Thứ sáu 18/04/2025 - 13:51
Đô thị và đời sống
Mê Linh có phân khu đô thị rộng 2.160 ha
Thứ Năm 10/04/2025 - 10:10
Huyện Mê Linh (TP Hà Nội) vừa hoàn tất lấy ý kiến cộng đồng đối với quy hoạch phân khu đô thị phía tây Vành đai 4 (phân đoạn 1), diện tích hơn 2.160 ha.
- Khai thác quỹ đất phụ cận Vành đai 4: giá 1,6 triệu đồng/m2 là quá thấp!
- Hà Nội xây dựng Đề án sử dụng đất phụ cận đường Vành đai 4
- Hoàn thành GPMB tại Dự án đường Vành đai 4 chậm nhất trong quý II/2025
- Dự án đường Vành đai 4: Nhân dân đồng thuận cao
Phân khu đô thị phía tây rộng hơn 2.160 ha tại Mê Linh
UBND huyện Mê Linh vừa hoàn tất việc lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư về nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị phía Tây đường Vành đai 4 - phân đoạn 1 (phía Bắc sông Hồng), tỷ lệ 1/2000.
Theo quy hoạch Vùng Thủ đô, tuyến đường Vành đai 4 được định hướng với vai trò liên kết vùng, tăng khả năng kết nối giao thông giữa các địa phương của Vùng Thủ đô, góp phần mở rộng không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất đai, tạo động lực, thúc đẩy, phát triển đô thị hóa, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội nói riêng và các địa phương trong Vùng Thủ đô nói chung.

Đường Vành đai 4 đi qua huyện Mê Linh (TP Hà Nội). Ảnh: Báo Lao động.
Khu vực lập quy hoạch phân khu đô thị thuộc vùng phát triển đô thị phía tây Vành đai 4 và nằm trong địa giới hành chính của 6 huyện: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông với tổng quy mô diện tích khoảng 16.343 ha. Trong đó, khu vực lập quy hoạch phân khu đô thị - phân đoạn 1 thuộc vùng đô thị phía nam sông Hồng của đô thị trung tâm thành phố và nằm trong địa giới hành chính các xã: Hiền Ninh, Minh Trí, Minh Phú, Tân Dân, Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn) và Kim Hoa, Thanh Lâm, Thạch Đà, Hoàng Kim, Tam Đồng, Văn Khê, Đại Thịnh, Liên Mạc, Tự Lập, Chu Phan (huyện Mê Linh). Quy mô, diện tích khu đất lập quy hoạch khoảng 3.331 ha.
Tại huyện Mê Linh, phân khu này khoảng 2.160 ha, huyện Sóc Sơn khoảng 1.171 ha; quy mô diện tích đo đạc khoảng 3.559 ha. Dự báo tổng quy mô dân số của khu vực nghiên cứu đến năm 2045 khoảng 100.000 người.
Khu vực nghiên cứu của huyện Mê Linh thuộc địa giới hành chính các xã: Kim Hoa, Thanh Lâm, Thạch Đà, Hoàng Kim, Tam Đồng, Văn Khê, Đại Thịnh, Liên Mạc, Tự Lập, Chu Phan. Hiện trạng khu vực nghiên cứu chủ yếu là đất nông nghiệp.

Huyện Mê Linh lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư về quy hoạch phân khu đô thị phía tây đường Vành đai 4 - phân đoạn 1 (phía Bắc sông Hồng). Ảnh: Cổng TTĐT huyện Mê Linh.
Ngày 1/4/2025, UBND huyện Mê Linh; Ban Quản lý đồ án; Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị phía tây Vành đai 4 - phân đoạn 1 (phía bắc sông Hồng), tỷ lệ 1/2000.
Kết quả, các đại biểu đồng tình, thống nhất cao với nhiệm vụ quy hoạch phân khu đô thị phía tây Vành đai 4 - phân đoạn 1 (phía bắc sông Hồng), đồng thời mong muốn các cơ quan chuyên môn chủ động rà soát, khớp nối với các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư đã, đang được triển khai, nhằm mở rộng không gian phát triển cho huyện Mê Linh.
Dự án xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là một trong những dự án trọng điểm quốc gia được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội và một số địa phương lân cận. Tuyến đường có tổng chiều dài khoảng 112,8 km, gồm 58,2 km qua địa phận Hà Nội; 9,7 km tuyến nối với cao tốc Hà Nội - Hạ Long và phần đi qua các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.
Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án chậm tiến độ
Tại huyện Mê Linh hiện có 64 dự án bất động sản chậm tiến độ, trong đó nhiều dự án kéo dài từ 15-20 năm. Điển hình là một số dự án như: dự án khu đô thị mới CEO Mê Linh, dự án khu nhà ở Minh Đức và dự án mở rộng khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và...
Theo các chủ đầu tư, các dự án này gặp vướng mắc chủ yếu là do các dự án chuyển tiếp từ thời thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, trước khi sáp nhập về Hà Nội..., dù UBND TP Hà Nội đã gia hạn chủ trương đầu tư để tiếp tục triển khai, quá trình giải phóng mặt bằng vẫn gặp khó khăn do người dân không đồng thuận với mức đền bù. Một số hộ dân đã bàn giao đất nhưng chưa bàn giao sổ đỏ, trong khi các hộ khác yêu cầu mức đền bù cao hơn so với giá thực tế.

