| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 29/05/2025 - 05:10

Thời sự Nông nghiệp - Môi trường

Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi): Cân đối lợi ích địa phương và Trung ương

Thứ Hai 26/05/2025 - 14:43

Quốc hội thảo luận Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi với nhiều điểm mới về phân cấp thu chi, thẩm quyền phân bổ và cơ chế điều tiết giữa Trung ương và địa phương.

Sáng 26/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường để thảo luận về dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi). Đây được xem là một trong những dự luật trọng điểm, ảnh hưởng sâu rộng đến việc quản lý, phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia.

Tăng tính minh bạch, rõ ràng trách nhiệm ngân sách

Phát biểu tại phiên thảo luận, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước nhằm thể chế hóa các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, nhất là trong bối cảnh yêu cầu đổi mới phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi ngày càng rõ nét. Việc sửa luật lần này hướng đến mục tiêu đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương trong khi vẫn tăng cường tính chủ động của ngân sách địa phương.

Điểm nhấn trong dự luật lần này là sự phân định cụ thể trách nhiệm, quyền hạn giữa Trung ương và địa phương. Theo hướng dẫn của dự thảo, cấp nào thực hiện hiệu quả, kịp thời nhất thì được giao quyền quyết định và triển khai theo đúng phương châm: “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) phát biểu. Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) nhấn mạnh, Luật Ngân sách là đạo luật xương sống trong hệ thống tài chính quốc gia, có ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội và liên quan đến nhiều luật khác. Do vậy, việc sửa đổi, bổ sung kịp thời các điều khoản là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Thẩm quyền quyết định chi tiết ngân sách

Một trong những nội dung nhận được nhiều ý kiến khác nhau là quy định tại Điều 19 và Điều 26 về thẩm quyền phân bổ ngân sách Trung ương. Theo Tờ trình của Chính phủ, Quốc hội chỉ quyết định các khoản chi tổng thể, không phân bổ chi tiết cho từng lĩnh vực như giáo dục, đào tạo, dạy nghề, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thẩm quyền này được chuyển cho Thủ tướng Chính phủ theo Khoản 2, Điều 26.

Tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) dẫn Điều 70, Khoản 4 của Hiến pháp 2013, khẳng định Quốc hội là cơ quan quyết định dự toán và phân bổ ngân sách Trung ương. Theo ông, việc phân bổ chi tiết theo từng lĩnh vực là yếu tố then chốt giúp đảm bảo sự minh bạch, sử dụng ngân sách đúng mục tiêu, thuận lợi trong giám sát và truy trách nhiệm. Đặc biệt, những khoản chi lớn như cho giáo dục, đào tạo và khoa học - công nghệ cần được Quốc hội giám sát trực tiếp.

Điều chỉnh tỷ lệ thu ngân sách từ đất: Cân đối lợi ích địa phương và Trung ương

Một nội dung khác thu hút sự quan tâm là đề xuất điều chỉnh nguyên tắc phân chia nguồn thu giữa Trung ương và địa phương, đặc biệt với khoản thu từ tiền sử dụng và thuê đất. Theo dự thảo, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng… sẽ chỉ được giữ lại khoảng 70-80% nguồn thu từ đất, thay vì 100% như hiện nay; phần còn lại nộp về ngân sách Trung ương.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM). Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) bày tỏ sự không đồng tình. Theo ông, với nhu cầu đầu tư công lên tới 1,1 triệu tỷ đồng đến năm 2030, TP.HCM rất cần nguồn lực tài chính ổn định. Việc điều tiết 30% thu từ đất về Trung ương sẽ khiến ngân sách thành phố hụt thu hơn 33.000 tỷ đồng mỗi năm, ảnh hưởng đến các dự án hạ tầng trọng điểm như metro, cầu vượt, kết nối vùng.

Ông đề xuất, ít nhất trong 10 năm tới, không nên áp dụng điều tiết này, hoặc nếu có, chỉ nên giữ ở mức 5-10%. “Điều này sẽ tạo điều kiện cho các đô thị lớn phát huy hết tiềm năng phát triển, đặc biệt khi đang trong giai đoạn sáp nhập, mở rộng không gian đô thị”, ông nói.

Từ góc nhìn của các địa phương còn khó khăn, ĐBQH Nguyễn Thành Nam (Phú Thọ) kiến nghị cần duy trì tỷ lệ địa phương giữ lại 100% nguồn thu từ đất, bởi đây vẫn là nguồn lực chính để đầu tư phát triển. Việc thu hút khoản thu này phải trải qua nhiều công đoạn như quy hoạch, bồi thường, giải phóng mặt bằng… và ngày càng tốn kém do áp lực giá đất và lạm phát.

Nếu áp dụng cơ chế chia sẻ như dự thảo, ông lo ngại sẽ phát sinh thêm chi phí hành chính, đi ngược với chủ trương phân cấp, phân quyền. Ông đề xuất Quốc hội giao Chính phủ quy định cụ thể tùy từng giai đoạn, nhất là sau sáp nhập đơn vị hành chính, để có chính sách phù hợp với thực tế từng địa phương.

Cam kết lắng nghe, hoàn thiện dự luật

Tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết sẽ tiếp tục rà soát, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội một phương án phân chia ngân sách hợp lý, đảm bảo sự ổn định và phát triển lâu dài, đặc biệt là sau năm 2026 - thời điểm Luật Ngân sách sửa đổi có hiệu lực.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định các ý kiến tâm huyết của ĐBQH là cơ sở quan trọng để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật. Ông nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo sát sao các cơ quan soạn thảo và thẩm tra, đảm bảo dự luật khi ban hành vừa đúng tinh thần đổi mới, vừa sát với thực tiễn thi hành ngân sách tại các cấp.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/luat-ngan-sach-nha-nuoc-sua-doi-can-doi-loi-ich-dia-phuong-va-trung-uong-d755015.html