Thứ ba 13/05/2025 - 15:41
Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt
'Mưa hạ ở Sài Gòn' vọng vào nhau tiếng trong veo
Thứ Ba 13/05/2025 - 15:30
‘Mưa hạ ở Sài Gòn’ là tên gọi tập thơ chứa đựng nhiều bâng khuâng với cuộc đời, của tác giả Tố Hoài ở độ tuổi bát thập đã trải qua không ít thăng trầm.
- Nhà thơ Thuận Hữu nhặt dọc đường những phút xao lòng
- Lục bát thiền trong miền đồng điệu và đồng cảm thi ca

Tập thơ "Mưa hạ ở Sài Gòn" do Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.
“Mưa hạ ở Sài Gòn” được xuất bản khi tác giả Tố Hoài tròn tuổi 80. Rời làng quê Hải Quang, Hải Hậu, Nam Định từ thời thanh xuân, Tố Hoài đã tận tụy với cuộc đời suốt sáu thập niên qua. Một Tố Hoài bác sĩ quân y, một Tố Hoài giảng viên đại học, một Tố Hoài cầm bút sáng tạo trở thành một khối liên kết bền chặt trong phẩm cách ông vừa khiêm nhường vừa ân cần, vừa khoan hòa vừa quyết liệt như những câu thơ “Mưa hạ ở Sài Gòn” bày tỏ: “Lúc chinh chiến không nề đèo cao dốc thẳm, mồ hôi ướt đẫm vai gầy/ Khi phòng văn dặt dìu Đường luật, cú niêm, chân-mỹ tràn đầy thi tứ”.
Tố Hoài lặng lẽ sống, lặng lẽ viết. Đôi khi, đồng nghiệp thử điểm danh những tác phẩm của Tố Hoài, chắc chắn không khỏi thán phục. Ngoài cuốn “Điển tích văn học” được biên soạn công phu, Tố Hoài có những tiểu thuyết như “Hoàng hôn dát đỏ”, “Ký tự chìm trên bia đá cổ”, “Ký ức miền chân sóng”, “Hoa hồng mùa gió chướng”... cùng những tập truyện ngắn “Giấc hòe hoa bỏ ngỏ”, “Hoa hậu không nước mắt”, “Cung bậc tình yêu”, “Lời cầu hôn đêm Giáng Sinh”...
Với thi ca thì sao? Trước “Mựa hạ ở Sài Gòn”, Tố Hoài từng in 4 tập thơ, nhưng ông không đặt cược quá nhiều cho thơ. Tuy nhiên, qua thơ có thể hiểu thêm số phận ông. Những vần điệu ngỡ chừng không ràng buộc gì, lại hé lộ đầy đủ hành trình Tố Hoài trên nhân gian bận bịu.
Tiểu thuyết có thể hóa thân, truyện ngắn có thể vay mượn, còn thơ thì ứa ra từ chính tác giả. Nhìn vào căn cước công dân có gắn chíp thơ, cho thấy Tố Hoài khoác áo bộ đội “Cây gạo bên hồ, nhắc anh trước tầm thế kỷ/ Ngày tháng vèo đi một thuở nửa thời trai/ Sách vở ngủ nghê, còn anh đi đánh Mỹ/ Đường hành quân phía trước hãy còn dài”, cho thấy Tố Hoài đứng trên bục giảng “Phương nào niềm tin mang sắc tươi hồng/ Nơi ấy vẫn hiện ra nhỏ nhoi bụi phấn/ Có nhịp ve ngân cho cánh bay cao bổng/ Có bảy sắc bắc cầu từ tấm bảng hắt lên”, và cho thấy Tố Hoài chữa bệnh cứu người “Cháo hành hữu đột, vu hồi/ Cùng hào châm tả xung rồi bình yên”.
Quan trọng hơn, với “Mưa hạ ở Sài Gòn”, cho thấy Tố Hoài ẩn giấu một tâm hồn đa cảm phía trong dáng vẻ tao nhã từ tốn: “Tôi tồn tại bởi vì em/ Thoát từ cõi thực làm nên tín điều”.
Nhân vật “em” trong thơ Tố Hoài có thể thực có thể mộng, nhưng lại có ý nghĩa thúc giục ông bày tỏ những yếu mếm run rẩy, từ chốt lát gặp gỡ “Sài Gòn đôi mùa, mong đợi để mà xanh/ Mướt mát lại giữa trưa hè gõ cửa/ Em dìu dịu làn môi hồng như thể/ Thành phố tươi nguyên sắc diện mùa hè” đến bịn rịn xa khuất “Em là con thuyền bơ vơ trước gió/ Trước lênh đênh úa rụng khô gầy” và cả gửi gắm âm thầm “Nơi tay lái chịu sào giữa thời nước nổi/ Bến lở dòng trôi hun hút lũ đầu mùa/ Thuyền gắng gượng vượt màn giông bão xối/ Thương em tứ bề quăng quật nắng và mưa”.
Bước vào tuổi bát thập, Tố Hoài vẫn khước từ những tủn mủn già nua. Ông hướng mắt về kỷ niệm để cồn cào “Mỗi phận đời trước biển quá bao la/ Không gian chiều cánh bay còn dang rộng/ Hương thầm trong ta đo bằng ngọn sóng/ Vị lành nơi khoảng tận gọi nhau về”. Ông hướng mắt về hiện tại để nôn nao “Dòng Hương lơ thơ chảy êm đềm quá đỗi/ Lững thững trong anh từng đợt sóng lừng”.
Thơ đã giúp Tố Hoài níu giữ từng giây phút bâng quơ “Lâng lâng biển với tay đầy trăm năm” và cũng giúp ông lặn ngụp từng khoảnh khắc bất tận “Anh xa em tính bằng quả địa cầu/ Nhưng đã có cây bàng nơi em đứng đợi/ Có cây bàng để em ngoảnh lại/ Hy vọng xanh rờn trên nỗi nhớ dày hơn”.
Tố Hoài là một cây bút văn xuôi lành nghề. Ở tiểu thuyết và truyện ngắn của ông, mỗi chi tiết đều được viết tỉ mỉ và cẩn trọng. Với thi ca, Tố Hoài ít chuyên chú hơn, nhưng ông cũng không dễ dãi với vần điệu. Thơ Tố Hoài chỉnh chu và mạch lạc. Những bài thơ của ông luôn triển khai có lớp lang và có kết cấu, để đạt được một thông điệp nhân nghĩa, khi hư ảo “Vọng vào nhau tiếng trong veo/ Thảnh thơi như buổi học chiều hè tan” lẫn khi hiện hữu “Tôi gặp gương mặt người như đã thân quen/ Nụ cười nở một mùa hoa chào đón”.
Một người chừng mực và khoan hậu như Tố Hoài thì câu chữ luôn dung dị và chân thành. Thế nhưng, thỉnh thoảng thơ ông cũng cần có thêm những bàn chân bước lạc vào miền liêu xiêu hoặc cõi lạc lõng, mới tạo ra những dòng say đắm như “trả em về giấc mơ yêu/ một anh chiếc bóng con diều đứt dây”./.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tri-thuc-nong-dan/mua-ha-o-sai-gon-vong-vao-nhau-tieng-trong-veo-d752902.html