| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 20/05/2025 - 05:59

Nông thôn mới

Hộ nghèo hiện thực hóa giấc mơ an cư: [Bài 1] Niềm vui trên quê hương A Phủ

Thứ Ba 20/05/2025 - 05:42

Từ những nếp nhà lụp xụp ẩn mình trong sương sớm, nơi cái lạnh thấu xương từng len lỏi trong mỗi giấc mơ, Bắc Yên hôm nay đang dần khoác lên màu áo mới.

Câu chuyện về sự đổi thay lặng lẽ đang được viết tiếp trên mảnh đất Hồng Ngài, nơi từng hiện lên đầy ám ảnh trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài.

Ngày ấy, bản làng còn heo hút, nghèo khổ. Những mái lều thấp lè tè nép mình trong làn sương mỏng, gió rít xuyên qua vách phên, mưa tạt lạnh buốt. Nhưng Hồng Ngài nay đã khác. Từng ngôi nhà kiên cố mọc lên như những chồi non vươn mình giữa đá sỏi, thắp lên hy vọng và niềm tin từ trong gian khó.

Gia đình anh Thào A Dênh, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài là một trong những hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm hồi cuối năm 2022. Ảnh: Nguyễn Nga.

Gia đình anh Thào A Dênh, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài là một trong những hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm hồi cuối năm 2022. Ảnh: Nguyễn Nga.

Nơi từ trang sách bước ra đời thực

Những ngày đầu tháng 5, chúng tôi tìm về bản Suối Háo, xã Hồng Ngài. Nắng vùng cao gay gắt như thiêu đốt cả đất trời, hắt ánh sáng trắng lóa lên những con dốc chênh vênh và mái tôn lấp lánh. Giữa cái nắng như đổ lửa ấy, từng ngôi nhà kiên cố vẫn sừng sững, như minh chứng cho ý chí quật cường của người vùng cao trước gian khó.

Trong căn nhà khung sắt, tường gạch rộng rãi nằm trên sườn đồi, anh Thào A Dênh vừa kịp trở về nhà sau chuyến gùi hơn 300 cây giống lên lán nương. Ngôi nhà này được gia đình anh xây dựng cuối năm 2022, từ nguồn hỗ trợ xóa nhà tạm của Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường), cùng sự chung tay góp sức của chính quyền xã, bản, bà con và người thân.

Sau khi nhà hoàn thiện, vợ chồng anh gửi con nhỏ cho ông bà chăm nom rồi xuống Quảng Ninh làm công nhân. Nhờ có chỗ ở vững chãi làm điểm tựa, họ yên tâm làm ăn, chắt bóp, dành dụm từng đồng. Năm 2023, gia đình anh chính thức thoát nghèo, một bước ngoặt mà trước đây anh chưa từng dám nghĩ tới.

Anh Thào A Dênh chia sẻ với cán bộ xã Hồng Ngài về cuộc sống sau khi được hỗ trợ xóa nhà tạm. Ảnh: Nguyễn Nga.

Anh Thào A Dênh chia sẻ với cán bộ xã Hồng Ngài về cuộc sống sau khi được hỗ trợ xóa nhà tạm. Ảnh: Nguyễn Nga.

“Trước đây nhà dột nát lắm. Gió rét, mưa xuống là ướt hết. Giờ thì yên tâm rồi. Có nhà kiên cố, vợ chồng mới yên tâm làm ăn, đêm ngủ ngon giấc đến sáng”, anh Dênh chia sẻ.

Chỉ sau hai năm, họ đã trả xong khoản vay làm nhà, lại dành dụm được một ít vốn. Tháng 3 năm nay, vợ chồng anh quyết định trở về quê hương. Mảnh nương cũ được phát dọn, vài con dê mới mua được thả lên triền đồi. Gia đình anh còn đăng ký với huyện xin cấp 320 cây lê giống về trồng, giờ chỉ còn đợi trời mưa. Trở lại mảnh đất thân thương, bắt đầu lại từ chính nơi mình đã sinh ra và lớn lên, dù phía trước còn nhiều thử thách, ánh mắt anh vẫn lấp lánh niềm tin vào một ngày mai no ấm.

Gieo hy vọng trên vùng đất khó

Dẫu chỉ cách trung tâm huyện Bắc Yên chưa đầy 9 km, con đường dẫn lên Hồng Ngài vẫn hun hút những dốc cao dựng đứng, đá gập ghềnh như sóng dữ. Vùng đất này còn là xã đặc biệt khó khăn, địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt, tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn tới hơn 29%.

Thế nhưng, chưa bao giờ hành trình thay đổi lại mạnh mẽ đến vậy. Năm 2025, Hồng Ngài được phân bổ kinh phí hỗ trợ xóa nhà tạm cho 15 hộ khó khăn. Không chờ đợi, không ỷ lại, xã chủ động rà soát, phối hợp với người dân triển khai sớm. Chỉ trong chưa đầy ba tháng, toàn bộ nhà đã hoàn thiện, vượt tiến độ gần một tháng.

Những buổi chung tay dựng nhà trở thành ngày hội ấm áp tình làng nghĩa xóm của bà con vùng cao. Ảnh: Nguyễn Nga.

