Thứ ba 22/04/2025 - 11:08
Thời sự
Ninh Bình dự kiến còn 39 đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp
Thứ Ba 22/04/2025 - 10:50
UBND tỉnh Ninh Bình dự kiến còn 39 ĐVHC cấp xã sau khi sắp xếp; giảm 86 ĐVHC (trước sắp xếp 125 ĐVHC), tỷ lệ giảm 68,8%.
- Xã Bát Tràng giữ nguyên tên sau sắp xếp đơn vị hành chính
- Lai Châu giảm trên 64% đơn vị hành chính cấp xã
- Bắc Giang: Cử tri bỏ phiếu dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính
- Người dân không cần điều chỉnh sổ đỏ khi sáp nhập địa giới hành chính

Tính đến thời điểm 1/1/2025, tỉnh Ninh Bình có 7 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện (5 huyện và 2 thành phố). Trước khi sắp xếp, tỉnh có 125 ĐVHC cấp xã (101 xã, 18 phường và 6 thị trấn). Dự kiến sau khi sắp xếp còn 39 ĐVHC cấp xã (8 phường và 31 xã), giảm 86 ĐVHC cấp xã (gồm 70 xã, 10 phường và 6 thị trấn), tỷ lệ giảm 68,8%.
Cụ thể, thành phố Hoa Lư dự kiến thành lập các phường mới: Tây Hoa Lư, Hoa Lư, Nam Hoa Lư, Đông Hoa Lư. Thành phố Tam Điệp thành lập các phường: Tam Điệp, Yên Sơn, Trung Sơn, Yên Thắng.
Huyện Gia Viễn thành lập xã Gia Viễn, Đại Hoàng, Gia Hưng, Gia Phong, Gia Vân, Gia Trấn. Huyện Nho Quan thành lập xã Nho Quan, Gia Lâm, Gia Tường, Phú Sơn, Cúc Phương, Phú Long, Thanh Sơn, Quỳnh Lưu.
Huyện Yên Khánh thành lập xã Yên Khánh 1, Yên Khánh 2, Yên Khánh 3, Yên Khánh 4, Yên Khánh 5. Huyện Yên Mô thành lập xã Yên Mô 1, Yên Mô 2, Yên Mô 3, Yên Mô 4. Huyện Kim Sơn thành lập xã Chất Bình, Kim Sơn, Quang Thiện, Phát Diệm, Lai Thành, Định Hóa, Bình Minh, Kim Đông.
Việc thành lập đảng bộ cấp xã căn cứ phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã năm 2025, dự kiến thành lập 39 đảng bộ cấp xã (gồm 8 đảng bộ phường và 31 đảng bộ xã) trực thuộc Tỉnh ủy. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ quyết định thành lập các đảng bộ cấp xã. Tên gọi đảng bộ cấp xã lấy theo tên gọi của đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập (sau khi có Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã).
Chính quyền cấp xã gồm HĐND và UBND. HĐND cấp xã thành lập 2 ban (Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội). UBND cấp xã tổ chức tối đa 4 phòng chuyên môn và tương đương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn, gồm: Văn phòng HĐND và UBND; Phòng Kinh tế (đối với xã) hoặc Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị (đối với phường); Phòng Văn hoá - Xã hội; Trung tâm phục vụ hành chính công.
Ngoài ra, tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy quân sự ở ĐVHC cấp xã mới sau sắp xếp thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.
Theo UBND tỉnh Ninh Bình, sắp xếp các ĐVHC cấp xã của tỉnh năm 2025 là cần thiết, đảm bảo phù hợp với các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, tập quán, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên giữa các ĐVHC có liên quan; gắn liền với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phát huy tiềm năng, lợi thế, mở rộng không gian phát triển của các ĐVHC nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững trong giai đoạn mới.
Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương; cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; bảo đảm chính quyền cấp cơ sở gần dân, sát dân và phục vụ người dân được tốt nhất; tạo lập cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch xây dựng, gắn kết chặt chẽ với đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh nói riêng và vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ninh-binh-du-kien-con-39-don-vi-hanh-chinh-cap-xa-sau-sap-xep-d749601.html