| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 06/05/2025 - 19:18

Văn hóa

Họa sĩ Nguyễn Thu Hương tiếp tục khám phá vẻ đẹp lụa

Thứ Ba 06/05/2025 - 19:14

Họa sĩ Nguyễn Thu Hương sau 15 năm vẽ lụa, tiếp tục phô diễn đam mê chất liệu này, bằng triển lãm cá nhân lần thứ 4 có tên gọi ‘Hương của lụa’ tại TP.HCM.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hương.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hương.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hương sau khi hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2012, đã liên tục gây ấn tượng cho công chúng mỹ thuật với những tác phẩm vẽ lụa mang đậm dấu ấn cá nhân. Khác với ba triển lãm cá nhân “Lụa của Hương” năm 2019, “Hương lụa” năm 2021 và “Hương” năm 2022, triển lãm cá nhân lần thứ tư của họa sĩ Nguyễn Thu Hương tại Eight Gallery, TP.HCM kèm sự kiện ra mắt cuốn sách “Hương của lụa” do nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn biên soạn.

Tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thu Hương có gì đặc biệt? Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn chia sẻ: “Ngay từ triển lãm đầu tiên, thậm chí từ những phác thảo hình họa đầu tiên, Nguyễn Thu Hương không ghi lại những ấn tượng ngoại cảnh mà là những hoa lá của thế giới nội tâm được khai triển theo một cách rất riêng, và chị tiếp tục trung thành con đường riêng ấy với những biến thể phong phú của hình họa, bố cục và bảng màu qua từng giai đoạn.

'Hương 8'.

"Hương 8".

Tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thu Hương là thứ hội họa giàu nữ tính, đến mức dù không biết tác giả những bức tranh ấy là phụ nữ thì người xem vẫn cảm nhận được làn hương nữ tính như tràn ngập không gian trưng bày”.

Họa sĩ Nguyễn Thu Hương quan niệm: “Tôi vẫn giữ lối vẽ truyền thống, nghĩa là màu nước trên lụa, vuốt lụa, vẽ lúc khô xen với khi lụa ẩm, chồng nhiều lớp màu để tạo ra một mầu mới, hay làm loang nhòe và biểu giấy dó phía sau tranh. Bản thân chất lụa rất mỏng manh, mịn màng, ít được dùng để tả khối, ánh sáng, và diễn không gian tự nhiên như cách vẽ của sơn dầu”. Vì vậy, tranh lụa của họa sĩ Nguyễn Thu Hương gợi nhớ đến tên một chất liệu có thể mang âm hưởng điêu khắc, vốn xa lạ với sự mềm mại.

'Giấc mơ buổi sáng'.

"Giấc mơ buổi sáng".

Khác hẳn các tác phẩm lụa vẽ người nữ khỏa thân của các họa sĩ nam mà sự trình diễn nỗi khát khao cái đẹp cùng yếu tố phồn thực là cung bậc chủ đạo, lụa của họa sĩ Nguyễn Thu Hương không tận dụng sự óng ả để đặc tả làn da cũng như không làm loang màu để đổ dài những mái tóc mây mà thường là một dáng hình ngả màu xanh biếc hay vàng rực, một khuôn mặt tan nhòa vào nền tranh. Hầu như các nét hấp dẫn của cơ thể người nữ đều song sánh và lẩn khuất trong các hoa văn trang trí.

Các bức tranh hút mắt nhất của họa sĩ Nguyễn Thu Hương luôn thể hiện những âm vực gợi cảm nhất của hình họa cũng như chất liệu. Có thể nói rằng tranh lụa của chị là một hòa âm của tâm hồn người nữ hiện đại kín đáo, e lệ mà vẫn mạnh mẽ và tình tứ...

'Sóng'.

"Sóng".

Cũng như một số họa sĩ vẽ lụa đương đại, lụa của Nguyễn Thu Hương dùng nhiều kỹ thuật đồ họa, một nỗ lực muốn dứt khỏi những đặc trưng của hội họa tả thực với không gian ba chiều. Chất liệu lụa vốn mang theo nó nỗi ám ảnh về sự mong manh mơ hồ cùng cách vẽ nhòe loang đã được chị cùng các họa sĩ vẽ lụa khác cải biến một cách rõ rệt bằng những đường viên đậm nét của hình và những mảng màu đơn sắc.

Với bàn tay tài hoa của họa sĩ Nguyễn Thu Hương, những đường viền của hình tạo thành chuỗi chuyển động liên tục trong bố cục, dẫn con mắt người xem đi theo một giai điệu đầy cảm hứng, đôi khi khá bất ngờ.

'Không tên'.

"Không tên".

Con đường đến với tranh lụa, được họa sĩ Nguyễn Thu Hương bộc bạch: “Tranh lụa hiện nay được nhiều bạn trẻ yêu thích và cũng vẽ nhiều hơn thời tôi còn đi học. Qua các cuộc triển lãm cá nhân, tôi nhận thấy sự thay đổi của bản thân. Nếu lúc đầu quyết định chọn lụa làm chất liệu chính, tôi chỉ nghĩ là chọn cái gì mà ít người chọn nhất, nhưng càng về sau tôi thấy mình nên có đóng góp với chất liệu này dù là rất nhỏ. Từ đó, tôi tìm hiểu kỹ hơn về lụa.

Trong quá trình sáng tác, tôi muốn thay đổi cảm nhận của người xem tranh cả về thị giác và xúc giác với lụa nên ngoài việc vẽ, tôi đã sử dụng những thao tác thủ công như bện, tết, thắt nơ, buộc nút… trên bề mặt tranh. Đó cũng là những điều mới mẻ với chính tôi khi khám phá thêm về chất liệu. Còn trong tương lai, tôi vẫn sẽ tận dụng những đặc tính của lụa, cả ưu điểm và nhược điểm của nó để vẽ, và vẫn là những chủ đề quen thuộc về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam”.

'Tứ tấu'.

"Tứ tấu".

Mong muốn người xem có cảm giác chất liệu lụa của bức tranh như lan tỏa đâu đó trong không gian, họa sĩ Nguyễn Thu Hương khám phá lụa bằng những thao tác thủ công như bện, tết, thắt nơ, buộc...  Chị tách sợi lụa rồi bện, tết, thắt chúng lại ở vị trí có chủ đích trong ý đồ bố cục và điểm nhấn. Những thể nghiệm này không chỉ tạo một bề mặt mới mẻ cho tranh lụa, nó còn là sự bứt phá khỏi không gian hai chiều cố hữu, tăng cảm nhận về chất liệu cả trên phương diện thị giác và vật chất.

'Vườn địa đàng'.

"Vườn địa đàng".

Với tư cách đồng nghiệp đi trước, họa sĩ Nguyễn Thanh Bình đánh giá: “Nguyễn Thu Hương kế thừa tư duy tạo hình của cha ông để đưa vào hội họa của mình. Bắt đầu từ khâu làm phác thảo, chị đã rất lưu tâm đến sự phân bố giữa các mảng hình, màu, nét và khoảng trống... Đôi khi, những khoảng trống ấy lại là tiếng nói chính trong tranh. Kết hợp giữa ý tưởng, ngôn ngữ tạo hình hiện đại và lối vẽ lụa truyền thống là điều họa sĩ Nguyễn Thu Hương đang thể hiện trên mỗi tác phẩm, và sẽ hướng tới trong tương lai nghệ thuật của chị”.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/hoa-si-nguyen-thu-huong-tiep-tuc-kham-pha-ve-dep-lua-d751666.html