| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 06/05/2025 - 14:41

Khoa học - Công nghệ

Nỗi cô đơn của 'Phú nhị đại'

Thứ Năm 10/03/2016 - 06:35

Tất cả con cái nhà giàu Trung Quốc đều phải đối mặt với cùng một vấn đề: chúng có mọi thứ trừ khả năng vượt qua cha mẹ. Mọi thứ chúng có được đều do, hoặc được xem là công của cha mẹ chúng./ Ai cũng ghét con nhà giàu Trung Quốc

Martin Hang, biên tập viên tạp chí Fortune Generation chuyên viết về con nhà giàu Trung Quốc, cũng là một phú nhị đại. Nhưng anh chàng 31 tuổi này đi đâu cũng được người ta giới thiệu là “con của ông Hang”, thay vì tên của mình.

10-12-15_3
Người mẫu được mời đến bữa tiệc sinh nhật của Hang (Ảnh: Bloomberg)

Một phú nhị đại họ Vương nói: “Người ta luôn bảo rằng năng lực duy nhất của anh là sinh ra trong một gia đình giàu có”.

Dưới cái bóng cha mẹ

Không ngạc nhiên khi hầu hết phú nhị đại, sau khi nghỉ hè ở Bali, nghỉ đông ở dãy núi Alps bên châu Âu, nghiên cứu triết ở Oxford và lấy bằng quản trị kinh doanh ở Đại học Stanford, rất miễn cưỡng nhận phụ trách nhà máy sản xuất nắp tút kem đánh răng của gia đình.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Columbia (Mỹ), Even Giang, 28 tuổi, đã cân nhắc tham gia công việc nhập khẩu kim cương của mẹ cô, nhưng họ bất đồng về hướng đi của công ty. Và cô đi làm cho hãng quản lý tài chính Merrill Lynch rồi quay về Thượng Hải để bắt đầu một công ty dịch vụ của riêng mình.

Lưu Giả, 32 tuổi, có cha mẹ làm chủ một công ty may mặc lớn ở tỉnh Hồ Nam, cố gắng phát triển công ty may mặc riêng sau khi tốt nghiệp. “Tôi muốn chứng tỏ năng lực của mình”, cô nói với phóng viên Bloomberg. Công ty sau đó thất bại.

Cùng với sự giàu có, con nhà giàu Trung Quốc cũng được “thừa hưởng” những sang chấn tâm lý từ cha mẹ. Cha mẹ họ lớn lên trong một thời kỳ mà xã hội đầy rẫy sự nhẫn tâm.

“Đó là thế hệ của Cách mạng Văn hóa”, phú nhị đại họ Vương, người viết cả một cuốn sách về giới nhà giàu Trung Quốc, nói. “Trong thời gian ấy, không có thứ gọi là nhân đạo”.

Bố Vương, hiệu trưởng một trường trung học ở tỉnh Quý Châu, bị các Hồng vệ binh mang ra xỉ vả, làm nhục. “Họ được nuôi lớn trong sự tàn bạo, không có chút từ tâm nào hết. Chỉ có những người thực sự mạnh mẽ mới sống sót qua thời kỳ đó”, Vương nói.

Theo anh, nhiều ông bố, bà mẹ giàu có ở Trung Quốc cũng có tính cách lạnh lùng như thế. “Rất khó để làm bạn họ, kể cả con cái”.

10-12-15_1
Vương đã viết một cuốn sách về con cái nhà giàu Trung Quốc

Jason Trương, “tài xế Uber, được gửi tới trường nội trú từ tuổi mẫu giáo dù cha mẹ cậu sống cách đó chỉ một quãng đi bộ. Có lẽ để đền bù cho sự thiếu quan tâm, họ cho cậu mọi thứ cậu muốn, trong đó có hàng trăm chiếc ô tô đồ chơi. Giáng sinh năm ngoái, cậu mua chiếc siêu xe Maserati. “Có vẻ tuổi thơ của con nhà giàu vẫn chưa chấm dứt”, Vương nói về các bạn giàu có của anh. “Tuổi thơ của họ không được thỏa mãn theo ý nghĩa nào đó và họ muốn kéo dài thời gian làm con trẻ”.

