| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 23/04/2025 - 18:48

Trồng trọt

Những hứa hẹn ở Quỳnh Nhai

Thứ Tư 23/04/2025 - 09:55

7 năm trôi qua, diện tích trồng cây mắc ca ở Quỳnh Nhai ngày càng mở rộng, sản lượng tăng dần, doanh nghiệp chế biến sâu đã liên kết đầu tư để nâng giá trị.

Tính đến cuối năm 2024, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã trồng được hơn 300ha mắc ca. Trong đó, hai đơn vị chính tham gia đầu tư là Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La (68ha tại xã Mường Chiên) và HTX Mường Giôn (250ha tại xã Mường Giôn). Một số hộ dân cũng đã mạnh dạn trồng mắc ca tại các xã Chiềng Khay, Chiềng Ơn và Chiềng Khoang.

Quy hoạch vùng trồng tập trung

Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La đã phát triển hơn 68ha mắc ca tại xã Mường Chiên với 17.000 cây gồm 10 giống khác nhau. Năm 2023 đã có diện tích cho thu bói. Hiện nay khoảng hơn 15ha mắc ca tại địa Mường Chiên đã bắt đầu cho thu hoạch, những diện tích được chăm sóc tốt đạt năng suất gần 0,6 tấn/ha. Giá thu mua hiện tại dao động từ 70.000 đồng/kg đối với quả loại 1 và 30.000 đồng/kg đối với quả loại 2.

Ông Dương Quốc Đạt, Giám đốc Công Cổ phần Liên Việt Sơn La chia sẻ về công tác phát triển cây mắc ca tại địa bàn huyện Quỳnh Nhai. Ảnh: Vũ Ánh.

Ông Dương Quốc Đạt, Giám đốc Công Cổ phần Liên Việt Sơn La chia sẻ về công tác phát triển cây mắc ca tại địa bàn huyện Quỳnh Nhai. Ảnh: Vũ Ánh.

Bài liên quan

Theo ông Dương Quốc Đạt, Giám đốc Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La, mắc ca là cây chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, có thể trồng xen với chè, cà phê hoặc một số cây ngắn ngày khác. Nếu phát triển trồng thuần, cần phải tìm giống phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng. Ông Đạt chia sẻ: "Trồng được là một chuyện, để có năng suất ổn định, cần phải tuân thủ quy trình kỹ thuật chăm sóc, chỉ một phút lơ là cũng có thể ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng về lâu dài".

Là đơn vị tiên phong gắn bó với cây mắc ca, Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La định hướng liên kết với các HTX và hộ dân, tư vấn chuyển đổi các vùng đất nông nghiệp kém hiệu quả (hiện chỉ trồng ngô, sắn, mía) sang trồng cây mắc ca, nhưng sẽ tính đến phương án trồng xen cho bà con. Công ty cũng khuyến khích các hộ có diện tích đất lớn (từ 2 - 3ha trở lên) hợp thành các HTX  để trồng tập trung, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất.

Bên cạnh vùng trồng của Công ty Cổ phần Liên Việt Sơn La, HTX Mường Giôn cũng đang tích cực phát triển cây mắc ca theo định hướng của tỉnh khi xây dựng vùng trồng tập trung gần 200ha tại địa bàn xã Mường Giôn (huyện Quỳnh Nhai).

Một số cây mắc ca của HTX Mường Giôn phát triển tương đối chậm. Ảnh: Đức Bình.

Một số cây mắc ca của HTX Mường Giôn phát triển tương đối chậm. Ảnh: Đức Bình.

Bài liên quan

Theo ông Nguyễn Hồng Phương, Giám đốc HTX Mường Giôn, đây là năm thứ 4 HTX triển khai trồng mắc ca tại địa bàn. Đơn vị hiện đang đưa vào trồng 3 giống mắc ca chính là QN, 816 và A38.

Dù đã tuân thủ kỹ thuật trồng của Hiệp hội Mắc ca Việt Nam, một số cây vẫn phát triển chậm, chưa ra hoa. Ông Phương lý giải, thời điểm đầu đưa cây giống về, HTX cũng lựa chọn những giống cho năng suất tốt, tuy nhiên chưa để ý đến yếu tố giống có phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương hay không. Ngoài ra, nguồn nước tưới cũng khan hiếm khiến việc phát triển cây mắc ca chưa theo ý muốn.

Ông Phương cho biết đang liên hệ thêm với các chuyên gia nghiên cứu phương án bổ sung phân bón và cải thiện chế độ chăm sóc cho cây mắc ca để chuẩn bị cho đợt thu bói dự kiến vào năm sau.

