| Hotline: 0983.970.780

Thứ ba 29/04/2025 - 22:38

Môi trường

Hải Phòng tập trung hoàn thành đề án chuyển đổi xanh trong tháng 8

Thứ Ba 29/04/2025 - 22:27

Đây là yêu cầu của ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng trong cuộc họp vừa qua về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Chuyển đổi xanh trong khu công nghiệp cần được đẩy mạnh. Trong ảnh là Khu công nghiệp Đồ Sơn hiện nay. Ảnh: Đinh Mười.

Chuyển đổi xanh trong khu công nghiệp cần được đẩy mạnh. Trong ảnh là Khu công nghiệp Đồ Sơn hiện nay. Ảnh: Đinh Mười.

Năm 2025, thành phố Hải Phòng chọn chủ đề “Mở rộng không gian kinh tế, đô thị; phát huy cơ chế, chính sách đặc thù; tăng cường chuyển đổi xanh, chuyển đổi số”. Với lợi thế và tầm nhìn dài hạn, Hải Phòng đang trở thành điểm sáng của Việt Nam trong tăng trưởng xanh và bền vững.

Theo ông Lê Tiến Châu - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng, Thường trực Thành ủy đã có chủ trương giao cho các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng đề án chuyển đổi xanh của thành phố Hải Phòng để có nhận thức sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn, nêu bật sự cần thiết và tìm ra giải pháp đủ mạnh, toàn diện để cả hệ thống chính trị và người dân cùng vào cuộc.

Chuyển đổi xanh là lĩnh vực mới, khó, thành phố cần lựa chọn đơn vị tư vấn chất lượng, đáp ứng yêu cầu. Trước mắt, Đảng ủy UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan liên quan tập trung xây dựng đề án kết hợp với dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, phấn đấu hoàn thành trước 30/8.

Nội dung đề án cần xác định rõ mục tiêu tổng quát, cụ thể trong từng giai đoạn để phân bổ nguồn lực phù hợp, nhất là chú trọng các giải pháp theo tinh thần rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ nguồn lực, rõ trách nhiệm. Các cấp, ngành, địa phương được giao xây dựng kế hoạch chuyển đổi xanh phù hợp.

Đảng ủy UBND thành phố được giao tiếp tục triển khai kịch bản tăng trưởng xanh. Sở Xây dựng chủ trì xây dựng, thực hiện kế hoạch giao thông xanh. Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng chủ trì xây dựng các khu kinh tế, khu công nghiệp xanh. Huyện Cát Hải chủ trì xây dựng đảo xanh, du lịch xanh.

Một cảng biển vừa được đưa vào hoạt động tại Hải Phòng với mục tiêu hướng đến là giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thu hút đầu tư. Ảnh: Duyên Vũ.

Một cảng biển vừa được đưa vào hoạt động tại Hải Phòng với mục tiêu hướng đến là giảm thiểu phát thải, bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thu hút đầu tư. Ảnh: Duyên Vũ.

Thực tế cho thấy, Hải Phòng đang rất quyết tâm trong việc triển khai mô hình tăng trưởng xanh thông qua hệ thống các chủ trương, chính sách ngày càng được hoàn thiện, bám sát định hướng của Trung ương. Cùng với đó, việc triển khai Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị cùng các chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu đã và đang được cụ thể hóa thành các chương trình, đề án cụ thể.

Những nỗ lực đó đã bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực khi công tác quản lý môi trường đã có sự chuyển biến từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát. Hay việc đầu tư Trung tâm điều khiển tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường và kết nối dữ liệu từ 57 trạm quan trắc tự động của 32 nguồn thải lớn là một bước tiến công nghệ quan trọng, cho phép giám sát chặt chẽ hơn hoạt động xả thải công nghiệp.

Trong quản lý chất thải rắn, tỷ lệ thu gom xử lý đạt 100% ở đô thị và trên 73% ở nông thôn là một con số đáng khích lệ. Dự án nhà máy đốt rác phát điện tại Đình Vũ đang được thúc đẩy, kỳ vọng giải quyết căn cơ vấn đề rác thải và tạo ra năng lượng sạch.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực trạng, việc chuyển đổi xanh của Hải Phòng vẫn còn nhiều hạn chế khi khoảng cách giữa mục tiêu đề ra và kết quả đạt được còn lớn. Bên cạnh đó, áp lực từ tốc độ phát triển kinh tế, đặc biệt là sự mở rộng nhanh chóng của các khu công nghiệp, hoạt động cảng biển và quá trình đô thị hóa vẫn đang tạo ra gánh nặng lên môi trường.

Do vậy, ngoài sự quyết tâm và khung chính sách đã và đang hoàn thiện, đòi hỏi sự đột phá trong hành động. Theo đó, cần có sự ưu tiên nguồn lực cho các dự án hạ tầng môi trường trọng điểm. Trong việc quy hoạch đô thị, công nghiệp, giao thông cần phải thực sự “xanh hóa” ngay từ khâu lập kế hoạch, không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Và quan trọng hơn cả, cần sự thay đổi trong nhận thức và hành động của toàn xã hội, từ mỗi người dân đến từng doanh nghiệp.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/hai-phong-tap-trung-hoan-thanh-de-an-chuyen-doi-xanh-trong-thang-8-d750889.html