| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 29/05/2025 - 02:47

Phóng sự

Gửi về Quốc hội: A Roàng thèm… cơm

Thứ Sáu 16/05/2008 - 10:55

Toàn xã có hơn 100 ha lúa, làm độc nhất một vụ thì đợt rét đầu năm đã làm hơn 80% diện tích lúa chết. Vì thế hạt gạo trở nên đắt đỏ. 477 hộ dân, 2.388 khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tà Ôi tại xã A Roàng, huyện A Lưới, tỉnh TT-Huế đang…thèm cơm hơn bao giờ hết.

Gửi về Quốc hội: Chạy ăn ở… xã Chúa Chổm
Gửi về Quốc hội: Xã có tới 95% hộ đói!
Gửi về Quốc hội: Sơn Động đói!

Hết gạo ăn sắn...

Nằm cách trung tâm huyện hơn 50km, giáp ranh với tỉnh Quảng Nam, xã biên giới A Roàng được xem là địa phương nghèo nhất miền sơn cước A Lưới. Thu nhập của đồng bào ở đây 100% dựa vào cây lúa, cây sắn. Trớ trêu thay diện tích đất SXNN của xã chỉ chiếm 20%, còn lại 80% lại là… núi đá. Đã thế thiên tai, mất mùa "ghé thăm" thường xuyên, cộng thêm sinh đẻ không có kế hoạch khiến đời sống người dân rơi vào vòng khốn quẫn.

A Roàng khắc khoải thèm... cơm

Đến bữa ăn giữa mùa giáp hạt, vào nhà nào cũng thấy toàn là sắn và rau rừng. "Đột nhập" nhà ông Quỳnh Nháp, 81 tuổi, ở thôn A Roàng I. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá. Giữa sân sắn tươi chất thành đống. Bữa ăn trưa của hai ông bà và 8 đứa con chỉ độc nhất nồi sắn luộc và đĩa rau. Người lớn cố ăn cho qua bữa để lên nương, vào rừng. Nhưng những đứa trẻ gầy tong, đen cháy vì nắng gió và thiếu ăn thì ngồi trệu trạo nhai không buồn nuốt.

Bà Kăn Nháp, vợ ông vừa ăn vừa lau nước mắt khóc thầm khi nhìn cảnh đàn con ăn uống trệu trạo. Gia đình ông Nháp chuyển khẩu phần bữa ăn từ cơm sang sắn đã gần một năm nay. Chính xác là từ tháng 6 năm ngoái, sau khi thu hoạch vụ lúa ĐX được gần một tháng. Với 10 miệng ăn, chỉ sau hơn một tháng là trong nhà đã không còn một hạt gạo.

Tính hết mọi đường từ vào rừng lấy song mây, lá nón về bán cho đến ra huyện làm thuê cũng chỉ kéo dài thêm “những ngày ăn cơm” được thêm tháng nữa. Cũng may mà còn 9 sào sắn trên nương. “Ở thôn này, sau mùa thu hoạch được ít tháng hầu như nhà nào cũng phải ăn sắn thay cơm cả. Lúa thì được ít mà con lại đông, lấy mô ra mà ăn”, ông Nháp tâm sự.

A Roàng I có 73 hộ dân nhưng có đến gần 400 khẩu. Bình quân nhà nào cũng 6-7 miệng ăn, có nhà lên tới 10 miệng. “Ăn sắn là chuyện bình thường. Chỉ khi nào sau vụ mùa hoặc có cứu trợ thì mới được ăn cơm thôi. Nhưng một năm như vậy cũng chỉ được ít tháng”, Trưởng thôn A Viết Kình chua xót.