Hà Nội giao các sở, ngành rà soát, hoàn thiện các hồ sơ, xem xét về cơ sở pháp lý của các dự án tại huyện Mê Linh và chấp thuận theo hướng cho phép tiếp tục triển khai. Ảnh: Hồng Khanh.
Dự án khu đô thị mới CEO Mê Linh có diện tích hơn 20ha được phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư năm 2020, đến nay, đã hoàn thành được 199.000m2. Do tiến độ yêu cầu dự án phải hoàn thành là quý 4/2026 nên chủ đầu tư kiến nghị huyện Mê Linh báo cáo TP Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Môi trường xem xét giao đất từng phần cho nhà đầu tư thực hiện.
Dự án khu nhà ở Minh Đức (hơn 17ha) và dự án mở rộng khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và (gần 15 ha) có vướng mắc chung là việc đăng ký biến động đất đai đối với phần diện tích tăng thêm. Chủ đầu tư các dự án này đề nghị TP Hà Nội giao đất (đợt 1) với những diện tích đã đủ điều kiện để triển khai các thủ tục và sớm thực hiện dự án.
Giữa tháng 3/2025, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chủ trì phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo Phòng, chống lãng phí của UBND Thành phố bàn về các biện pháp tiến hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các nhóm dự án này.
Chủ tịch TP yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ xử lý vướng mắc; sớm ban hành kết luận phiên họp nhằm thống nhất nhận thức, giao việc cụ thể trong quá trình tổ chức thực hiện nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tháo gỡ những nút thắt cho các nhà đầu tư để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Với 3 dự án này, Chủ tịch TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh giao các sở, ngành khẩn trương rà soát, hoàn thiện các hồ sơ cụ thể, báo cáo xin ý kiến của UBND TP xem xét về cơ sở pháp lý của các dự án và chấp thuận theo hướng cho phép tiếp tục triển khai.
Tại Dự thảo Đề án "Khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ”, TP Hà Nội cho biết đã có phương án tháo gỡ các vướng mắc đối với các dự án chậm tiến độ còn tồn tại từ trước cho tới nay.
TP đang chỉ đạo các Sở, ngành góp ý hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở để báo cáo Bộ Nông nghiệp và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ.
Sau khi Nghị quyết về “Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác” được Quốc hội thông qua, các khu đất thuộc Đề án khai thác quỹ đất vùng phụ cận đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội để tạo vốn phát triển tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có nguồn gốc sử dụng đất toàn bộ là đất khác (không có đất ở) sẽ được xem xét, thí điểm cho phép chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Ngày 26/3/2024, UBND TP có Báo cáo số 80 đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác trên địa bàn TP Hà Nội, trong đó, cho phép TP Hà Nội thực hiện rà soát, công bố công khai các dự án thí điểm thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất từ đất khác sang mục đích đất ở theo quy hoạch xây dựng được phê duyệt.
Cụ thể: Các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư; đã được quyết định chủ trương đầu tư; đã được chấp thuận chủ trương đầu tư; các dự án nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại; các khu đất có quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai phù hợp quy hoạch xây dựng được phê duyệt… được chuyển mục đích sang mục đích đất ở.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/me-linh-co-phan-khu-do-thi-rong-2160-ha-d747276.html