Do chính sách một con của Trung Quốc, con nhà giàu nước này thường không có anh chị hay em. Đó là lý do con cái nhà giàu thường tụ tập với nhau vào đêm thứ bảy. “Họ muốn được quan tâm. Họ muốn được yêu mến”, Vương giải thích.

Cô đơn giữa đời

Đối với thiếu gia Trương, tiệc tùng là cách chạy trốn buồn chán. Cậu đến vũ trường 5 đêm/tuần. “Nếu tôi không đi, tôi không sao ngủ được”, cậu nói. Cậu nói cậu không thiếu “bạn đồng hành”.

Hai hay ba lần một tuần, cậu gọi một gái điếm hạng sang với giá khoảng 1.000USD hoặc hơn. Trương thích trả tiền mua tình hơn là tán tỉnh một cô nào đó để rồi phải giả vờ rằng cậu có thể sẽ hẹn hò với cô ta. “Cách này trực tiếp hơn”, cậu nói. “Tôi nghĩ đây là cách tôn trọng phụ nữ”. 

Nhưng nhiều đêm, ngồi ở nhà một mình, cậu giở danh danh bạ điện thoại từ đầu đến cuối mà không tìm thấy ai cậu muốn gọi. Khi nói chuyện với phóng viên, Trương bảo cậu có một bạn gái đối xử tốt với cậu, nhưng cậu không yêu cô ta. “Anh là người đầu tiên tôi nói điều đó”, Trương bảo.

Mùa hè vừa rồi, Vương quyết định gọi cho bố để nói anh yêu ông. Ông Vương nghe điện thoại. “Con yêu bố”, Vương thiếu gia nói. Im lặng một chút. “Mày say rượu hả”, ông bố hỏi.

Với sự ban thưởng nhanh chóng không gì ngoài những tấm thẻ tín dụng và số tiền khổng lồ trong tài khoản ngân hàng từ cha mẹ, đối với nhiều phú nhị đại, tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống nhiều khi khó khăn hơn rất nhiều so với những người bình thường. Một số nhưng Giang hay Vương cảm thấy cuộc sống có mục đích hơn khi họ thoát ra khỏi cái bóng của cha mẹ, đi lệch ra khỏi đường ray mà cha mẹ họ dựng lên.

Những người khác sau khi cố đứng độc lập không được chỉ còn con đường quay về công việc của gia đình. Lưu nói cô vui khi nhận lãnh công ty may mặc của gia đình bởi điều này ít nhất cũng khiến cha mẹ cô vui, thứ tình cảm mà cái tôi nổi loạn trước đây của cô rất có thể đã từng đem ra cười nhạo.

10-12-15_2
Martin Hang

Và không phải ai cũng tìm thấy mục đích cuộc sống. Thiếu gia Trương nói công việc ở công ty sản xuất chương trình TV khó có thể coi là lý tưởng với cậu. Nhưng cậu không chắc chắn điều gì.

“Hồi còn nhỏ, tôi có rất nhiều ước mơ”, cậu nói. “Tôi muốn thành một tay đánh golf hoặc tay đua xe, hoặc làm bác sỹ, đại loại thế… Nhưng khi bạn lớn lên, bạn thấy nhiều hơn và bạn thấy một số mục tiêu chỉ là những ước mơ”. Cậu châm một điếu thuốc. “Tôi không thực sự có dự định nào. Có thể đó là điều buồn, nhưng là sự thật”.

Được hỏi có hạnh phúc không, Trương nói đó là vấn đề thái độ. “Anh có thể tìm thấy cả triệu lý do để buồn. Nhưng anh chỉ phải tìm một lý do để vui. Mỗi ngày tôi tìm một niềm vui. Lý do cho hôm nay à? Gặp anh, là tôi vui rồi”.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/noi-co-don-cua-phu-nhi-dai-d158447.html