Cạnh nhà ông Nháp là gia đình anh Hồ Văn Nước (1971) và chị Tần Thị Hồn (1972). Cùng với 5 đứa con, hai vợ chồng họ cũng "điệp khúc" ăn sắn quanh năm. 7 miệng ăn đều trông vào 3 sào lúa và 4 sào sắn cùng một đôi bò làm vốn. Nhưng do không có tiền mua phân bón nên đến kỳ thu hoạch lúa chỉ cao hơn gang tay, gom toàn bộ được gần…nửa tạ. Đợt rét đầu năm cũng cướp luôn đôi bò. Thành thử một năm cả gia đình anh Nước chỉ có vài ngày ăn cơm…

Không chỉ A Roàng I mà cả A Roàng II, Ka Lô, A Chỉ, A Ho, A Min…,cuộc sống của nông dân 9 thôn, 24 cụm thuộc xã A Roàng ngày cứ trôi đi với khẩu phần ăn chính hàng ngày là sắn.

...Hết sắn ăn gì?

Giáp A Roàng I là thôn Ka Lô, A Ka, rồi đến A Min, A Ho… vẫn là cảnh “ăn sắn thay cơm”. Nguồn thu nhập chính của bà con cũng là những ruộng lúa cằn cỗi nằm chênh vênh bên bờ núi đá, những nương sắn bị bới đào nham nhở. Lúa hết, sắn ăn mãi rồi cũng hết. Nhiều hộ gia đình đã không còn sắn để ăn.

Suốt một năm nay số lần được ăn cơm của Hòn Thị Hình (1991), thôn Ka Lô chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhìn vào hoàn cảnh hiện tại của gia đình Hình thật bi đát. Lấy chồng năm 14 tuổi, một năm sau sinh con. Không những vậy hai vợ chồng còn phải nuôi thêm mẹ già, em chồng, dồn lại 6 miệng ăn. Họ chỉ biết mùi của bữa cơm khi có…đợt cứu trợ. Ngay cả món ăn quen thuộc nhất của đồng bào nơi đây là sắn nhiều khi với họ cũng là một giấc mơ. Sắn hết, bí quá anh chồng phải vào rừng đào củ mài, sắn dây về nuôi vợ, nuôi con. Nhiều hôm hai vợ chồng phải ăn rau rừng trừ bữa.

Đào sắn ăn thay cơm

Với 11 miệng ăn trong nhà, Quỳnh Giỗ (1937), thôn A Min phải chật vật lắm mới kiếm đủ sắn để đưa gia đình qua mùa giáp hạt, nhưng rồi đây khi sắn hết không biết lấy gì để ăn. “Ở đây một số nhà đã lên rừng đào củ mài về ăn trừ bữa rồi. Tội bọn trẻ lắm, ngày nào cũng bảo nhau không biết đến bao giờ mới được ăn cơm thoả thích”, Quỳnh Giỗ rưng rưng tâm sự. Thiếu ăn, người lớn tất bật chạy bữa, trẻ con không muốn đến trường. Bóng đêm đói nghèo đang dần bao trùm lên xã miền sơn cước.

Trao đổi với NNVN ông Nguyên Piu Nih, PCT UBND xã A Roàng buồn bã: “Cũng may bà con cũng quá quen với việc ăn sắn thay cơm rồi. Chỉ lo một điều là tổng số nợ ngân hàng của dân trong xã đã gần 500 triệu đồng, không biết khi nào mới trả nổi”. Cũng theo ông Nih, bên cạnh điều kiện sản xuất quá khó khăn thì đẻ nhiều chính là nguyên nhân đẩy dân A Roàng đến chỗ thiếu ăn.

Quanh năm ăn sắn trừ bữa, dân A Roàng đang sống những tháng ngày trong nỗi khắc khoải… thèm cơm. Chẳng biết đến bao giờ bà con có thể chuyển khẩu phần ăn chính là sắn? Chia tay chúng tôi ông Quỳnh Nháp ao ước: “Chúng tôi thì đã quen rồi nhưng chỉ tội cho bọn trẻ. Chắc có lẽ chỉ còn cách... chờ viện trợ”.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/gui-ve-quoc-hoi-a-roang-them-com-d13630.html