| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 02/05/2025 - 06:17

Nông nghiệp

Khúc tráng ca Tân Biên

Thứ Sáu 02/05/2025 - 06:15

Tân Biên - nơi lưu dấu 'Thủ đô kháng chiến' Trung ương Cục miền Nam ngày nay đang bừng lên sức sống mới.

Hồi ức bi tráng

Về thăm “Thủ đô kháng chiến” Tân Biên (Tây Ninh) vào những ngày tháng tư lịch sử, hòa cùng không khí cả nước kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Tân Biên cũng nhộn nhịp hơn hẳn. Từ vùng đất bị chiến tranh tàn phá nặng nề, qua bàn tay kiến thiết của Đảng, nhà nước, chính quyền và nhân dân địa phương, Tân Biên nay đã khoác màu áo mới.

Một góc thị trấn Tân Biên hôm nay. Ảnh: Trần Trung.

Một góc thị trấn Tân Biên hôm nay. Ảnh: Trần Trung.

Đã nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất nhưng trong lòng những cựu chiến sĩ Ban Dân y Trung ương Cục miền Nam, ký ức một thời hào hùng vẫn như những thước phim quay chậm, sống động và đầy cảm xúc.

Trong ký ức ông Phan Văn Thà, một cán bộ Ban Dân y miền Nam năm xưa, những ngày tháng ấy vẫn hiện rõ từng chi tiết. Nay đã ngoài tuổi 70, ngồi bên những phần thưởng cao quý, ông Thà bùi ngùi: "Tôi rất vinh dự khi đã từng sống, chiến đấu, trưởng thành trên mảnh đất Tân Biên này. 

Ông Thà kể, do Tân Biên là căn cứ địa cách mạng nên để bảo vệ căn cứ, ta xây dựng tầng tầng lớp lớp hàng rào bảo vệ. Để đánh phá, địch đã xây dựng rất nhiều sân bay, đặc biệt có sân bay Thiện Ngôn, nơi máy bay C130 - loại máy bay vận tải quân sự hạng nặng của Mỹ có thể hạ cánh. Sân bay này lớn và hiện đại đến mức đủ để khống chế toàn bộ vùng này. Hằng ngày, địch dùng máy bay thả bom và pháo 105 ly bắn phá liên tục.

Chúng còn rải chất độc hóa học xuống để phá rừng, diệt cây cối khiến bộ đội ta không còn đường phục kích. Chưa kể, chúng còn rải thêm "cỏ Mỹ" - loại cỏ mọc nhanh, sắc bén, ai đi qua cũng bị rách da, ngứa ngáy không chịu nổi. Đến mùa khô, loại cỏ này khô như rơm, chỉ cần một quả bom xăng là cháy trụi cả cánh rừng. Nhờ vậy, địch mở rộng vùng trống, làm cho bộ đội ta càng khó phục kích hơn.

Rừng Tây Ninh bị bom đạn và chất độc hóa học của Mỹ tàn phá. Ảnh: Tài liệu Tây Ninh.

Rừng Tây Ninh bị bom đạn và chất độc hóa học của Mỹ tàn phá. Ảnh: Tài liệu Tây Ninh.

"Ngày xưa, huyện Tân Biên còn gọi là quận C105, toàn huyện có 5 xã Tân Hưng, Tân Phong, Thạnh Bình, Mỏ Công và Hòa Hiệp. Rất đỗi tự hào, cả 5 xã này đều được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và huyện Tân Biên cũng được phong tặng danh hiệu Huyện Anh hùng", ông Thà tự hào chia sẻ.

Hồi sinh đất chết

Ông Phan Văn Thà kể, sau giải phóng, đơn vị của ông được tiếp quản Sài Gòn. Dù được tổ chức giao các nhiệm vụ quan trọng, thế nhưng với tình cảm sâu sắc với mảnh đất Tân Biên, ông đã quyết định trở về chiến trường xưa để cùng cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị và người dân bắt tay vào công cuộc tái thiết quê hương.

Đánh Mỹ xong rồi thì về nhà bắt tay sản xuất. Khi ấy, làm nông nghiệp rất gian khổ, cái thiếu nhất là vốn - mà vốn không chỉ là tiền bạc, mà còn giống cây trồng, vật nuôi, phân bón cho đến kiến thức. Đặc biệt, quá trình khai hoang mở đất còn đối mặt rất nhiều hiểm nguy, từ chất độc hóa học cho đến bom đạn còn sót lại, mỗi nhát cuốc bổ xuống có thể đánh đổi bằng cả tính mạng.

Từ năm 1986, khi đất nước bắt đầu xóa bỏ cơ chế bao cấp, khởi đầu công cuộc đổi mới, không khí làm kinh tế rất sôi động, đặc biệt trong nông nghiệp. Thời điểm đó, Đảng ta xác định nông nghiệp là mặt trận hàng đầu. Điều đó không chỉ là khẩu hiệu mà là quyết tâm thực sự, được khẳng định trong tất cả các kỳ đại hội của Đảng.

