| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 29/05/2025 - 02:10

Thị trường

Muốn cạnh tranh hiệu quả tại Trung Đông, nông sản Việt cần chứng nhận Halal

Thứ Hai 26/05/2025 - 21:22

Khi xuất khẩu vào các nước Hồi giáo, đặc biệt là Trung Đông và châu Phi, nông sản Việt bắt buộc phải có chứng nhận Halal - một ‘tấm vé thông hành’ không thể thiếu.

Cần chứng nhận Halal và nâng cao chất lượng sản phẩm

Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phân tích dữ liệu Verified Market Research, quy mô thị trường thực phẩm và đồ uống Halal tại Trung Đông và châu Phi được định giá 60 tỷ USD năm 2024 và dự kiến đạt 110 tỷ USD vào năm 2032, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 7,87% trong giai đoạn 2025 - 2032.

Thực phẩm và đồ uống Halal là những sản phẩm tuân thủ tiêu chuẩn ăn uống của Hồi giáo, nghĩa là chúng được sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo các quy định tôn giáo. Những sản phẩm này tránh các thành phần và phương pháp chế biến bị cấm, chẳng hạn như thịt heo và rượu.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc marketing Văn phòng Chứng nhận Halal - HCA Việt Nam. Ảnh: Hồng Thắm.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc marketing Văn phòng Chứng nhận Halal - HCA Việt Nam. Ảnh: Hồng Thắm.

Chứng nhận Halal xác nhận rằng, sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể, mang lại sự yên tâm cho người tiêu dùng Hồi giáo khi tìm kiếm thực phẩm phù hợp với tín ngưỡng của họ. Ngoài ra, các sản phẩm này được sản xuất trong môi trường vệ sinh, không bị ô nhiễm và tuân thủ quy trình nguồn cung ứng đạo đức.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc marketing Văn phòng Chứng nhận Halal - HCA Việt Nam cho biết, thị trường thực phẩm Halal tại Trung Đông và châu Phi đang phát triển mạnh, dân số Hồi giáo tại khu vực này ngày càng tăng, tạo cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam như gạo, trái cây, hạt điều, gia vị và thực phẩm chế biến sẵn.

UAE và Ả Rập Saudi là những thị trường tiềm năng lớn, với nhu cầu cao và khả năng nhập khẩu lớn. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần có chứng nhận Halal từ các tổ chức uy tín và nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh hiệu quả với các quốc gia như Ấn Độ và Brazil.

Yếu tố then chốt để xây dựng niềm tin với người tiêu dùng Hồi giáo

Bà Hằng nhấn mạnh, Halal là một chứng chỉ được cấp cho các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn của đạo Hồi, đảm bảo rằng chúng tuân thủ các quy định tôn giáo của người Hồi giáo, đặc biệt là về nguồn gốc, quy trình chế biến và chất lượng sản phẩm.

Với người Hồi giáo, việc tiêu dùng sản phẩm có chứng nhận Halal không chỉ là lựa chọn về chất lượng, mà còn là một phần quan trọng trong đức tin tôn giáo. Họ chỉ tin tưởng sử dụng các sản phẩm được chứng nhận Halal, vì đó là minh chứng rõ ràng về sự tuân thủ các nguyên tắc đạo Hồi trong sản xuất và chế biến.

"Do đó, chứng nhận Halal không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tuân thủ các quy định pháp lý, mà còn là yếu tố then chốt để xây dựng niềm tin với người tiêu dùng Hồi giáo”, bà Hằng nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hằng, chứng nhận Halal hiện nay còn đánh giá các khía cạnh về chất lượng và vệ sinh thực phẩm. Điều này đã thu hút một nhóm người tiêu dùng phi Hồi giáo - những người quan tâm đến sức khỏe và chất lượng sản phẩm. Nhờ sự đảm bảo về chất lượng và an toàn, các sản phẩm Halal ngày càng phổ biến và được ưa chuộng rộng rãi hơn trên thị trường toàn cầu.

Với chuỗi cung ứng Halal toàn cầu ngày càng phát triển, việc cung cấp nguyên liệu Halal ngày càng quan trọng. Các nước trên thế giới hiện nay đều quan tâm đến thị trường Hồi giáo, tạo ra nhu cầu lớn về nguyên liệu Halal. Các nông sản Việt Nam, như gạo, hạt điều, trái cây, gia vị và thực phẩm chế biến sẵn đang là nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng cho nhiều nhà máy trên thế giới.

