| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 15/05/2025 - 10:54

Trồng trọt

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La trải lòng về cây ăn quả trên đất dốc

Thứ Năm 15/05/2025 - 10:45

Theo ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc là đúng đắn, phù hợp với lòng dân, đảm bảo sinh kế bền vững.

Sơn La, vùng đất với hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, sở hữu trên 1 triệu ha đất nông nghiệp, phần lớn là đất dốc. Từng là bài toán nan giải trong phát triển nông nghiệp, nhưng kể từ năm 2015, khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kết luận về chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp đã bắt đầu.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 85.000 ha cây ăn quả và cây sơn tra; riêng giai đoạn 2016-2025 đã trồng mới, chuyển đổi hơn 60.000 ha. Sản lượng quả năm 2025 ước đạt 510.000 tấn, đưa Sơn La vươn lên trở thành “thủ phủ” cây ăn quả lớn nhất miền Bắc.

Ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La. Ảnh: Đức Bình.

Ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La. Ảnh: Đức Bình.

Để hiểu hơn về hành trình phát triển, Báo Nông nghiệp và Môi trường có cuộc trò chuyện với ông Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Sơn La - một trong những người đầu tiên chắp bút cho hành trình "leo đồi" của cây ăn quả tại vùng núi Tây Bắc.

Khởi nguồn từ sinh kế của dân

Thưa ông, là "cha đẻ" của chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc, ông có thể chia sẻ về bối cảnh ra đời và những trăn trở khi khởi động chủ trương này cách đây 10 năm? Động lực nào đã thôi thúc ông đưa ra quyết sách táo bạo này?

Tháng 9/2015, tỉnh Sơn La tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh. Trước đại hội, tỉnh đã tiến hành đánh giá toàn diện về tình hình phát triển cây ăn quả, xác định những thành tựu và hạn chế nhằm rút ra bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ mới.

Vào thời điểm đó, toàn tỉnh chỉ có khoảng 23.000 ha cây ăn quả với các giống cây trồng truyền thống như na, nhãn, xoài,... đã phát triển từ 20 năm trước. Giống cây đã thoái hóa, chất lượng kém, giá bán chưa ổn định, dẫn đến việc người dân tự chặt phá để trồng cây ngắn ngày.

Tôi vẫn còn nhớ sự kiện khánh thành Nhà máy Thủy điện Sơn La năm 2012 đặt ra bài toán ổn định đời sống cho hơn 12.000 hộ tái định cư và 8.000 hộ dân hỗ trợ đất ở. Với diện tích đất canh tác bình quân 1,3 - 1,4 ha/hộ, nếu chỉ trồng cây ngắn ngày thu nhập đạt khoảng 10 triệu đồng/ha, không đủ duy trì sinh kế.

Ông Chất luôn trăn trở về những thách thức trong quá trình triển khai đề án. Ảnh: Đức Bình.

Ông Chất luôn trăn trở về những thách thức trong quá trình triển khai đề án. Ảnh: Đức Bình.

Vậy để giải quyết những bài toán khó khăn, phải xây dựng những chủ trương, kế hoạch đột phá, lấy nông nghiệp làm trọng tâm. Cùng năm 2015, chính sách hỗ trợ nông dân phát triển mô hình hợp tác xã nông, lâm, ngư nghiệp của Đảng và nhà nước, cơ hội mở ra cho người nông dân tiếp cận các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng và kinh phí tổ chức sản xuất. 

Thứ hai, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phát triển thành công kỹ thuật ghép mắt cây ăn quả, giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Tỉnh Sơn La đã tổ chức các đoàn học tập mô hình nông nghiệp hiệu quả tại Hà Nội và áp dụng cho hai huyện Mộc Châu (bây giờ là thị xã Mộc Châu) và Mai Sơn. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh, chủ trương phát triển vùng nông nghiệp công nghệ cao cũng được đặt ra, cùng với Kết luận 121 về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, dựa trên điều kiện thực tế của địa phương.

Sau 10 năm, chủ trương này đã chứng minh tính đúng đắn, phù hợp với lòng dân. Người dân không chỉ có thu nhập cao hơn, phương thức sản xuất dễ tiếp cận, ít vốn mà còn đảm bảo phát triển bền vững.

Lấy mốc xuất khẩu làm giá trị cốt lõi

Trong giai đoạn đầu triển khai đề án, ông từng nhấn mạnh rằng "cây ăn quả muốn thành công phải gắn với thị trường". Vậy ông có thể chia sẻ về chiến lược xúc tiến thương mại mà tỉnh đề ra ngay từ những ngày đầu để mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản Sơn La?

