Thứ tư 14/05/2025 - 12:12
Nông nghiệp
Hợp tác liên vùng cải thiện hệ thống lương thực ở châu thổ Mekong
Thứ Tư 14/05/2025 - 12:05
Quan hệ đối tác chiến lược Campuchia, Philippines, Việt Nam và CGIAR đảm bảo các giải pháp đổi mới đáp ứng hiệu quả ưu tiên quốc gia về phát triển hệ thống lương thực.
- IRRI triển khai cuộc ‘tổng điều tra’ nông hộ lớn nhất trong 30 năm
- Các tổ chức CGIAR: Báo chí và vai trò truyền tải khoa học vào thực tiễn
- Việt Nam-CGIAR: Hình mẫu hợp tác quốc tế về khoa học nông nghiệp
- Tiềm năng ứng dụng hệ sinh thái số RiceMoRe

PGS.TS.BS Trương Thị Tuyết Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế) trình bày sáng kiến về khí hậu - dinh dưỡng - hệ thống lương thực tại hội thảo CGIAR. Ảnh: KC.
Ngày 14/5, Bộ NN-MT phối hợp Nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp Quốc tế (CGIAR) tổ chức Hội thảo Nhân rộng các sáng kiến đổi mới của CGIAR thông qua hợp tác chiến lược.
Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ NN-MT), nhấn mạnh năm 2025 đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong việc phát triển ngành nông nghiệp bền vững. Đây cũng là cơ hội để đánh giá các thành tựu của Sáng kiến về Bảo vệ Hệ thống Lương thực - thực phẩm tại các vùng Đồng bằng lớn của Châu Á (AMD) và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của các Chương trình Khoa học CGIAR.
"Trước những thách thức phức tạp của biến đổi khí hậu, không một quốc gia, tổ chức hay cá nhân nào có thể đơn độc giải quyết. Hành trình chuyển đổi hệ thống nông nghiệp là một cuộc chạy đường dài, không phải nước rút. Thành công sẽ đến từ sự kiên trì, hợp tác và đổi mới liên tục", ông nói.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, AMD và cơ chế đối tác hợp tác đã thúc đẩy nhiều các sáng kiến sản xuất lúa gạo, nông học bền vững, cũng như phát triển thủy sản. Ảnh: Quỳnh Chi.
Giảm thiểu rủi ro cho các chuỗi giá trị tại vùng châu thổ
Tiến sĩ Bjoern Ole Sander, Trưởng nhóm AMD, khẳng định: "Chúng tôi đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu đáng kể thông qua các mối quan hệ đối tác hiệu quả và các phương pháp tiếp cận đã được kiểm chứng".
Trong giai đoạn 2021-2024, AMD đã thành công phát triển 85 sáng kiến đổi mới và tổ chức hơn 200 hoạt động nâng cao năng lực, tiếp cận trên 8 triệu nông dân và cung cấp thông tin cho các khoản đầu tư trị giá 1 tỷ USD vào các dự án về khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và giảm phát thải trong canh tác lúa gạo tại các quốc gia châu thổ bao gồm Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar và Việt Nam.
Các hoạt động hợp tác và tương tác cũng đã thu hút đầu tư các tổ chức công để hỗ trợ đồng phát triển và phổ biến các Bản tin Khí hậu tại Việt Nam, nhân rộng các Dịch vụ Tư vấn Khí hậu Số (DCAS) được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh của các khu vực và người sử dụng được xác định tại 4 quốc gia dự án.
Trong ba năm triển khai, nghiên cứu về hiệu quả chi phí do Sáng kiến AMD hỗ trợ cũng cung cấp cơ sở cho việc xây dựng hướng dẫn quốc gia chú trọng vào dinh dưỡng. 11.000 nông dân và 52.000 người tiêu dùng được đào tạo, các chính sách chủ chốt như Chiến lược An ninh Lương thực và Dinh dưỡng của Campuchia và Chương trình hành động Quốc gia "Không còn nạn đói" của Việt Nam.

Tóm tắt những thành quả của sáng kiến AMD. Ảnh: CGIAR.
Quy hoạch phát triển vùng châu thổ dựa trên bằng chứng
Tiến sĩ Bjoern Ole Sander, Sáng kiến AMD được Chính phủ New Zealand hỗ trợ mạnh mẽ, nhằm hỗ trợ các nỗ lực thúc đẩy hệ thống lương thực có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và đạt hiệu quả sản xuất cao.
Dữ liệu và công cụ của Sáng kiến AMD đã hỗ trợ huy động một nguồn tài chính đáng kể cho các sáng kiến về khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và sản xuất lúa phát thải thấp, như Hệ thống Theo dõi và Báo cáo Sản xuất Lúa (RiceMore) và bản đồ thích ứng biến đổi khí hậu (CS-MAP) được ưu tiên trong Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam. Tại Thái Lan, mô hình sản xuất lúa phát thải thấp do AMD thúc đẩy đã được đưa vào Chiến lược đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) như một giải pháp giảm nhẹ phát thải.
Ông kiến nghị, "Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ củng cố và phát triển quan hệ hợp tác bền vững, nhân rộng các đổi mới sáng tạo và cách tiếp cận đã được kiểm chứng, thúc đẩy tích hợp các chủ đề chiến lược xuyên suốt, nhấn mạnh yếu tố bình đẳng giới và bao trùm xã hội (GESI) và đầu tư cho sự bền vững dài hạn".

Sáng kiến AMD giai đoạn tới sẽ nhấn mạnh yếu tố bình đẳng giới và bao trùm xã hội. Ảnh: CGIAR.
Bà Caroline Beresford, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, vui mừng trước những thành quả của sáng kiến AMD. Theo bà, việc nhân rộng tác động của nghiên cứu CGIAR tại Đông Nam Á luôn phải song hành cùng các đối tác chiến lược để thúc đẩy phát triển bền vững và toàn diện.
Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Caroline Beresford, khẳng định cam kết tiếp tục hỗ trợ các sáng kiến đổi mới nông nghiệp, tạo điều kiện cho những nỗ lực tập thể để cải thiện, hỗ trợ nông hộ nhỏ, khu vực dễ bị tổn thương tại khu vực châu Á.
Các Chương trình Khoa học và Sáng kiến của CGIAR dự kiến tập trung vào các chủ đề: lai tạo cho tương lai, ngân hàng gen, đổi mới chính sách, cải thiện chế độ ăn và dinh dưỡng, cảnh quan đa chức năng, an ninh lương thực và hệ thống thực phẩm, thực phẩm bền vững từ chăn nuôi và thủy sản, canh tác bền vững, hành động vì khí hậu, nhân rộng tạo tác động, cũng như: chuyển đổi số, chia sẻ năng lực, bình đẳng giới và bao trùm toàn diện.
Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/hop-tac-lien-vung-cai-thien-he-thong-luong-thuc-o-chau-tho-mekong-d753073.html