Thứ năm 17/04/2025 - 19:34
Văn hóa - Thể thao
Làng quê Bắc bộ 700 năm ‘ngụp lặn’ bảo tồn nghệ thuật rối nước
Thứ Năm 17/04/2025 - 18:48
Suốt hơn 7 thế kỷ, những nghệ nhân phường rối nước Nguyên Xá lặn ngụp dưới sân khấu nước diễn xướng, bảo tồn nghệ thuật dân gian của cha ông.
- Chuyện ghi ở phường rối nước Đào Thục
- Mãn nhãn với ‘Huyền sử Yết Kiêu’ phục vụ Tết Nguyên đán
- 'Vọng Xưa' - Một làng quê đáng sống
Đưa cuộc sống dân dã vào rối nước dân gian
Múa rối nước là loại hình nghệ thuật độc đáo sử dụng mặt nước làm sân khấu (gọi là thủy đình), hậu cảnh là tấm y môn được trang trí như một ban thờ lớn trong đình, chùa. Trên mặt nước, những con rối bằng gỗ được điều khiển từ xa qua hệ thống sào hoặc dây bởi các nghệ nhân ẩn mình phía sau phông.
Ra đời cách đây khoảng 700 năm, phường rối nước Nguyên Xá (huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) được xem là một trong những cái nôi của nghệ thuật múa rối nước Việt Nam. Suốt nhiều thế kỷ, sân khấu rối nước nơi đây chủ yếu phục vụ trong phạm vi làng, xã với các tích trò mang đậm màu sắc lễ hội và tín ngưỡng.

Sân khấu biểu diễn của các nghệ nhân múa rối nước Nguyên Xá ở ao làng. Ảnh: Huyền My.
Theo ông Vũ Ngọc Khanh - Nghệ nhân ưu tú, Phó phường múa rối nước Nguyên Xá, phường hiện lưu giữ hơn 1.000 con rối. Trong đó nhiều con rối có niên đại hàng trăm năm, dù không còn sử dụng được nhưng vẫn được cẩn trọng lưu giữ như những "chứng nhân" của thời gian.
Một trong những nhân vật biểu tượng không thể thiếu trong mỗi vở diễn là chú Tễu – hình ảnh dí dỏm, tinh nghịch của một cậu thanh niên làng quê Việt. Chú Tễu tại phường Nguyên Xá có chiều cao đặc biệt lên tới 1m, lớn hơn nhiều so với các phường khác nên cần tới hai nghệ nhân điều khiển cùng lúc để tạo chuyển động linh hoạt.
Hiện phường đang lưu giữ 24 tích trò, trong đó khoảng 2/3 là các trò dây, đồng thời duy trì sử dụng nhạc sống trong tất cả các buổi biểu diễn với 8 nhạc công và 12 nghệ nhân cùng 200 con rối thay vì thu âm nhạc có sẵn như các phường khác.
“Trong 24 tích trò, tiêu biểu nhất của phường Nguyên Xá là trò 'Chạy đàn ngũ phương'. Đây là trò độc nhất tại phường chúng tôi mà không phường nào có thể học theo” - ông Khanh chia sẻ.

Chú Tễu - một trong những nhân vật chính của môn nghệ thuật rối nước. Ảnh: Huyền My.
700 năm nổi nênh cùng con rối
Để làm nên một buổi biểu diễn trọn vẹn, những nghệ nhân múa rối như ông Khanh phải ngâm mình dưới nước hàng vài giờ đồng hồ, có những hồ nước sâu ngập tới cổ, đặc biệt vào những ngày mùa đông giá rét.
Họ cũng phải tập đứng vững dưới địa hình bùn đất. Nếu chân không bám được xuống dưới đất, không giữ được thế thăng bằng thì nghệ nhân có thể bị con trò kéo đi.
Với những nghệ nhân như ông Khanh, rối nước không chỉ là nghề biểu diễn mà còn là niềm đam mê. Dù kinh phí cho mỗi buổi biểu diễn rất hạn chế, không đủ trang trải cuộc sống nhưng họ vẫn quyết gắn bó với nghề. Người là nông dân, người làm công nhân, có người mưu sinh bằng đủ nghề khác, nhưng tất cả vẫn trở lại thủy đình mỗi khi có buổi diễn chỉ vì tình yêu với nghệ thuật truyền thống.
“Nếu không yêu nghề thì chẳng ai theo nổi đâu, vì nghề này đâu có nuôi sống được chúng tôi”, ông Khanh chia sẻ.

Ông Vũ Ngọc Khanh - Nghệ nhân ưu tú, Phó phường múa rối nước Nguyên Xá. Ảnh: Huyền My.
Theo truyền thống, rối nước được xem là “nghề cha truyền con nối” - chỉ truyền cho người trong làng và thường là nam giới. Nhưng ngày nay, tư tưởng ấy đã cởi mở. Các nghệ nhân không còn quan tâm người học là nam hay nữ, là trong hay ngoài làng bởi điều họ mong muốn nhất là có người “giữ lửa” cho nghề, yêu và sống hết mình với nghệ thuật truyền thống.
Theo ông Khanh, đã có rất nhiều bạn trẻ tới đây trải nghiệm thực tế và không thể tiếp tục theo được nghề vì quá vất vả. Nhưng bên cạnh đó, cũng có nhiều bạn hiện tại vẫn bám nghề và được các thế hệ trước chỉ bảo tận tình.
“Tôi theo nghề múa rối nước đã 40 năm. Giờ chúng tôi cũng đã lớn tuổi, chỉ mong có thể truyền lại tất cả bí kíp cho thế hệ sau để nghề không bị thất truyền”, ông Khanh nói.
Hiện tại, phường có nghệ nhân cao tuổi nhất là 80 và trẻ nhất mới chỉ 20 tuổi. Các nghệ nhân cũng đã đi biểu diễn khắp các tỉnh thành trên cả nước, sang nước ngoài như Pháp, Đức, Ý, Đài Loan, Trung Quốc.
Để tiếp nối những gì cha ông đã để lại, phường cũng phối hợp với các trường học trong xã tổ chức các buổi dạy múa rối cho học sinh, giúp các em trải nghiệm thực tế, nuôi dưỡng tình yêu với môn nghệ thuật múa rối truyền thống của quê hương.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/lang-que-bac-bo-700-nam-ngup-lan-bao-ton-nghe-thuat-roi-nuoc-d748854.html