Nhắc về thời điểm đầu, ưu tiên của tỉnh là sản xuất ra trái cây chất lượng, sạch, đẹp để bán. Khi sản phẩm đạt tiêu chuẩn, tỉnh tập trung vào việc mở rộng tiêu thụ thông qua các kênh thương mại, tiếp cận thị trường xuất khẩu.

Tiếp đến, tỉnh đẩy mạnh hoạt động chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Những nhà máy lớn hiện nay như Doveco hay Nafoods Tây Bắc là dấu ấn bước đầu dù còn đó nhiều khó khăn phía trước.

Chúng tôi tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngay từ đầu. Và, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của người dân, Sơn La đã thành công trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đáng chú ý là kỹ thuật ghép mắt trên cây ăn quả đã được triển khai rộng rãi từ xoài, nhãn, mận, na... cây nào cũng ghép mắt và cho năng suất ấn tượng.

Tỉnh đã hỗ trợ các hộ dân 200 nghìn đồng mỗi hộ để tiếp cận các mắt ghép chuẩn, trung bình một gia đình được khoảng 16 mắt ghép, các kỹ thuật viên từ học viện nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn, từ đó sản lượng cao hơn hẳn, tạo động lực cho người dân tự học hỏi và mở rộng mô hình. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phát triển thêm nhiều hệ thống nhà màng, nhà lưới, vừa để bảo vệ thực vật vừa tránh tác động tiêu cực đến môi trường.

Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La đặt tại huyện Mai Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La đặt tại huyện Mai Sơn. Ảnh: Tùng Đinh.

Thưa ông, nông dân và hợp tác xã cần tiếp tục chuyển mình ra sao để hướng tới những mục tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới?

Trước tiên, cần thẳng thắn nhìn nhận rằng phát triển cây ăn quả trên đất dốc luôn đối mặt với nhiều khó khăn lớn từ chủ quan đến khách quan.

Địa hình này đòi hỏi phương thức canh tác đặc thù, từ việc bón phân, cải tạo đất đến hệ thống tưới tiêu. Thời tiết lúc nắng hạn, lúc lại mưa lớn dài ngày. Áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là rất cần thiết, trong đó, giữ ẩm cho đất là bài toán quan trọng. Tỉnh đã đưa vào ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm như tưới ẩm và tưới nhỏ giọt của Israel, đem đến hiệu quả cao tại một số vùng trồng dâu tây ở Mộc Châu, na ở Mai Sơn, nhãn ở Sông Mã... Các HTX cần tiếp tục mở rộng áp dụng.

Thứ hai, Sơn La xác định chiến lược khác biệt: hướng tới xuất khẩu ngay từ đầu. Việc nhắm đến các thị trường khó tính như Mỹ và EU đòi hỏi nâng cao giá trị sản phẩm, các HTX nâng cấp quy trình sản xuất, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, để phát triển bền vững và làm chủ chuỗi giá trị, HTX cần hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong việc đầu tư vào chế biến sâu.

Vùng trồng na tại Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh.

Vùng trồng na tại Sơn La. Ảnh: Tùng Đinh.

3 bước đi chiến lược trong phát triển thị trường

Xin ông hãy đưa ra một số định hướng để tỉnh tiếp tục phát triển cây ăn quả trên đất dốc bền vững và hiệu quả hơn?

Theo tôi, thời gian tới tỉnh nên tiếp tục tập trung quản lý vùng nguyên liệu, hỗ trợ các hộ nông dân tổ chức sản xuất bài bản, từ chọn giống đến chăm sóc cây trồng.

Ưu tiên sử dụng giống chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh tốt. Việc áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ phải được khuyến khích, đi kèm với các kỹ thuật chăm sóc như cắt tỉa, bảo vệ thực vật và quản lý dinh dưỡng cây trồng.

Thứ hai, vấn đề thị trường vẫn phải quan tâm 3 bước đi: xuất khẩu để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, thông qua chế biến để đưa sản phẩm đi xa và khẳng định chất lượng.

Thứ ba, mở rộng các hình thức liên kết, từ hộ gia đình đến tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp.

Và cuối cùng là phát triển hệ thống logistics để đảm bảo nông sản được vận chuyển nhanh chóng từ vườn đến các trung tâm tiêu thụ, nhất là Hà Nội.

Xin cảm ơn ông!

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nguyen-bi-thu-tinh-uy-son-la-trai-long-ve-cay-an-qua-tren-dat-doc-d752712.html