| Hotline: 0983.970.780

Thứ hai 05/05/2025 - 10:11

Nông nghiệp

Nông dân Sơn La hào hứng nuôi thả 'lực lượng phòng thủ' trong nhà màng

Thứ Hai 05/05/2025 - 10:01

Dự án 'Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai' hỗ trợ nông dân tỉnh Sơn La nuôi thả thiên địch nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.

Nông dân thực hành rắc nhện bắt mồi được trộn cùng cám lúa mì lên lá ớt chuông để tiêu diệt sâu, nhện hại. Ảnh: Kiều Chi.

Nông dân thực hành rắc nhện bắt mồi được trộn cùng cám lúa mì lên lá ớt chuông để tiêu diệt sâu, nhện hại. Ảnh: Kiều Chi.

Tại mô hình trồng rau trong nhà màng không sử dụng đất, gần 60 hộ nông dân, chủ vườn ươm, hộ kinh doanh địa phương và cán bộ khuyến nông tại thị xã Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã được tập huấn nhận biết, áp dụng trực tiếp phương pháp thả thiên địch trên cây ớt chuông và dưa lưới.

Hoạt động diễn ra trong khuôn khổ Dự án "Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai" do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) và Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) hợp tác triển khai.

Chuyện gia FAO tại Việt Nam giới thiệu, hướng dẫn nông dân Mộc Châu sử dụng các loài thiên địch trong phòng trừ sâu, nhện hại cây trồng. Ảnh: Kiều Chi.

Chuyện gia FAO tại Việt Nam giới thiệu, hướng dẫn nông dân Mộc Châu sử dụng các loài thiên địch trong phòng trừ sâu, nhện hại cây trồng. Ảnh: Kiều Chi.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Tùng, chuyên gia của FAO tại Việt Nam, trong tự nhiên, các loài thiên địch như nhện và bọ xít ăn mồi, ong ký sinh, bọ rùa là giải pháp kiểm soát sinh vật hại hiệu quả, thân thiện với môi trường.

Thiên địch có thể kiểm soát các loài gây hại phổ biến như bọ trĩ, bọ phấn trắng, rệp và nhện đỏ thường tấn công các loại rau có giá trị cao như ớt chuông, cà chua và xà lách. Các loài côn trùng thiên địch thuộc nhóm bắt mồi ăn thịt, không ăn thực vật nên khi thả vào nhà màng sẽ không gây hại cho cây trồng, giúp kiểm soát hiệu quả các loại sâu, nhện hại.

Nông dân Sơn La hào hứng tìm hiều về các loài thiên địch để áp dụng trong sản xuất. Ảnh: Kiều Chi. 

Nông dân Sơn La hào hứng tìm hiều về các loài thiên địch để áp dụng trong sản xuất. Ảnh: Kiều Chi. 

Các hộ nông dân tham gia Dự án phấn khởi khi được tận mắt chứng kiến đa dạng các loài thiên địch. Bà con chia sẻ mong muốn nhận được hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn từ chuyên gia của Dự án để có thể sử dụng theo đúng phương pháp.

Bà Đinh Thị Thập ở phường Vân Sơn (thị xã Mộc Châu) cho biết, bà chưa dùng thiên địch ở vườn nhà nên tới mô hình của Dự án để tìm hiểu về lợi ích của các loài thiên địch. Nhà bà Thập có 700m2 nhà màng trồng cà chua nhưng gặp vấn đề với bọ phấn trắng - loài rất khó tiêu diệt bằng thuốc sinh học vì chúng bay đi rồi lại quay lại. Mỗi vụ, bà phải phun 4 đến 5 bình thuốc bảo vệ thực vật. Nếu có biện pháp hiệu quả, bà sẵn sàng áp dụng để bảo vệ sức khỏe của mình và cây trồng.

Đông đảo nông dân Mộc Châu chăm chú nghe chuyên gia FAO tại Việt Nam phổ biến, hướng dẫn phương pháp sử dụng thiên địch trong phòng trừ sinh vật hại cây trồng. Ảnh: Kiều Chi.

Đông đảo nông dân Mộc Châu chăm chú nghe chuyên gia FAO tại Việt Nam phổ biến, hướng dẫn phương pháp sử dụng thiên địch trong phòng trừ sinh vật hại cây trồng. Ảnh: Kiều Chi.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Tùng, có hai cách sử dụng nhện bắt mồi phổ biến là rắc trực tiếp nhện lên lá và treo túi chứa nhện lên cây. Với cách rắc, nhện bắt mồi được trộn với cám lúa mì rồi rắc đều lên lá. Sau đó, nhện sẽ tự tản ra khắp cây để tìm và ăn sâu, nhện hại. Hình thức rắc nhện bắt mồi thường dùng khi mật độ sâu, nhện hại cao với diện tích gây hại lớn.

Túi nhện bắt mồi được treo trên cây ớt ngọt để tiêu diệt nhện trắng - nguyên nhân gây hiện tượng xoăn ngọn trên cây ớt chuông.