“Nông sản Việt Nam đạt được chứng nhận Halal không chỉ đáp ứng yêu cầu thị trường mà còn là một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ khi gia nhập vào chuỗi cung ứng Halal toàn cầu”, bà Hằng khẳng định.

Gia tăng cơ hội hợp tác trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu

Theo bà Hằng, việc đạt chứng nhận Halal mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp Việt Nam. Trước hết, chứng nhận Halal giúp sản phẩm tiếp cận các thị trường Hồi giáo lớn, trong đó có Trung Đông và châu Phi, mở rộng cơ hội xuất khẩu.

Đồng thời, chứng nhận Halal tăng cường niềm tin và uy tín của sản phẩm trong mắt người tiêu dùng Hồi giáo và cả nhóm khách hàng phi Hồi giáo quan tâm đến chất lượng và an toàn thực phẩm.

Doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo, nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn Halal và văn hóa tiêu dùng của thị trường Hồi giáo. Ảnh: Hồng Thắm.

Doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo, nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn Halal và văn hóa tiêu dùng của thị trường Hồi giáo. Ảnh: Hồng Thắm.

Ngoài ra, chứng nhận Halal cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp gia tăng cơ hội hợp tác trong chuỗi cung ứng Halal toàn cầu, mở rộng thị trường và gia tăng doanh thu. Trong quá trình đạt chứng nhận, doanh nghiệp cũng đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu rủi ro.

Đặc biệt, chứng nhận Halal giúp doanh nghiệp tạo lợi thế cạnh tranh rõ nét, khẳng định sự khác biệt và dễ dàng tham gia vào các hợp đồng lớn với các đối tác quốc tế.

Tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và đáp ứng tiêu chuẩn Halal. Trước hết là chưa hiểu rõ văn hóa tiêu dùng của thị trường Hồi giáo khiến việc tối ưu hóa sản phẩm và chiến lược marketing gặp trở ngại.

Bên cạnh đó, quy trình cấp chứng nhận Halal cũng khá phức tạp và không đồng nhất giữa các quốc gia, buộc doanh nghiệp phải xin chứng nhận từ nhiều tổ chức khác nhau, gây tốn kém thời gian và chi phí.

Ngoài ra, thiếu nguồn nhân sự có trình độ về Halal trong ngành chế biến thực phẩm và quản lý cũng là một yếu tố hạn chế. Cuối cùng, thiếu nguồn nguyên liệu Halal chất lượng và việc chưa hiểu rõ về quy trình và các tiêu chuẩn Halal cũng tạo ra những thách thức lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Hằng khuyến nghị, để nâng cao năng lực tiếp cận thị trường Halal, doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo, nâng cao nhận thức về tiêu chuẩn Halal và văn hóa tiêu dùng của thị trường Hồi giáo.

Đặc biệt, cần đầu tư xây dựng hệ thống quản lý theo yêu cầu tiêu chuẩn Halal, đảm bảo các quy trình sản xuất và nguyên liệu sử dụng đều đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về vệ sinh và an toàn thực phẩm. Song song với đó, doanh nghiệp nên xây dựng chuỗi cung ứng Halal bền vững và hợp tác với các nhà cung cấp nguyên liệu Halal uy tín để đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng nhất, từ đó tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần phát triển chiến lược marketing phù hợp để quảng bá sản phẩm Halal, nhất là qua các kênh bán hàng chuyên biệt như hội chợ Halal, sàn thương mại điện tử Halal và nền tảng B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp). Các kênh này sẽ giúp doanh nghiệp kết nối trực tiếp với các đối tác quốc tế, mở rộng thị trường và gia tăng sự nhận diện thương hiệu.

Cuối cùng, đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các sản phẩm nông sản có thể đạt chứng nhận Halal, kết hợp với cải tiến quy trình sản xuất sẽ tạo cơ hội mới và mở rộng thị trường cho sản phẩm nông sản Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Giám đốc marketing Văn phòng Chứng nhận Halal - HCA Việt Nam cho biết: “Mặc dù hiện nay chứng nhận Halal chủ yếu áp dụng cho các sản phẩm chế biến như đồ hộp, bánh kẹo, nước giải khát, thủy hải sản..., nhưng với văn hóa tiêu dùng của người Hồi giáo, Halal gần như là yêu cầu bắt buộc cho mọi loại sản phẩm”.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/muon-canh-tranh-hieu-qua-tai-trung-dong-nong-san-viet-can-chung-nhan-halal-d751698.html