Thứ ba 20/05/2025 - 09:06
Đầu tư - Tài chính
Ngân hàng Nhà nước đề xuất siết điều kiện mua bán nợ nội bộ
Thứ Ba 20/05/2025 - 09:05
Dự thảo yêu cầu tổ chức tín dụng chỉ được để công ty con mua nợ nếu tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, nhằm ngăn sửa số liệu, làm đẹp bảng cân đối kế toán.
- Thúc đẩy tín dụng xanh ‘mở đường’ chuyển đổi xanh ở các khu công nghiệp
- Sắp triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ
- Đơn giản hóa thủ tục mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến cho Dự thảo Thông tư mới quy định về hoạt động của công ty con trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản. Một trong những điểm then chốt là chỉ cho phép công ty con mua nợ nếu tổ chức tín dụng mẹ duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Đây không chỉ là một yêu cầu kỹ thuật, mà còn là biện pháp quản trị nhằm kiểm soát chặt dòng chảy nợ xấu trong nội bộ hệ thống tài chính.

Thông tư mới được kỳ vọng sẽ đóng vai trò khung pháp lý mới cho hoạt động quản lý nợ. Ảnh: minh họa.
Điều kiện này được đánh giá là bước sàng lọc quan trọng, giúp loại bỏ tình trạng chuyển nợ xấu sang công ty con như một cách bóc tách rủi ro khỏi bảng cân đối.
Theo đó, chỉ những ngân hàng có năng lực kiểm soát chất lượng tín dụng mới được phép sử dụng công ty con làm kênh xử lý nợ. Cơ chế này buộc các tổ chức tín dụng phải xử lý nợ thực chất, thay vì dịch chuyển rủi ro bằng các nghiệp vụ kế toán nội bộ.
Thông tư 09/2015/TT-NHNN từng đề cập yêu cầu tương tự, nhưng Dự thảo lần này mở rộng phạm vi áp dụng và bổ sung chế tài mạnh hơn, đặc biệt với các công ty tài chính tổng hợp và chuyên ngành. Trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đang có dấu hiệu gia tăng sau Covid-19, động thái siết điều kiện mua nợ được coi là biện pháp chủ động để bảo vệ tính minh bạch của hệ thống tài chính.
Thực tế cho thấy, không ít công ty quản lý nợ từng bị nghi ngờ lạm dụng cơ chế mua bán nội bộ để thao túng kết quả kinh doanh. Việc bán khoản nợ từ ngân hàng mẹ sang công ty con rồi ghi nhận là đã xử lý thực chất chỉ là sự dịch chuyển trên sổ sách, không thay đổi bản chất rủi ro. Khi ngưỡng 3% nợ xấu được áp đặt như một hàng rào kỹ thuật, hệ thống ngân hàng sẽ buộc phải lựa chọn: Hoặc nâng chất lượng tín dụng, hoặc chấp nhận bị hạn chế công cụ xử lý.
Không gian hoạt động của các công ty quản lý nợ cũng được thu hẹp đáng kể. Dự thảo quy định rõ, chỉ các khoản nợ xấu, dù đang hạch toán nội bảng hay đã được xử lý rủi ro và chuyển theo dõi ngoại bảng, mới được phép mua bán. Các công ty này cũng không được tự ý thu phí từ khách hàng hoặc định giá khoản nợ nếu không có ủy quyền hợp pháp từ tổ chức tín dụng mẹ. Đây là nỗ lực nhằm ngăn ngừa các hành vi thương mại hóa trá hình trong lĩnh vực xử lý nợ.
Trên thế giới, mô hình công ty quản lý tài sản được nhiều quốc gia áp dụng như một công cụ hỗ trợ làm sạch bảng cân đối. Tuy nhiên, những mô hình này thường gắn với hệ thống giám sát nghiêm ngặt.
Hướng đi của Việt Nam, theo dự thảo, là kiểm soát từ đầu bằng việc đặt rào cản kỹ thuật rõ ràng, hướng tới sàng lọc tổ chức có đủ năng lực vận hành thực chất. Việc siết chặt điều kiện cũng là cách gián tiếp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, người gửi tiền, và tránh hệ lụy từ các bảng cân đối ảo có thể dẫn đến rủi ro hệ thống.
Tuy vậy, vẫn còn băn khoăn rằng quy định ngưỡng 3% có thể khiến một số tổ chức tín dụng yếu kém lâm vào thế khó trong xử lý nợ. Trường hợp này, vai trò hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước thông qua các phương án tái cơ cấu đặc biệt đã được cấp thẩm quyền phê duyệt sẽ là điểm tựa để hệ thống vận hành không bị đình trệ.
Dự thảo cũng hướng tới thay thế Quyết định 1390/2001/QĐ-NHNN, một văn bản đã tồn tại hơn 20 năm, vốn không còn phù hợp với bối cảnh pháp lý, thị trường tài chính và mô hình tổ chức hiện nay. Bên cạnh điều kiện về tỷ lệ nợ xấu, Thông tư dự kiến còn yêu cầu các công ty quản lý nợ xây dựng quy trình nội bộ cụ thể, gửi báo cáo định kỳ và chịu giám sát từ Ngân hàng Nhà nước, nhằm tăng cường minh bạch và phân định rõ trách nhiệm giữa ngân hàng mẹ và công ty con.
Ngày 19/5, Ngân hàng Nhà nước công bố Dự thảo 2 Thông tư Quy định về hoạt động của công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản. Cục An toàn hệ thống các tổ chức tín dụng có trách nhiệm tổng hợp các ý kiến đóng góp.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ngan-hang-nha-nuoc-de-xuat-siet-dieu-kien-mua-ban-no-noi-bo-d753995.html