Thứ năm 24/04/2025 - 16:38
Khoa học - Công nghệ
Khởi động dự án áp dụng giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng
Thứ Năm 24/04/2025 - 16:37
Dự án nhằm phát triển các giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng, tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa.
- Cánh đồng Việt với giá trị gạo xanh, sống lành
- Không có thủy lợi hiện đại, không có 1 triệu ha lúa giảm phát thải
- Canh tác lúa giảm phát thải, lợi nhuận tăng hơn 6 triệu đồng/ha
- Trồng lúa giảm phát thải được ưu đãi vay vốn lên đến 3 tỷ đồng
Tăng sức khỏe đất, giảm phát thải
Ngày 24/4, tại Viện Lúa ĐBSCL (TP Cần Thơ), Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền phối hợp với Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI) và Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) tổ chức lễ khởi động Dự án “Phát triển các giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng, tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa”.

Bấm nút khởi động dự án "Phát triển các giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng, tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa”. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất cả nước, đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia và đưa xuất khẩu gạo Việt Nam đứng hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo cũng đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là công nghệ xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Mỗi năm, ĐBSCL sản xuất khoảng 25 triệu tấn lúa, kèm theo lượng rơm rạ khổng lồ. Tập quán của nông dân thường đốt bỏ rơm rạ trước vụ mới, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe đất và gia tăng phát thải khí nhà kính.
Trước thực trạng trên, Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền đã cùng IRRI thống nhất hợp tác xây dựng và phát triển Dự án “Xây dựng các giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng, tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa” với mục tiêu xây dựng, triển khai áp dụng có hiệu quả các giải pháp sinh học giúp phân hủy nhanh rơm rạ trên đồng ruộng, cải thiện sức khỏe đất, trả lại dinh dưỡng cho đất theo hướng tuần hoàn và giảm phát thải khí nhà kính trong canh tác lúa.
Theo IRRI, việc chuyển đổi rơm rạ từ đốt bỏ sang phương pháp xử lý sinh học mang lại 3 lợi ích quan trọng. Về môi trường, giúp giảm đáng kể phát thải khí nhà kính, đặc biệt là metan và carbon dioxide, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Về lợi ích nông học, giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu và sức khỏe của đất thông qua việc bổ sung chất hữu cơ, cải thiện cấu trúc đất và hoạt động của hệ vi sinh vật có ích. Về lợi ích kinh tế, giúp nâng cao năng suất, chất lượng lúa và giá trị gia tăng thông qua việc tiếp cận các thị trường cao cấp, tăng thu nhập cho nông dân.
Tiến sĩ Robert Cauwell, Trưởng đại diện IRRI Việt Nam nhấn mạnh: "Việc áp dụng cơ giới hóa trong quản lý rơm rạ không chỉ là giải pháp kỹ thuật mà còn là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo Việt Nam. Khi tối ưu hóa được việc quản lý phụ phẩm nông nghiệp trên đồng ruộng, chúng ta đang đặt những viên gạch đầu tiên cho tương lai của nền nông nghiệp bền vững".

Dự án nhằm xây dựng các giải pháp sinh học giúp phân hủy nhanh rơm rạ trên đồng ruộng, cải thiện sức khỏe đất. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Ngô Văn Đông, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền cho biết: Trong khuôn khổ dự án này, Công ty sẽ tập trung nghiên cứu, thử nghiệm và chuyển giao các giải pháp phân hủy rơm rạ tiên tiến theo hướng sinh học, kết hợp với ứng dụng cơ giới hóa để quá trình thu gom và xử lý rơm rạ hiệu quả hơn.
Qua quá trình triển khai các chương trình canh tác thông minh, Bình Điền đã xây dựng được bản đồ dinh dưỡng đất, các điều kiện thổ nhưỡng từng vùng ĐBSCL, qua đó đã nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phân bón chuyên dụng cùng các giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tập quán canh tác tại các vùng ĐBSCL, từ đó giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và bảo vệ môi trường. Cụ thể là dòng sản phẩm Đầu Trâu Bio-Canxi - dòng sản phẩm góp phần xử lý rơm rạ và trả lại dinh dưỡng cho đất lúa hiệu quả nhất.
"Trong dự án này, chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm nêu trên để nâng cao hiệu lực xử lý rơm rạ, tăng hiệu quả sản xuất", ông Đông cho biết.
Cũng theo ông Đông, thời gian qua, Bình Điền đã phối hợp chặt chẽ với IRRI, các viện nghiên cứu, các đối tác, đặc biệt với nông dân để nhân rộng các mô hình, đảm bảo dự án mang lại lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường, xem đây là trách nhiệm trong việc góp phần cùng nông dân xây dựng nền nông nghiệp xanh, an toàn và bền vững.

