Thứ tư 23/04/2025 - 22:51
Chính trị
Ngoại giao đóng vai trò kiến tạo xuyên suốt các giai đoạn lịch sử
Thứ Tư 23/04/2025 - 14:12
Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá vai trò kiến tạo hoà bình của ngoại giao Việt Nam, thể hiện xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh đến xây dựng đất nước.
- Việt Nam đã trở thành cường quốc lương thực toàn cầu
- Việt Nam - Đan Mạch: Phát triển năng lượng xanh và thúc đẩy thương mại
- Siết chặt an ninh trật tự trong thời gian ông Tập Cận Bình sang thăm
- Bộ Ngoại giao: Hoa Kỳ hoãn áp thuế 90 ngày là bước đi tích cực

Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá vai trò kiến tạo hoà bình của ngoại giao Việt Nam được thể hiện xuyên suốt trong các giai đoạn lịch sử. Ảnh: VGP.
Hoà chung không khí hân hoan của cả dân tộc hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), sáng 23/4, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội thảo quốc tế "50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hoà bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại". Chủ tịch nước Lương Cường đến dự và phát biểu chỉ đạo tại hội thảo.
Tham dự hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, cùng khoảng 500 đại biểu tham dự hội thảo, trong đó có các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Ngoại giao, đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành, nhân chứng lịch sử, nhà khoa học trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội.
Trong phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh: Cách đây tròn 50 năm, thắng lợi lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh đã kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên "độc lập - thống nhất - hòa bình và phát triển" cho dân tộc Việt Nam. Đó là thắng lợi của lòng yêu nước, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc và khát vọng cháy bỏng của dân tộc Việt Nam cũng như nhân dân ưa chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Trong hành trình ấy, ngoại giao đã đóng vai trò hết sức quan trọng. Ngoại giao đã kết hợp với quân sự, chính trị, tạo ra thế trận "vừa đánh vừa đàm", huy động sức mạnh tổng hợp của dân tộc. Trong đó đấu tranh quân sự và chính trị là cơ sở cho đàm phán trên mặt trận ngoại giao. Ngược lại, đấu tranh ngoại giao góp phần cộng hưởng thắng lợi và hỗ trợ cho các hoạt động đấu tranh chính trị và quân sự.
Từ Hội nghị Geneva năm 1954 đến Hiệp định Paris năm 1973, những thỏa thuận lịch sử trên bàn đàm phán đã tạo mở ra những cơ hội để giành độc lập, kết thúc chiến tranh, tiến tới thống nhất đất nước.
Ngoại giao Việt Nam đã khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và nêu cao tư tưởng hòa hiếu, khoan dung và nhân văn sâu sắc; tranh thủ sức mạnh của ba dòng thác cách mạng, huy động được sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa và mặt trận quốc tế rộng rãi ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Từ bài học trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, Phó Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế, nâng tầm đóng góp của Việt Nam vào việc bảo đảm an ninh và kiến tạo hòa bình trên thế giới.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: VGP.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Lương Cường chỉ rõ, mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, nói chung đều trải qua những thời khắc mang tính bước ngoặt, ngã rẽ lịch sử quyết định vận mệnh, con đường phát triển của mình.
Đối với Việt Nam, chiến thắng 30/4/1975 là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc. Từ đây, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối; dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nhấn mạnh trong chiến thắng lịch sử đó có đóng góp to lớn của ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch nước cho rằng nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử và những bài học sâu sắc từ chiến thắng 30/4/1975 đối với ngoại giao Việt Nam trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc vẫn còn nguyên giá trị, mang tính dân tộc và thời đại sâu sắc.
Chủ tịch nước khẳng định, nhìn lại lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, chúng ta càng nhận thức rõ ràng hơn về vai trò rất quan trọng của công tác ngoại giao.
Đặc biệt khi Bộ Chính trị năm 1969 ban hành Nghị quyết xác định "Ngoại giao đã trở thành một mặt trận quan trọng, có ý nghĩa chiến lược" thì ngoại giao đã trở thành công cụ quan trọng, góp phần phân hóa kẻ địch, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế và lan tỏa tính chính nghĩa về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam tới thế giới.
Theo Chủ tịch nước, vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam cũng được thể hiện xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình.
Trong đó, ngoại giao đã huy động được sự ủng hộ to lớn cả vật chất, tinh thần từ các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân tiến bộ trên thế giới, tạo nên phong trào quốc tế rộng lớn chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và trong lịch sử thế kỷ XX, hiếm có cuộc đấu tranh của dân tộc nào lại quy tụ được sự ủng hộ rộng khắp, mạnh mẽ cả ở trong và ngoài nước như dân tộc Việt Nam.
Ngoại giao đã phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ với mặt trận quân sự và chính trị, mở ra cục diện "vừa đánh, vừa đàm" qua đó giành thắng lợi từng bước, tạo tiền đề đưa sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đi đến toàn thắng.
Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi bước ngoặt, có tính lịch sử, Chủ tịch nước nêu rõ Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng tương lai, vận mệnh của đất nước gắn liền với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và thế giới; đồng thời nhấn mạnh bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; nhất quán chính sách quốc phòng "4 không"; sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ngoai-giao-dong-vai-tro-kien-tao-xuyen-suot-cac-giai-doan-lich-su-d749850.html