Thứ năm 22/05/2025 - 09:12
Môi trường
NBSAP Tracker với 5 khía cạnh cốt lõi đánh giá hiệu quả chiến lược bảo tồn
Thứ Năm 22/05/2025 - 09:09
NBSAP Tracker nhận diện những điểm mạnh, dư địa cần cải thiện của Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học, dựa trên từng ưu tiên và năng lực của khu vực.
- OECM: Cánh tay nối dài của hệ thống khu bảo tồn quốc gia
- Mở rộng diện tích các hệ sinh thái tự nhiên được bảo vệ của Việt Nam
- Các chính sách giảm thải nhựa đang trở nên thực tiễn và chuẩn mực mới
- Cộng đồng chung tay giảm rác thải nhựa
Ba thập kỷ kể từ khi Công ước Đa dạng sinh học (CBD) ra đời, tình trạng suy giảm đa dạng sinh học vẫn diễn ra nghiêm trọng. Tại Hội nghị các bên lần thứ 15 phần 2 (COP15.2), cộng đồng toàn cầu đã thông qua Khung đa dạng sinh học toàn cầu (GBF) Côn Minh - Montreal, với bốn mục tiêu đến năm 2050 và 23 mục tiêu đến năm 2030 nhằm chấm dứt và đảo ngược suy giảm đa dạng sinh học.
GBF thúc đẩy cách tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội, đồng thời yêu cầu các quốc gia rà soát và cập nhật Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học (NBSAP).

NBSAP Tracker công bố kết quả đánh giá của 23/51 bên đã nộp NBSAP lên CBD. Ảnh: iStock.
WWF đã sử dụng NBSAP Tracker để đánh giá các NBSAP và mục tiêu quốc gia do các bên đệ trình sau COP15.2.
Công cụ NBSAP Tracker do WWF phát triển đóng vai trò hỗ trợ các Chính phủ, trong đó có Việt Nam, trong việc rà soát lại NBSAP từng quốc gia theo Khung GBF. Với giao diện trực quan và dữ liệu được cập nhật minh bạch, công cụ này giúp các cơ quan chức năng nhận diện rõ khoảng cách giữa cam kết và thực tiễn, từ đó điều chỉnh chính sách và giải pháp phù hợp hơn với bối cảnh quốc gia.
Bên cạnh đó, NBSAP Tracker còn góp phần tăng cường trách nhiệm giải trình, tạo điều kiện để các bên liên quan, từ tổ chức xã hội, nhà tài trợ đến cộng đồng địa phương, tham gia giám sát tiến trình thực hiện.
5 khía cạnh, 1 mục tiêu chung cho hiệu quả NBSAP trên toàn cầu
Thứ nhất là mức độ tham vọng, thể hiện cam kết chiến lược và mức độ sẵn sàng hành động của quốc gia. Nhiều NBSAP vẫn thiên về “bảo tồn” hơn là “đảo ngược suy giảm”. Dù 81 bên đã nộp NBSAP hoặc mục tiêu quốc gia đã bao phủ đủ 23 mục tiêu của GBF và 114 Bên đạt từ 75% trở lên, điểm trung bình toàn cầu chỉ là 46,4%. Nhật Bản và Pháp có điểm cao, lần lượt là 83% và 84%, nhờ xây dựng mục tiêu SMART, dựa trên dữ liệu nền và có cam kết nguồn lực.
Thứ hai là cách tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội, đánh giá mức độ phối hợp liên ngành, lồng ghép trong quy hoạch phát triển, và thúc đẩy sự tham gia thực chất của doanh nghiệp, xã hội dân sự, cộng đồng địa phương, người dân bản địa, phụ nữ và thanh niên. Điểm trung bình toàn cầu là 57,1%, phản ánh tiến bộ sau COP15.2, đặc biệt ở cấp trung ương. Tuy nhiên, sự tham gia của các chủ thể ngoài nhà nước vẫn còn hạn chế. Pháp đạt điểm rất cao (94%) nhờ áp dụng tiếp cận toàn diện trong cả xây dựng, thực thi và giám sát chính sách.
Thứ ba là phương tiện thực hiện, bao gồm kế hoạch tài chính quốc gia về đa dạng sinh học (NBFP), cơ chế huy động nguồn lực, tích hợp với các cam kết khác như NDC, SDGs, và các kế hoạch tăngcường năng lực. Đây là điểm yếu phổ biến với điểm trung bình toàn cầu chỉ đạt 41,4%, do thiếu kế hoạch tài chính cụ thể và lộ trình rõ ràng. Suriname và Ireland là các nước nổi bật với số điểm 83% bởi NBFP rõ ràng và tích hợp tốt trong hệ thống kế hoạch quốc gia.
Thứ tư là cách tiếp cận dựa trên quyền con người (HRBA), một trụ cột xuyên suốt trong GBF, nhất là trong các Mục tiêu 22 và 23. NBSAP được đánh giá tích cực nếu thể hiện rõ quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia và cơ chế hưởng lợi công bằng cho các nhóm yếu thế. Tuy nhiên, mức độ tích hợp HRBA còn thấp, với điểm trung bình toàn cầu rất khiêm tốn vởi chỉ 39,2%. Canada đạt điểm tối đa (100%) nhờ lồng ghép HRBA toàn diện trong chính sách, trong khi tám nước châu Âu và Mỹ Latinh, cũng như một nước châu Phi không thể hiện yếu tố HRBA trong NBSAP.