TP Cần Thơ đã mở rộng diện tích canh tác theo hướng phát thải thấp lên hơn 30.000ha, với mục tiêu đạt 38.000ha vào năm 2025 và 48.000ha vào năm 2030. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Để đánh dấu bước đầu triển khai dự án, Bình Điền và Tập đoàn BioSpring đã ký biên bản hợp tác với mục tiêu nghiên cứu ứng dụng các chủng vi sinh vật để giảm phát thải khí metan (CH₄) trong canh tác lúa nước, hướng tới đưa vào ứng dụng rộng rãi trong sản xuất lúa.
Nằm trong kế hoạch triển khai dự án, Bình Điền cũng đã trao tặng trạm bơm nước thông minh (ứng dụng công nghệ số) cho Viện Lúa ĐBSCL, đánh dấu bước tiến mới trong ứng dụng công nghệ vào quản lý nước tưới trong sản xuất lúa.
Ra mắt nhãn hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp”
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần thơ cho biết, Cần Thơ tiên phong trong chuyển đổi xanh với diện tích canh tác lúa 75.000ha và sản lượng hàng năm trên 1,3 triệu tấn. Hiện nay, Thành phố đã mở rộng diện tích canh tác theo hướng phát thải thấp lên hơn 30.000ha, mục tiêu đạt 38.000ha vào năm 2025 và 48.000ha vào năm 2030.
Theo ông Hè, Dự án “Phát triển các giải pháp phân hủy rơm rạ trên đồng ruộng, tăng cường sức khỏe đất và giảm phát thải trong canh tác lúa” khẳng định quyết tâm của các bên trong việc xây dựng nền nông nghiệp xanh, thông minh và bền vững, vừa đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, vừa góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam về trung hòa carbon vào năm 2050. Sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, viện nghiên cứu, doanh nghiệp và bà con nông dân là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của ngành lúa gạo trong tương lai.

Bình Điền và BioSpring ký biên bản hợp tác phát triển vi sinh vật phân giải metan, giảm phát thải trong sản xuất lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ngay trong lễ khởi động dự án, Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam (VIETRISA) cũng cho ra mắt nhãn hiệu "Gạo Việt xanh phát thải thấp". Ông Bùi Bá Bổng, Chủ tịch VIETRISA cho biết, đây là bước ngoặt mang tính chiến lược trong xây dựng thương hiệu lúa gạo Việt Nam, hướng tới thị trường cao cấp với tiêu chuẩn khắt khe về phát thải carbon. Nhãn hiệu "Gạo Việt xanh phát thải thấp" không chỉ là nhãn hiệu thương mại mà còn là cam kết về trách nhiệm với môi trường và xã hội.
Trong khuôn khổ lễ khởi động dự án, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác tăng cường chuỗi ngành hàng lúa gạo và hợp tác phát triển công nghệ xanh giữa VIETRISA và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giữa Bình Điền và BioSpring về phát triển vi sinh vật phân giải metan, giảm phát thải trong sản xuất lúa. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tiên phong đã được cấp chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu "Gạo Việt xanh phát thải thấp”.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/khoi-dong-du-an-ap-dung-giai-phap-phan-huy-rom-ra-tren-dong-ruong-d750014.html