Khi về địa phương, ông Thà được Ban Tổ chức Huyện ủy phân công giữ chức Phó trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Làm cán bộ lúc đó cũng không hẳn là đi dạy chữ hay dạy nghề, mà đối tượng học lại là những người vừa bước ra khỏi chiến trường, ở đó có cả cán bộ, công chức lẫn những nông dân chân chất thật thà. Khi tổ chức các lớp bồi dưỡng, cũng là cơ hội để bản thân vừa học hỏi, vừa trao đổi thực tế sản xuất cùng học viên.

“Không khí lớp học thời ấy rất vui, đặc biệt là những buổi thảo luận về tình hình địa phương như nông nghiệp, đời sống nông thôn. Qua đó, bản thân cũng nâng cao được rất nhiều kiến thức thực tế”, ông Thà tâm sự.

Từ những kiến thức tích lũy từ trên giảng đường, cùng sự can trường của người chiến sỹ cách mạng và rất đam mê về nông nghiệp, cộng với khát khao cống hiến, ông Thà đã không ngừng tìm tòi, đưa những cây trồng mới, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Trong đó, ông tâm đắc nhất là người đầu tiên đưa giống mì (sắn) cao sản về trồng trên đất Tân Biên. Qua đó, không chỉ giải bài toán thiếu lương thực mà còn đem lại kinh tế cao, không ít bà con nhờ cây sắn đã mua được trâu bò, thậm chí máy cày để nâng cao năng lực sản xuất.

Người dân Tây Ninh khai phá đất hoang để trồng sắn, giải quyết nhu cầu lương thực. Ảnh: Tài liệu Tây Ninh.

Người dân Tây Ninh khai phá đất hoang để trồng sắn, giải quyết nhu cầu lương thực. Ảnh: Tài liệu Tây Ninh.

Ông Thà nhớ lại, do chiến tranh tàn phá, hồi đó, để trồng được một bụi chuối thôi cũng phải lặn lội sang tận Campuchia xin từng mầm nhỏ mang về. Đất Tân Biên khi đó mới khai phá còn rất tốt. Nghe nói ở Long An có giống mì tốt, do đường bộ chưa phát triển, ông phải đi xuồng, xuôi theo sông Vàm Cỏ xuống tận Long An để mua giống.

"Giống mì thời đó quý như vàng, 1.000 đồng thời bấy giờ tương đương cả triệu đồng ngày nay cũng chỉ mua được 1 cây mì bằng đầu ngón tay, cả cây mì chỉ lấy được vài hom. Dù không phải kỹ sư nông nghiệp nhưng qua thực tiễn sản xuất, mình nghĩ ra được cách dùng túi vải bọc tro trùm lên đầu cây để kích thích rễ. Sau hai tuần, cây mì tự nhiên dài ra, cứng cáp, nhờ vậy mà có thêm hom để trồng tiếp”, ông Thà kể.

Vùng đất Tân Biên khi ấy còn thưa người, đất đai bạt ngàn chưa ai khai phá. Ai có sức khai hoang tới đâu, canh tác tới đó. Từ những hom mì đầu tiên, bằng đam mê, lòng kiên trì và đôi bàn tay cần mẫn, ông Thà từng bước mở rộng sản xuất. Đến nay, ông đã sở hữu hàng chục ha đất, đó là thành quả của gần nửa thế kỷ bám trụ, khai phá và xây dựng trên mảnh đất quê hương.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh xây dựng kênh thủy lợi dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về Tân Biên. Ảnh: Tài liệu Tây Ninh.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh xây dựng kênh thủy lợi dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về Tân Biên. Ảnh: Tài liệu Tây Ninh.

Đất cằn nở hoa

Từ thành công với cây mì, khi có của ăn của để, ông Thà tiếp tục đưa những giống cây mới có hiệu quả kinh tế về trồng thử nghiệm, từ cây cao su đến cây ăn quả như bưởi, chôm chôm… và hiện là sầu riêng. Ông là người khá nhạy bén nắm bắt xu thế thị trường, mở ra hướng đi mới cho người dân địa phương.

Theo chân ông Thà đến thăm vườn sầu riêng rộng hơn 50ha của gia đình, chúng tôi như lạc vào mê cung xanh mát. Để đi hết diện tích vườn, ông Thà phải dùng ô tô đời mới chạy một vòng mất hơn 30 phút. Cầm trên tay quả sầu riêng to tròn, nặng gần 3kg, ông Thà chia sẻ: "Đặc thù của huyện Tân Biên là đất trảng, mưa thì ngập, nắng lại không giữ nước, trước đây gần như không thể trồng cây ăn trái. Để canh tác được, nông dân phải cải tạo rất công phu, từ việc lên líp, đào mương đến xử lý đất và nước một cách bài bản.