Thứ năm là theo dõi tiến độ và thúc đẩy hành động, bao gồm thiết lập hệ thống chỉ số quốc gia gắn với bộ chỉ số toàn cầu, cùng cơ chế báo cáo và điều chỉnh chính sách. Đây là bài học then chốt từ việc không đạt các Mục tiêu Aichi. Tuy nhiên, điểm trung bình toàn cầu hiện chỉ khoảng 67,3%, cho thấy còn thiếu hệ thống theo dõi nhất quán và cơ chế phản hồi chính sách hiệu quả.
NBSAP Tracker cung cấp khung đánh giá khách quan, khoa học, tham chiếu GBF theo 5 khía cạnh chính: (i) mức độ tham vọng; (ii) cách tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội; (iii) phương tiện thực hiện; (iv) cách tiếp cận dựa trên quyền con người; và (v) cơ chế theo dõi và thúc đẩy hành động.
Đánh giá khả năng tương thích giữa NBSAP Việt Nam với các mục tiêu GBF
Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050 (NBSAP) ban hành tháng 1/2022 theo Quyết định 149/QĐ-TTg, là một bước tiến chính sách quan trọng, được xây dựng sớm trước khi GBF được thông qua. Theo kết quả rà soát sơ bộ bằng công cụ NBSAP Tracker, Việt Nam đã bao phủ nhiều nội dung trọng tâm của GBF, tuy nhiên vẫn còn dư địa cải thiện ở cả 5 khía cạnh đánh giá.
Về mức độ tham vọng, mặc dù NBSAP Việt Nam đã bao phủ phần lớn các mục tiêu GBF, vẫn còn nhiều cơ hội để tiếp tục củng cố và nâng cao mức độ tham vọng, nhằm tiệm cận hơn với tầm nhìn chung mà GBF hướng tới. Bên cạnh đó, việc tích hợp thêm một số nội dung như Mục tiêu 18 (liên quan đến giảm trợ cấp có hại), Mục tiêu 16 (về giảm lãng phí thực phẩm), mở rộng phạm vi từ các giải pháp thích ứng hiện có sang các mục tiêu cụ thể nhằm giảm thiểu tác động khí hậu (liên quan đến Mục tiêu 8 của GBF) cũng là một hướng đi giàu tiềm năng.
Tương tự, việc lồng ghép các nội dung công bằng xã hội, đảm bảo quyền lợi cho các nhóm dễ bị tổn thương và cộng đồng phụ thuộc vào thiên nhiên (Mục tiêu 9) sẽ góp phần tăng tính bao trùm và bền vững cho chiến lược. Các mục tiêu như kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại (Mục tiêu 6) hay huy động nguồn lực tài chính (Mục tiêu 19) nếu được bổ sung các chỉ số định lượng hoặc định tính phù hợp sẽ giúp theo dõi tiến độ hiệu quả hơn.
Chiến lược cũng khuyến khích tăng cường sự phối hợp, liên kết giữa các bên tham gia gồm nhà nước, các doanh nghiệp và cộng đồng, mang lại kết quả 61% đối với nội dung “sự tham gia của toàn chính phủ và toàn xã hội”.
Khía cạnh giám sát và đánh giá trong NBSAP đã được chú trọng với tỷ lệ đạt 65%, cho thấy cam kết rõ ràng của Việt Nam trong việc bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả trong triển khai.

Với tỷ lệ 47% đạt được trong nội dung về phương tiện thực hiện, NBSAP Việt Nam đang có nền tảng để tiếp tục hoàn thiện và tăng cường hiệu quả triển khai trong thời gian tới. Ảnh: KTMT.
Việc đưa ra các mốc đánh giá sơ kết giữa kỳ (năm 2025) và tổng kết (năm 2030) trong chiến lược NBSAP thể hiện sự liên kết chặt chẽ với cơ chế quốc tế, như là một bước chuẩn bị cho việc Xây dựng báo cáo quốc gia lần thứ 7 (2/2026) và lần thứ 8 (2029).
Về tiếp cận dựa trên quyền con người, NBSAP đã bước đầu ghi nhận vai trò và quyền của các nhóm dễ bị tổn thương bao gồm cộng đồng địa phương, phụ nữ, thanh niên và trẻ em, thông qua các nội dung như sinh kế vùng đệm, du lịch sinh thái cộng đồng, và bảo tồn tri thức truyền thống. Đây là những dấu hiệu tích cực, và việc tiếp tục cụ thể hóa bằng các cơ chế, chỉ số theo dõi và phân bổ nguồn lực rõ ràng sẽ góp phần bảo đảm sự tham gia thực chất và bền vững của các nhóm này, phù hợp với tinh thần của GBF.
Ngoài ra, hoàn thiện và phê duyệt Kế hoạch Tài chính cho Đa dạng sinh học quốc gia (NBFP) là một công cụ quan trọng được CBD khuyến nghị. Đồng thời, đánh giá năng lực kỹ thuật và nguồn nhân lực, huy động nguồn lực (công, tư, quốc tế, cộng đồng).
Trên phạm vi toàn cầu, quá trình cập nhật NBSAP cho thấy các quốc gia ngày càng chú trọng đến việc phản ánh các mục tiêu của GBF. Việt Nam hiện đã xây dựng được nền tảng chính sách tương đối vững chắc, thể hiện bằng cam kết chính trị rõ ràng và bước đầu tích hợp nhiều nội dung phù hợp với GBF trong chiến lược quốc gia. Do đó, việc cập nhật Chiến lược là một cơ hội thể hiện sự quyết tâm hơn nữa của Chính phủ trong việc hoàn thiện khung chính sách, nâng cao tính cụ thể và khả thi của các mục tiêu, hướng tới sự phù hợp đầy đủ với các cam kết toàn cầu đến năm 2030 và xa hơn.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/nbsap-tracker-voi-5-khia-canh-cot-loi-danh-gia-hieu-qua-chien-luoc-bao-ton-d754372.html