốt rơm rạ, bao bì và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; nước thải và chất thải, cũng như dư lượng chất kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi; nạo vét bùn trong ao nuôi,… Đây là những vấn đề ngành nông nghiệp cần phải tập trung giải quyết để tiến tới nền nông nghiệp xanh, bền vững.

TS. Bùi Thanh Tùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hải Phòng (bìa trái) kiểm tra một cánh đồng lúa ở huyện Tiên Lãng bị thiệt hại nặng nề sau bão Yagi. Ảnh: Đinh Mười.
Hiện nay, chuyển đổi xanh trong ngành nông nghiệp đang trở thành yếu tố then chốt trong nỗ lực toàn cầu nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực bền vững. Do đó, chuyển đổi xanh đang là xu hướng khách quan, ưu tiên lựa chọn, định hướng phát triển của nhiều quốc gia, là cơ hội mở ra cánh cửa cho sự đổi mới, tạo ra những nguồn lực mới và mở ra các thị trường mới.
“Mục tiêu đến năm 2030 của Hải Phòng là tăng trưởng GRDP nông nghiệp bình quân đạt 1,1%/năm; chiếm 4-5% GRDP của thành phố. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng này, trong điều kiện diện tích đất nông nghiệp tiếp tục bị thu hẹp thì giải pháp trọng tâm để đạt được mục tiêu này là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh; quy mô sản xuất tập trung, hàng hoá; bảo đảm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng”, TS. Bùi Thanh Tùng cho hay.
Cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp
Cũng theo TS. Bùi Thanh Tùng, thực hiện chuyển đổi xanh trong nông nghiệp, TP. Hải Phòng có nhiều thuận lợi như: có nhiều nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp; cơ sở hạ tầng trong nông nghiệp, nông thôn khang trang; khoa học công nghệ ngày càng phát triển và đặc biệt là sự quan tâm của các cấp, các ngành.

Sản xuất nhỏ, manh mún vẫn là chủ yếu gây khó khăn cho việc thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn để chuyển đổi xanh trong nông nghiệp. Ảnh: Đinh Mười.
Tuy nhiên,nhiều khó khăn, thách thức trước mắt cần TP. Hải Phòng giải quyết như: Sản xuất nhỏ, manh mún vẫn là chủ yếu trong khi cần thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn để chuyển đổi xanh và đảm bảo an ninh lương thực; hạ tầng thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất quy mô lớn và chuyển đổi xanh; biến đổi khí hậu tác động sâu sắc đến nông nghiệp, gây xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt; nhận thức về tăng trưởng xanh còn hạn chế, thể chế chuyển đổi xanh chưa đầy đủ; lao động nông nghiệp ngày càng già, thiếu lao động am hiểu về chuyển đổi xanh.
Một trong những điểm mấu chốt để chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp là sản xuất tập trung, hàng hóa quy mô lớn. Chỉ có sản xuất quy mô lớn mới có nền tảng để đầu tư hệ thống hạ tầng, thiết bị, khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn, sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái.
Để phát triển nông nghiệp xanh và bền vững, giảm lượng chất thải gây ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, TS. Bùi Thanh Tùng đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới. Đầu tiên, cần tăng cường truyền thông và tuyên truyền về lợi ích của nông nghiệp xanh đến nông dân và người tiêu dùng. Thứ hai, cần thay đổi tập quán canh tác và tiêu thụ nông sản theo hướng "xanh hóa" cho người nông dân.

Một trong những điểm mấu chốt để chuyển đổi xanh trong lĩnh vực nông nghiệp đó là sản xuất tập trung, hàng hóa quy mô lớn. Ảnh: Đinh Mười.
Thứ ba, cần xây dựng và thực thi các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, bền vững. Thứ tư, cần tăng cường việc nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xanh kết hợp với thực tiễn sản xuất. Cuối cùng, cần bảo vệ nguồn nước ngọt và rừng hiện có cũng là các biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường sống và nâng cao giá trị kinh tế từ rừng.
Chuyển đổi xanh là đòi hỏi và xu hướng thời đại, mang tầm vóc toàn cầu, đang trở thành ưu tiên hàng đầu trên hành trình hướng tới hội nhập, phát triển bền vững. Chuyển đổi nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh rất cần toàn xã hội, toàn dân và hệ thống chính trị thành phố vào cuộc, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, khoa học kỹ thuật, để quá trình chuyển đổi xanh nông nghiệp Hải Phòng nhanh và hiệu quả.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nong-nghiep-chuyen-doi-xanh-de-ung-pho-bien-doi-khi-hau-d747977.html