Thứ sáu 23/05/2025 - 15:23
Khoáng sản
Khai thác khoáng sản gắn với phát triển bền vững
Thứ Sáu 23/05/2025 - 15:09
Đắk Lắk hướng tới việc khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên khoang sản gắn với phát triển bền vững.
- Người dân khốn khổ vì khai thác khoáng sản gây ô nhiễm
- Nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải lập kế hoạch quản lý rủi ro
- Đồng Nai cho doanh nghiệp thuê hơn 20 ha đất để khai thác khoáng sản
- Sơn La tháo gỡ vướng mắc cấp phép khai thác khoáng sản sau đấu giá
Khó kiểm soát khoáng sản liên vùng
Mặc dù không có trữ lượng lớn nhưng tỉnh Đắk Lắk lại sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú với nhiều loại hình như đá xây dựng, cát, sét, than bùn, đá ốp lát, thạch anh, vàng, chì, sắt laterit... Các mỏ khoáng phân bố trải rộng khắp 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, trong đó có những điểm đã được quy hoạch và cấp phép khai thác phục vụ nhu cầu vật liệu xây dựng địa phương và khu vực.

Mỏ khai thác cát trên địa bàn huyện Krông Bông tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Trần.
Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Đắk Lắk có 71 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực. Trong đó, có 48 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, 2 giấy phép khai thác sét sản xuất gạch và 21 giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường.
Việc quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên khoáng sản đã góp phẩn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc cần được giải quyết.
Thực tế cho thấy, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp không lắp đặt hoặc chỉ lắp đặt trạm cân, camera giám sát theo kiểu đối phó; không thực hiện đúng nghĩa vụ báo cáo; khai thác vượt công suất; sử dụng đất tầng phủ, đất san lấp mà không xin phép... Một số mỏ khai thác cát đã gây sạt lở hai bên bờ sông, ảnh hưởng đến dòng chảy, đe dọa an toàn hạ tầng và sinh kế của người dân vùng hạ lưu.

Cơ sở sản xuất gạch tại huyện Krông Ana tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Trần.
Trong khi đó, việc phối hợp quản lý giữa các địa phương giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông chưa thực sự chặt chẽ, nhất là ở cấp xã. Thiếu cơ chế kiểm soát liên vùng đã tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm kéo dài và khó xử lý dứt điểm.
Áp dụng mô hình "khai thác có trách nhiệm"
Nhận thức rõ những thách thức, UBND tỉnh Đắk Lắk đã và đang triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất và định kỳ các đơn vị khai thác; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như gian lận sản lượng, khai thác trái phép, gây ô nhiễm môi trường, kinh doanh vật liệu không rõ nguồn gốc...
Tỉnh cũng triển khai kế hoạch xóa bỏ các bến bãi tập kết khoáng sản trái phép, nhất là cát, sỏi; rà soát việc đóng cửa mỏ sau khi giấy phép hết hiệu lực; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng vật liệu xây dựng nhằm trục lợi.
Về chính sách, Đắk Lắk đang thực hiện rà soát các dự án chậm triển khai hoặc vi phạm để thu hồi giấy phép, chấm dứt hoạt động. Đồng thời, tập trung chống thất thu thuế từ hoạt động khai thác tài nguyên, tăng nguồn thu ngân sách và đảm bảo công bằng giữa các thành phần kinh tế.
Một điểm đáng lưu ý trong công tác bảo vệ môi trường sau khai thác là việc ký quỹ phục hồi môi trường còn thấp, chưa tương xứng với quy mô và thời gian khai thác (thường từ 5–30 năm). Do đó, khi dự án kết thúc, nhiều khu vực mỏ bị bỏ hoang, gây ô nhiễm hoặc mất khả năng sử dụng đất nông nghiệp.

Một khúc sông được cấp phép khai thác cát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Tuấn Trần.
Đặc biệt, trong khai thác sét hiện vẫn chưa có vật liệu thay thế phù hợp, buộc phải tiếp tục khai thác dù biết rằng loại gạch này gây phát thải cao và phá vỡ cấu trúc đất canh tác. Tại nhiều địa phương như Krông Ana, Krông Pắc, Ea Kar… tình trạng địa hình trũng, đất ruộng bị chia cắt sau khai thác khiến người dân không thể tiếp tục canh tác.
Theo các chuyên gia, để giải bài toán phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, Đắk Lắk cần áp dụng mô hình “khai thác có trách nhiệm”, nghĩa là tích hợp công nghệ hiện đại, minh bạch hóa quản lý, giám sát môi trường trong mọi giai đoạn dự án. Công nghệ số như GPS, cảm biến môi trường, hệ thống quan trắc tự động có thể giúp kiểm soát sản lượng khai thác và đánh giá ảnh hưởng môi trường theo thời gian thực.
Song song, tỉnh cũng cần thúc đẩy chuyển đổi mô hình sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng xanh hóa, phát triển gạch không nung, vật liệu tái chế thay cho các vật liệu truyền thống. Việc này vừa tiết kiệm tài nguyên không tái tạo, vừa giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế tuần hoàn mà Việt Nam đang hướng tới.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/khai-thac-khoang-san-gan-voi-phat-trien-ben-vung-d754689.html