Chủ nhật 04/05/2025 - 06:02
Tái cơ cấu Nông nghiệp
Long An chuyển đổi trên 9.600ha đất trồng lúa kém hiệu quả
Thứ Ba 22/04/2025 - 10:09
UBND tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa năm 2025 với diện tích 9.616ha
- Chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả để nuôi tôm càng xanh hướng hữu cơ
- Hiệu quả từ chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm càng xanh
- Chuyển đổi đất lúa qua trồng sen cho hiệu quả gấp 4 - 5 lần
- Hà Tĩnh chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả
Chuyển đổi cây trồng, thu nhập gấp nhiều lần lúa
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, thời gian qua tỉnh Long An tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả để gia tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Là vùng trồng lúa trọng điểm của tỉnh Long An nhưng do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên những năm qua nhiều nông dân các huyện vùng Đồng Tháp Mười đã chủ động chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang các cây ăn trái như sầu riêng, mít, bưởi da xanh, chanh không hạt... thu về lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác cho lợi nhuận cao. Ảnh: Thanh Bạch.
Điển hình như gia đình ông Ngô Văn Bảy ở xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để trồng khoảng 3.000 dây dưa lưới kết hợp hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Bình quân với diện tích 1.000m2, trừ chi phí mỗi năm ông Bảy thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Tại vùng hạ của tỉnh, ông Nguyễn Văn Trung ở xã Nhựt Ninh, huyện Tân Trụ cũng đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên gia đình ông có thu nhập cao và ổn định. Ông Trung còn tạo việc làm cho hàng chục lao động, hộ nghèo tại địa phương.
Chuyển đổi trên 9.600ha trong năm 2025
Ông Võ Minh Thành, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Long An cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu không những mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giải quyết được việc làm, tăng thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích. Đặc biệt là hạn chế được tình trạng hoang hóa đất nông nghiệp do thiếu nước, bỏ vụ hoặc tình trạng ngập úng kéo dài. Đây cũng được xem là giải pháp để người dân địa phương an tâm đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, hướng đến sản xuất an toàn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Ảnh: Thanh Bạch.
Theo ông Võ Minh Thành, vừa qua, UBND tỉnh Long An đã ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa năm 2025 với diện tích 9.616ha. Trong đó, diện tích cây hàng năm 7.183ha, cây lâu năm 2.349ha và trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản gần 84ha.
Đồng thời, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số vùng, khu vực nhằm khai thác những lợi thế về đất đai, điều kiện tự nhiên của từng địa phương. Bên cạnh đó, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh với khối lượng sản phẩm lớn, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao. Thời gian tới, ngành nông nghiệp Long An sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.
Trong năm 2024, xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là hướng đi bền vững, tỉnh Long An đã có kế hoạch chuyển đổi hơn 5.115ha đất lúa kém hiệu quả. Trong đó, chuyển đổi sang cây hàng năm 3.360ha, cây lâu năm 1.735ha, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản 20ha.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/long-an-chuyen-doi-tren-9600ha-dat-trong-lua-kem-hieu-qua-d748946.html