Việc phải chờ từ 5 - 7 năm mới có thể thu bói, và phải mất 10 năm để có năng suất ổn định là thách thức lớn đối với doanh nghiệp và người dân khi đầu tư trồng mắc ca. Nếu không duy trì đủ chi phí đầu tư, sẽ rất khó để phát triển vùng trồng theo đúng kế hoạch, trong khi chi phí phát sinh ngày càng lớn từ nhân công hay công tác chăm sóc…

Ông Phương và ông Đạt đang đầu tư cho vùng trồng mắc ca ở Quỳnh Nhai bằng nguồn vốn vay hạn chế từ ngân hàng, đồng thời phải tìm kiếm thêm các kênh tài chính bên ngoài để duy trì hoạt động trong khi chờ sản lượng quả ổn định. Họ mong muốn tỉnh có thêm chính sách hỗ trợ để giảm áp lực tài chính. Nếu không có giải pháp kịp thời, các doanh nghiệp có thể đối mặt với nhiều rủi ro, ảnh hưởng tới phát triển sản xuất.

Sản phẩm chế biến "cháy hàng"

Ngoài việc xây dựng vùng trồng, các doanh nghiệp cần tiếp tục phát triển cơ sở chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị quả mắc ca. Công ty TNHH MTV Đạt Thủy (xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn) đã và đang nỗ lực thực hiện định hướng này, đáp ứng kỳ vọng của tỉnh Sơn La.

Hạt mắc ca nguyên chất luôn là sản phẩm bán chạy nhất của Công ty TNHH MTV Đạt Thủy. Ảnh: Tú Thành.

Hạt mắc ca nguyên chất luôn là sản phẩm bán chạy nhất của Công ty TNHH MTV Đạt Thủy. Ảnh: Tú Thành.

Theo đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Sơn La đã triển khai đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong chế biến quả sấy (mắc ca) thuộc Đề án Khuyến công Quốc gia. Với khoản đầu tư 5 tỷ đồng vào dây chuyền chế biến khép kín sử dụng nhiệt sạch, Công ty Đạt Thủy đảm bảo sản phẩm giữ nguyên dinh dưỡng kể từ lúc thu hoạch, đáp ứng đầy đủ yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong quá trình thu mua quả mắc ca tươi, Công ty Đạt Thủy thực hiện phân loại kỹ lưỡng. Hạt mắc ca sau khi tách vỏ sẽ được làm khô tự nhiên trong vòng 7 ngày trước khi đóng gói hút chân không để bảo quản tối ưu, giữ trọn hương vị tự nhiên. Những quả đạt kích thước tiêu chuẩn sẽ được bảo quản lạnh và chỉ sấy khô lần hai, cắt nứt khi có đơn đặt hàng. Những quả không đồng đều sẽ được tận dụng để chế biến thành các sản phẩm khác như dầu mắc ca và rượu mắc ca, tận dụng tối đa nguyên liệu trong chế biến.

Nhờ chiến lược bài bản, năm 2024, Công ty Đạt Thủy đã thu mua khoảng 60 tấn quả mắc ca tươi từ các tỉnh Lai Châu, Điện Biên và Sơn La để chế biến thành nhiều dòng sản phẩm như hạt mắc ca nguyên vỏ tách nứt, nhân mắc ca tẩm mật ong, nhân nguyên vị, rượu mắc ca, dầu mắc ca… Tổng doanh thu đạt hơn 3,5 tỷ đồng, đây là minh chứng cho tiềm năng lớn của việc chế biến sâu các sản phẩm từ quả mắc ca.

Xưởng chế biến mắc ca luôn phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Công ty Đạt Thủy.

Xưởng chế biến mắc ca luôn phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Ảnh: Công ty Đạt Thủy.

Không chỉ xây dựng được thị trường ổn định, sản phẩm mắc ca sấy của Công ty còn được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp vùng và cấp trung ương từ năm 2019 đến nay. Điều này không chỉ nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm mà còn giúp mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bà Đào Thị Thủy, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đạt Thủy chia sẻ: “Tại xưởng chế biến, chúng tôi sản xuất nhiều loại quả sấy, nhưng các sản phẩm từ mắc ca có sức tiêu thụ lớn và hiện vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu đặt hàng. Ngoài cung cấp cho hệ thống siêu thị, chúng tôi còn bán hàng thô với số lượng lớn qua các đơn đặt hàng trực tiếp. Nhờ đó, Công ty duy trì việc làm ổn định cho 10 lao động địa phương với mức thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng”.

Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, năm 2025, Công ty lên kế hoạch liên kết trồng mới và tư vấn kỹ thuật chăm sóc cho bà con với diện tích khoảng 300ha mắc ca, đặt mục tiêu thu mua và chế biến 100 tấn quả. Công ty cũng ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ dân trong tỉnh và cung ứng cây giống chất lượng cao để phát triển vùng nguyên liệu ổn định.

Sản phẩm mắc ca của Công ty Đạt Thủy đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao và đang hướng tới OCOP 4 sao. Theo bà Thủy, chặng đường phát triển vẫn còn nhiều thách thức, nếu đi đúng hướng, sản phẩm mắc ca Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế cao, thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nhung-hua-hen-o-quynh-nhai-d746132.html