| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 29/05/2025 - 09:44

Đất đai

Nợ xấu, nhiều doanh nghiệp bất động sản đối mặt nguy cơ mất dự án

Thứ Ba 27/05/2025 - 17:22

Dư nợ tín dụng bất động sản đã vượt ngưỡng 1,56 triệu tỷ đồng, tăng tới 20% so với cuối năm 2024. Nợ xấu khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ mất dự án.

Đó là một trong những nội dung được chuyên gia đưa ra trong hội thảo “Xử lý nợ xấu: Đâu là giải pháp hài hòa?” do Báo Tiền Phong tổ chức sáng 27/5 tại TP.HCM.

Các chuyên gia cho rằng, việc xử lý nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản không còn là một vấn đề kỹ thuật đơn thuần của riêng ngành ngân hàng mà là một vấn đề đa chiều, liên quan chặt chẽ đến các khía cạnh pháp lý và đòi hỏi sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ từ Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân. Ảnh: Thục Vy.

Các chuyên gia cho rằng, việc xử lý nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản không còn là một vấn đề kỹ thuật đơn thuần của riêng ngành ngân hàng mà là một vấn đề đa chiều, liên quan chặt chẽ đến các khía cạnh pháp lý và đòi hỏi sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ từ Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân. Ảnh: Thục Vy.

Tỷ lệ nợ xấu tăng

Theo số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng, bao gồm cả nợ tiềm ẩn rủi ro khoảng 5,46%, tương đương 1,03 triệu tỷ đồng. 

Tính đến hết tháng 3/2025, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản đạt hơn 1,56 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 260.000 tỷ đồng so với cuối năm 2024 (hơn 1,3 triệu tỷ đồng), tương ứng mức tăng 20%. Tuy nhiên, ngành bất động sản đang gặp nhiều khó khăn do thị trường trầm lắng, tiến độ gỡ vướng pháp lý còn ì ạch... Quý I/2025, tỷ lệ hình thành nợ xấu của 24 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán tăng lên 2,46%, gần bằng mức đỉnh 2,58% trong quý 1/2023.

Điều này khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản đối mặt với nguy cơ mất dự án là tài sản đảm bảo đang thế chấp tại các ngân hàng. Do đó, việc xử lý nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản không còn là một vấn đề kỹ thuật đơn thuần của riêng ngành ngân hàng. Nó đã trở thành một vấn đề đa chiều, liên quan chặt chẽ đến các khía cạnh pháp lý và đòi hỏi sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ từ Nhà nước, doanh nghiệp và cả người dân.

Chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chı́nh sách công và Quản lý Fulbright phân tích, tài sản bảo đảm giúp ngân hàng yên tâm cấp vốn, đồng thời kiểm soát rủi ro. Một cơ chế xử lý tài sản hiệu quả không chỉ bảo vệ tổ chức tín dụng trước nguy cơ nợ xấu mà còn thúc đẩy mở rộng tín dụng và củng cố niềm tin vào hệ thống tài chính. Tuy nhiên, giá trị thực sự của tài sản bảo đảm chỉ phát huy khi có thể được thu giữ và xử lý nhanh chóng, minh bạch, hợp pháp nếu người vay mất khả năng trả nợ. Quyền thu hồi tài sản trở thành công cụ pháp lý cốt lõi, đảm bảo dòng vốn lưu thông và thị trường tín dụng vận hành ổn định.

“Phần nợ xấu này kéo dài từ năm này qua tháng khác, gây thiệt hại cho ngân hàng, gây thiệt hại cho người thế chấp. Tài sản bị phong tỏa, bị kê biên, niêm phong, rõ ràng không làm gì được, không sinh lời được…gây lãng phí”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn phân tích.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đối diện nguy cơ mất dự án do nợ xấu. Ảnh: Thục Vy.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đối diện nguy cơ mất dự án do nợ xấu. Ảnh: Thục Vy.