Với phương pháp treo túi chứa nhện, nhện bắt mồi thường được chứa trong các túi nhỏ có giá thể và thức ăn, mỗi túi có khoảng 250 con. Sau khi treo lên cây, nhện sẽ từ từ bò ra khỏi túi, di chuyển vào các kẽ lá để tìm và tiêu diệt sâu, nhện hại, đặc biệt là bọ trĩ. Các túi nhện bắt mồi thường được treo từ đầu vụ, ngay cả khi chưa xuất hiện sâu, nhện hại để tạo “lực lượng phòng thủ” sẵn trong nhà màng.

Ớt chuông trồng trong nhà màng thường bị một số sinh vật hại và có thể phòng trừ hiệu quả bằng cách sử dụng thiên địch. Ảnh: Kiều Chi.

Ớt chuông trồng trong nhà màng thường bị một số sinh vật hại và có thể phòng trừ hiệu quả bằng cách sử dụng thiên địch. Ảnh: Kiều Chi.

Các loài nhện bắt mồi phát triển rất nhanh với vòng đời từ 7 đến 10 ngày. Nếu được sử dụng đúng cách và không bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu, quần thể sẽ tự nhân lên nhanh chóng, giúp kiểm soát sâu, nhện hại hiệu quả suốt cả vụ.

Để duy trì quần thể thiên địch trong nhà màng khi ít hoặc không có sâu, nhện hại, các cây trồng hỗ trợ (banker plant) được đưa vào trồng trong nhà màng để cung cấp phấn và mật hoa làm thức ăn thêm cho thiên địch. Một số loài thiên địch có thể sống trên các cây này như nhện bắt mồi, bọ xít bắt mồi, ong ký sinh... 

PGS.TS Nguyễn Đức Tùng thông tin, các loài thiên địch đã được nhân nuôi tại Việt Nam nên chúng thích nghi tốt với điều kiện khí hậu, cộng với điều kiện môi trường trong nhà màng, không bị ảnh hưởng mưa gió, không có các loài bắt mồi, ký sinh bậc hai nên rất thuận lợi để phát triển.

Chuyên gia FAO tại Việt Nam giới thiệu một số loài thiên địch giúp tiêu diệt sâu, nhện hại hiệu quả. Ảnh: Kiều Chi.

Chuyên gia FAO tại Việt Nam giới thiệu một số loài thiên địch giúp tiêu diệt sâu, nhện hại hiệu quả. Ảnh: Kiều Chi.

Đối với các loài thiên địch có cánh như ong ký sinh, sau khi được thả ra, chúng sẽ bay trong nhà màng để tìm kiếm sâu hại. Ong sẽ ký sinh vào trứng của sâu hại, tiêu diệt ấu trùng ngay từ giai đoạn đầu phát triển bên trong trứng, qua đó góp phần kiểm soát sâu hại từ sớm.

Chuyên gia của FAO tại Việt Nam khuyến cáo, khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nông dân thường phải phun xịt thường xuyên do sâu hại dễ kháng thuốc và nhanh tái bùng phát. Trong khi đó, sử dụng thiên địch giúp kiểm soát sâu hại một cách tự nhiên, ổn định hơn, giảm đáng kể công chăm sóc và nỗi lo về sâu, nhện hại.

Các loài thiên địch kích thước lớn như bọ xít bắt mồi (họ Pentatomidae) chuyên ăn sâu non bộ cánh vảy như sâu khoang. Chúng tấn công con mồi bằng cách tiết ra chất gây tê, sau đó hút máu, làm chết con mồi. Với những loài này, không cần rắc hay treo như nhện bắt mồi mà chỉ cần thả trực tiếp vào vườn, chúng sẽ tự do di chuyển và chủ động kiểm soát sâu hại một cách hiệu quả.

Sơn La đang khuyến khích nông dân tiên phong áp dụng biện pháp sinh học vào phòng trừ sinh vật hại cây trồng nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững. Ảnh: Kiều Chi.

Sơn La đang khuyến khích nông dân tiên phong áp dụng biện pháp sinh học vào phòng trừ sinh vật hại cây trồng nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững. Ảnh: Kiều Chi.

Theo khuyến nghị từ Viện Nghiên cứu Rau quả, sử dụng thiên địch đã được lựa chọn làm phương pháp thí điểm để thay thế thuốc bảo vệ thực vật trong việc kiểm soát sâu bệnh. 

Tỉnh Sơn La đang tích cực chuyển sang hướng sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường và khuyến khích nông dân tiên phong áp dụng biện pháp sinh học này. Với yêu cầu thị trường ngày càng cao, mục tiêu của tỉnh là phát triển sản xuất bền vững, giúp ngành rau quả của Sơn La sớm đạt chuẩn để xuất khẩu.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nong-dan-son-la-hao-hung-nuoi-tha-luc-luong-phong-thu-trong-nha-mang-d750261.html