Thứ hai 21/04/2025 - 16:06
Trồng trọt
Khuyến khích tận dụng vỏ quả sầu riêng làm phân hữu cơ
Thứ Hai 21/04/2025 - 15:51
Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk khuyến khích người dân tận dụng vỏ quả sầu riêng để làm phân hữu cơ tái sử dụng cho vườn cây.
- Sóc Trăng đầu tư trên 67 tỷ đồng phát triển nông nghiệp hữu cơ
- Hàng trăm nông dân học sử dụng phân hữu cơ trong sản xuất lúa
- Dự án khai thác than bùn làm phân hữu cơ thu hút khoản đầu tư lớn
- Người miền núi Tây Bắc ủ phân bón vi sinh phục hồi sức khỏe đất
Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 40.000ha sầu riêng, dự kiến cho thu hoạch 1 triệu tấn quả tươi (trong đó 50 - 70% là vỏ). Hiệp hội thường xuyên vận động và khuyến khích người trồng sầu riêng sử dụng phân hữu cơ, hướng tới phát triển bền vững. Trong đó, có giải pháp tận dụng vỏ quả sầu riêng làm phân hữu cơ tái sử dụng cho vườn cây.

Vườn sầu riêng được bón phân hữu cơ thuộc HTX Nông nghiệp Hạnh Phúc (xã Ea Kênh huyện Krông Pắc). Ảnh: Trần Thọ.
Theo ông Côn, diện tích sầu riêng sử dụng phân hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk rất lớn và tiếp tục tăng trong thời gian tới. Việc sử dụng phân hữu cơ có tác động tích cực đến quá trình cải tạo chất lượng đất, làm đất tơi xốp, giảm được khí CO2 thải ra môi trường và giúp cây trồng có bộ rễ khỏe, thân, cành chắc, đặc biệt quả sầu riêng có chất lượng tốt.
“Việc tận dụng vỏ quả sầu riêng để ủ làm phân hữu cơ tái sử dụng vừa giúp người trồng sầu riêng tiết kiệm được chi phí mua phân bón, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm áp lực tìm bãi chứa vỏ sầu riêng”, ông Vũ Đức Côn nhấn mạnh.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 68 mã số vùng trồng và 23 mã cơ sở đóng gói sầu riêng (2 năm nay chưa được cấp mã mới). Theo ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, hiện việc kiểm tra để cấp mã số khó khăn do phía Trung Quốc kiểm tra chặt chẽ hơn, nhất là đối với dư lượng kim loại nặng cùng chất vàng O trên sầu riêng. Biện pháp hữu hiệu và bền vững nhằm hạn chế dư lượng kim loại nặng là hạn chế sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có chứa kim loại nặng, thay thế bằng phân bón hữu cơ.

Anh Triệu Văn Sỹ - thành viên HTX Nông nghiệp Hạnh Phúc (thôn Thanh Xuân, xã Ea Kênh) sử dụng phân hữu cơ cho vườn sầu riêng. Ảnh: Trần Thọ.
Về phía người trồng sầu riêng, ý thức bảo vệ mã số vùng trồng, bảo vệ nguồn thu bền vững cũng khiến họ dần hạn chế phân bón hóa học, thay thế bằng phân bón hữu cơ. Ông Y Kuôm, Giám đốc HTX Kô Siêr tại phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột cho biết: HTX có 75ha trồng sầu riêng, toàn bộ diện tích này đã được cấp chứng nhận VietGAP và được cấp mã số vùng trồng. Trên diện tích sầu riêng này, HTX đã sử dụng phân hữu cơ là phân gà và phân cá.
Theo ông Y Kuôm, năm 2024, sản lượng sầu riêng của HTX khoảng 500 tấn. Năm 2025 sản lượng dự kiến tăng khoảng 10 - 20% nhờ sử dụng phân hữu cơ hiệu quả. Phân hữu cơ được bón thành nhiều đợt, giúp cây trồng, khỏe hơn, sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động.
Tương tự HTX Kô Siêr, HTX Nông nghiệp Hạnh Phúc tại xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc cũng tích cực đưa phân bón hữu cơ vào sản xuất sầu riêng. Ông Dương Văn Đông, Giám đốc HTX cho biết: Cùng với việc áp dụng công nghệ tưới thông minh bằng béc phun và tưới nhỏ giọt, trong quá trình canh tác sầu riêng, HTX chủ yếu dùng phân hữu cơ nhập từ các nước như Bỉ, Hà Lan. Mỗi năm HTX bón phân hữu cơ cho sầu riêng 3 lần tại 3 thời điểm: Sau thu hoạch, nuôi bông và nuôi trái.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/khuyen-khich-tan-dung-vo-qua-sau-rieng-lam-phan-huu-co-d749166.html