Chiều 12/4, tại di tích miếu Diều, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đan Phượng long trọng tổ chức Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội diều làng Bá Dương Nội”; Bằng công nhận Danh hiệu Nghề truyền thống Hà Nội “Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội”.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng, miếu Diều và Hội diều làng Bá Dương Nội là nơi thờ Thần Linh Châu Thổ. Theo truyền thuyết, di tích này đã tồn tại từ rất lâu đời, gắn liền với Hội diều của cư dân nơi đây. Giá trị nổi bật của di tích là lĩnh vực phi vật thể. Đó là hội thi thả diều đã được các triều đại phong kiến ban sắc phong tặng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương trao bằng Công nhận Hội diều Làng Bá Dương Nội, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Hồng Thắm.
Lễ hội thi thả diều làng Bá Dương Nội mang ý thức cầu phong (gió) với khát vọng cầu mưa thuận gió hòa để sản xuất canh tác mong có một mùa màng tốt tươi cuộc sống no đủ. Lễ hội phản ánh nét văn hóa tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp ven sông Hồng - con sông lớn nhất vùng Đồng bằng Bắc bộ, có sức ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống sinh hoạt của cư dân vùng hạ du, góp phần hình thành nên dòng chảy văn hóa, văn minh sông Hồng.
Lễ hội thả diều gồm các nghi lễ chính như: Lễ phong môn giải y, dịch phục; lễ dịch phục; lễ tuyên sắc; tế Chính tịch; lễ trình diều; lễ cầu phong (cầu gió) và tiến hành thả diều. Con diều nào đạt giải Nhất sẽ được mang vào miếu tế Thần Linh Châu Thổ…
Hội thi thả diều làng Bá Dương Nội diễn ra trong 3 ngày, ngày 14-16/3 (âm lịch), trong đó chính hội là ngày 15/3, thời điểm bắt đầu một mùa vụ gieo trồng mới của người nông dân thời xưa.
Bà Hồng cho biết thêm, song hành với lễ hội, nghề làm diều sáo ở làng Bá Dương Nội đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ, từ trẻ nhỏ đến người cao tuổi đều thành thạo. Ngày nay, làm diều sáo trở thành nghề mang lại thu nhập đáng kể.

Toàn cảnh Lễ đón nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Hội diều làng Bá Dương Nội” và Bằng công nhận Danh hiệu Nghề truyền thống Hà Nội “Nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội”. Ảnh: Hồng Thắm.
Chủ tịch UBND xã Hồng Hà, huyện Đan Phương Nguyễn Mạnh Hà cho biết, hiện tại làng Bá Dương Nội có 134 hộ gia đình làm diều sáo truyền thống. Làng có 3 nghệ nhân được phong tặng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (loại hình tri thức dân gian).
Trong những năm tới, địa phương sẽ tiếp tục quảng bá, đẩy mạnh phát triển nghề diều sáo gắn với phát triển du lịch, các dịch vụ mới, hấp dẫn phục vụ lễ hội, mang tính biểu tượng văn hóa di sản, hướng đến mục tiêu Hội diều làng Bá Dương Nội và nghề làm diều sáo trở thành một điểm tham quan, du lịch góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể và ngày càng phát triển hơn nữa.
Người làng Bá Dương Nội đã mang diều sáo truyền thống tham gia nhiều lễ hội lớn trong nước và quốc tế như: Festival diều quốc tế tại Thừa Thiên - Huế, Bà Rịa - Vũng Tàu; đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Festival diều quốc tế tổ chức tại các nước Thái Lan (2010; 2014), Trung Quốc (2012); Pháp (2012), Malaysia (2014)…, được bạn bè quốc tế đánh giá cao về sự độc đáo và đậm bản sắc dân tộc của cánh diều Việt Nam.

Hội thi thả diều làng Bá Dương Nội thu hút rất nhiều thanh thiếu niên tham gia. Ảnh: Hồng Thắm.
Với những giá trị đặc sắc, Hội Diều làng Bá Dương Nội vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 372/QĐ-BVHTTDL ngày 21/2/2024 và UBND thành phố Hà Nội công nhận Danh hiệu “Nghề truyền thống Hà Nội” nghề làm Diều sáo làng Bá Dương Nội tại Quyết định số 2982/ QĐ-UBND ngày 7/6/2024.
“Đây là là sự ghi nhận của các cấp, ngành với chính quyền địa phương và nhân dân đã luôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của Hội diều làng Bá Dương Nội, nghề làm diều sáo làng Bá Dương Nội”, ông Hà nhấn mạnh.