Ông Thà lái ô tô đưa phóng viên đi thăm vườn sầu riêng bạt ngàn, xanh tốt của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ông Thà lái ô tô đưa phóng viên đi thăm vườn sầu riêng bạt ngàn, xanh tốt của gia đình. Ảnh: Trần Trung.

Ngoài ra, khi chiến tranh đi qua, vùng đất này chỉ toàn những hố sâu do bom đạn cày xới. Sau đó, người dân địa phương đã đổ biết bao mồ hôi, tập trung sức người, sức của cùng máy móc san ủi cho bằng phẳng để canh tác sắn.

"Lúc đó còn nghèo khó nên nhiệm vụ đầu tiên là phải đảm bảo được cái ăn, quyết không để đứt bữa. Sau khi ổn định được lương thực, gia đình tôi cũng như nhiều bà con nơi đây đã mạnh dạn chuyển sang trồng cao su, rồi sầu riêng", ông Thà nói.

Theo ông Thà, để thành công trên vùng đất khó, ngoài nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, phải kể đến bàn tay kiến thiết của Đảng, nhà nước. Minh chứng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt với sự đầu tư công trình thủy lợi Dầu Tiếng, nguồn nước và phù sa từ hồ Dầu Tiếng đã được đưa về các trảng cằn cỗi, rửa sạch những tồn dư chất học học, tăng độ màu mỡ cho đất. Nông dân Tân Biên bắt đầu gieo những mầm xanh hi vọng trên vùng đất chết.

Điều đặc biệt ở ông Thà là dù tuổi đã ngoài 70 nhưng ông khá am hiểu về khoa học công nghệ, chịu khó vận dụng những kiến thức nông nghiệp mới vào sản xuất. Dù có hệ thống thủy lợi, ông vẫn đầu tư hệ thống tưới tiên tiến để tiết kiệm nước, đồng thời giữ cỏ để giữ ẩm cho đất. Ngoài ra, ông cũng biến những hố bom thành ao nuôi cá, tận dụng làm phân đạm cá, kết hợp nguồn phân bò, phân gà sẵn có tại địa phương hình thành quy trình canh tác sầu riêng theo hướng hữu cơ, tuần hoàn khép kín.

Ông Thà phấn khởi bên thành quả của gần nửa thế kỷ bám trụ, khai phá và xây dựng trên mảnh đất quê hương. Ảnh: Trần Trung.

Ông Thà phấn khởi bên thành quả của gần nửa thế kỷ bám trụ, khai phá và xây dựng trên mảnh đất quê hương. Ảnh: Trần Trung.

Hiện cả vườn sầu riêng của ông đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, bảo đảm việc truy xuất nguồn gốc, sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn, áp dụng cơ giới hoá trên cây trồng. Mô hình sản xuất của gia đình ông là địa chỉ quen thuộc của các cấp hội nông dân trong và ngoài huyện đến tham quan học tập kinh nghiệm.

Bạt ngàn sầu riêng

Từ một vùng đất hoang hóa chỉ có mía, mì, ngày nay Tân Biên đang chuyển mình với những vườn sầu riêng bạt ngàn, đây đang là cây trồng có giá trị kinh tế cao bậc nhất hiện nay. Không ít hộ đã trở thành đại gia, có trong tay từ hàng chục đến hàng trăm ha sầu riêng.

Một góc Trung tâm hành chính huyện Tân Biên ngày nay. Ảnh: Trần Trung.

Một góc Trung tâm hành chính huyện Tân Biên ngày nay. Ảnh: Trần Trung.

Dọc những con đường liên thôn, liên xã ở Tân Biên, những căn biệt thự choáng ngợp, ô tô hạng sang, đường thảm nhựa hoặc ít nhất cũng là bê tông vào từng nhà.

Những năm đầu sau chiến tranh, kinh tế Tân Biên chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với cây chủ lực là lúa, khoai mì, đậu phộng và các cây họ đậu... Ngày nay, sản xuất nông nghiệp địa phương tiếp tục giữ vai trò chủ đạo nhưng đã phát triển vượt bậc. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên năng suất, chất lượng nông sản được nâng lên, đáp ứng yêu cầu của thị trường, từng bước hình thành các cánh đồng lớn, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP... Đến nay, Tân Biên đã có 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao. 

Tân Biên từng bước hình thành các cánh đồng lớn, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo VietGAP. Ảnh: Trần Trung.

Tân Biên từng bước hình thành các cánh đồng lớn, áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo VietGAP. Ảnh: Trần Trung.

Lấy cảm hứng từ vùng đất Tân Biên, cố nhạc sĩ Hoàng Việt đã sáng tác bài hát "Lên ngàn", trong đó khắc họa chân thực đặc trưng khí hậu Tây Ninh xưa: Nắng nhiều, đất khô cằn, cây cối thưa thớt. Ngày nay, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác và hệ thống thủy lợi đồng bộ, Tân Biên đã đổi thay, từng bước trở thành vùng đất trù phú, màu mỡ.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/khuc-trang-ca-tan-bien-d749626.html