Đảm bảo hài hòa giữa các bên

Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, để đảm bảo quyền lợi cho các bên trong việc xử lý nợ xấu, điều kiện tiên quyết là hợp đồng thế chấp phải có thỏa thuận rõ ràng về quyền xử lý tài sản mà không cần thông qua tòa án - cơ chế được gọi là “power of sale”. Thỏa thuận này không thể mơ hồ hay chỉ mang tính hình thức, mà phải quy định cụ thể trình tự thông báo, phương thức định giá, thời gian chờ xử lý cũng như các quyền còn lại của người vay sau khi tài sản bị bán.

Trong suốt quá trình xử lý, việc thông báo cho người vay cần được thực hiện minh bạch, bằng văn bản, với thời hạn hợp lý. Điều này không chỉ đảm bảo quyền được biết và chuẩn bị của người vay, mà còn tạo điều kiện để họ có thể chủ động trả nợ, tự tìm đối tác chuyển nhượng tài sản nhằm đạt mức giá tốt hơn, hoặc tái đàm phán với bên cho vay.

Một điểm then chốt khác là việc định giá tài sản phải phản ánh đúng giá trị thị trường, tránh tình trạng tổ chức tín dụng đơn phương bán với giá thấp, gây thiệt hại cho người vay. Để đảm bảo khách quan, nên có sự giám sát của bên thứ ba hoặc cơ chế định giá độc lập trong toàn bộ quá trình này.

Đồng quan điểm, Luật sư Lê Trung Phát - Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng, nợ xấu ngân hàng không chỉ là điều mà người vay lo ngại mà nó còn là mối nguy hiểm đối với an toàn hoạt động ngân hàng. Bởi vậy, pháp luật ngân hàng đã có quy định rất chặt chẽ về việc phân loại nợ xấu và xử lý nợ xấu.

Để xử lý nợ xấu, cần đảm bảo quyền tài sản của người thế chấp, xây dựng quyền lợi bên nhận thế chấp tài sản và sự minh bạch hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng tín dụng. Khi thực hiện hợp đồng thế chấp tài sản, hợp đồng tín dụng và phía ngân hàng phải thông báo rõ với khách hàng rằng khi không trả nợ đúng hạn thì sẽ thu hồi tài sản để tránh các phát sinh về sau khi xảy ra tranh chấp.

Còn ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho biết, tình trạng nợ xấu bất động sản đang ngày càng phức tạp, ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của thị trường tài chính và sức khỏe doanh nghiệp. Nếu không có giải pháp tổng thể và mang tính đột phá, hàng loạt dự án dở dang sẽ tiếp tục “đắp chiếu”, kéo theo hệ lụy dây chuyền đến ngân hàng, nhà đầu tư và người lao động.

Do đó, xử lý nợ xấu không chỉ là thu hồi nợ mà còn là "cơ hội để phục hồi thị trường". Chính phủ cần xem xét ban hành cơ chế đặc thù nhằm xử lý nợ xấu một cách quyết liệt, đồng bộ. Chúng ta cần cách tiếp cận mới: thu hồi được nợ, khôi phục được dự án, cứu được doanh nghiệp và giữ được việc làm cho người lao động.

Ông Võ Hồng Thắng - Phó Tổng Giám đốc DKRA Group nhận định, hiện có không ít khó khăn đè nặng lên vai doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, điều kiện vay vốn ngày càng khắt khe, đặc biệt trong bối cảnh báo cáo tài chính của nhiều công ty bộc lộ sự suy yếu. Ngân hàng ngày càng thận trọng vì lo ngại rủi ro nợ xấu, trong khi thủ tục vay vốn vẫn rườm rà, kéo dài. Thêm vào đó, nhiều ngân hàng chỉ chấp nhận tài sản đảm bảo là bất động sản, chưa linh hoạt với các tài sản khác như cổ phiếu hay quyền tài sản.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/no-xau-nhieu-doanh-nghiep-bat-dong-san-doi-mat-nguy-co-mat-du-an-d755200.html