Những buổi chung tay dựng nhà trở thành ngày hội ấm áp tình làng nghĩa xóm của bà con vùng cao. Ảnh: Nguyễn Nga.

Những buổi chung tay dựng nhà đã trở thành ngày hội ấm áp tình làng nghĩa xóm. Dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, người vùng cao vẫn san sẻ nhau từng ngày công, bao xi măng, viên gạch, cân gạo, góp thành gần 90 triệu đồng để giúp đỡ những hộ không đủ sức tự xây dựng. Những bàn tay chai sạn cùng nhau gánh gồng, khuân vác, dựng nên những mái nhà vững chãi, đồng thời dựng xây cả những niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn.

Sức mạnh của ý Đảng, lòng dân

Không chỉ riêng Hồng Ngài, cả huyện Bắc Yên cũng đang viết nên một kỳ tích. Ngày 15/4 vừa qua, Bắc Yên chính thức cán đích mục tiêu xóa toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và người có công theo kế hoạch năm 2025. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy bốn tháng, 167 hộ nghèo, hộ cận nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, đã được chuyển vào sống trong những ngôi nhà kiên cố, khang trang, thay thế những túp lều phên nứa từng run rẩy trước gió mùa.

Đó không phải phép màu. Điều kỳ diệu ấy là thành quả của sự vào cuộc quyết liệt, chỉ đạo sát sao, tinh thần trách nhiệm cao theo phương châm “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm”. Ngay từ đầu năm, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm cấp huyện đã được thành lập, kích hoạt guồng máy đồng bộ từ huyện xuống xã, bản. Các tổ công tác đã xuống từng hộ, từng bản, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân và hỗ trợ từng phần việc cụ thể.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Bắc Yên bàn giao căn nhà mới cho gia đình anh Phàng A Cang, xã Song Pe. Ảnh: Nguyễn Nga.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện Bắc Yên bàn giao căn nhà mới cho gia đình anh Phàng A Cang, xã Song Pe. Ảnh: Nguyễn Nga.

Hơn 10 tỷ đồng hỗ trợ từ nguồn vốn tỉnh, huyện, doanh nghiệp và cộng đồng đã hóa thành vật liệu xây dựng, ngày công và những mái nhà ấm áp. Gần 11 tỷ đồng còn lại là sự đóng góp quý báu từ chính những người dân, những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi lao động, gửi gắm niềm tin vào từng viên gạch, từng lớp vữa.

Những căn nhà mới không chỉ là nơi che mưa che nắng, mà còn là khởi đầu cho một cuộc sống mới đầy hy vọng. Người dân bắt đầu sửa sang vườn tược, trồng thêm rau xanh, chăn nuôi thêm gia súc. Trẻ con có góc học tập khang trang, người lớn yên tâm đi làm thuê, làm nương. Mỗi ánh đèn sáng lên trong đêm là thêm một giấc mơ về tương lai đủ đầy được ươm mầm.

Anh Sùng A Trang, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài, một trong những hộ cũng đã thoát nghèo sau khi được xóa nhà tạm, xúc động chia sẻ: Có nhà rồi, tôi yên tâm đi làm ăn xa. Mỗi lần về bản, thấy con ngồi học trong căn phòng sáng đèn, lòng tôi nhẹ hẳn, như trút đi bao gánh nặng.

Nụ cười rạng rỡ của anh Sùng A Trang ánh lên niềm hạnh phúc giản dị bên căn nhà mới. Ảnh: Nguyễn Nga.

Nụ cười rạng rỡ của anh Sùng A Trang ánh lên niềm hạnh phúc giản dị bên căn nhà mới. Ảnh: Nguyễn Nga.

Nhìn lại chặng đường đã qua, hành trình xóa nhà tạm ở Bắc Yên không chỉ là câu chuyện của riêng một huyện vùng cao. Đó là biểu tượng cho sức mạnh của sự đồng thuận, nơi ý Đảng hòa cùng lòng dân, nơi những giấc mơ an cư được vun đắp từ những viên gạch nhỏ bé.

Và hành trình ấy chưa dừng lại. Cùng với Bắc Yên, những mái nhà yêu thương đang tiếp tục lan tỏa khắp Sơn La, từ biên cương Sông Mã, Sốp Cộp đến Mường La, Quỳnh Nhai, Phù Yên…. Mỗi ngọn lửa ấm được thắp lên là một bước gần hơn đến mục tiêu cao cả: Không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bà Hà Thị Ngọc Yến, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban chỉ đạo xóa nhà tạm huyện Bắc Yên khẳng định: Xóa nhà tạm không chỉ là nhiệm vụ chính trị, mà còn là một cam kết nhân văn sâu sắc. Đó là cách mà Đảng, Nhà nước đồng hành cùng người dân vượt qua khó khăn, tạo dựng nền tảng vững chắc, điểm tựa cho hành trình thoát nghèo bền vững.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/ho-ngheo-hien-thuc-hoa-giac-mo-an-cu-bai-1-niem-vui-tren-que-huong-a-phu-d752575.html