| Hotline: 0983.970.780

Thứ tư 23/04/2025 - 15:01

Khoa học - Công nghệ

GS.TS Võ Đại Hải: Báo Nông nghiệp và Môi trường là người bạn đồng hành của các nhà khoa học

Thứ Tư 23/04/2025 - 14:55

'Tôi tin tưởng và kỳ vọng Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục là người bạn đồng hành của Khoa học và Công nghệ', GS.TS Võ Đại Hải.

Một cơ quan báo chí liên tục đổi mới

Trước tiên cần khẳng định, sự thành công của ngành nông nghiệp và PTNT nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng không thể thiếu sự đồng hành của các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Báo Nông nghiệp Việt Nam trước đây (nay là Báo Nông nghiệp và Môi trường).

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, những năm qua, Báo Nông nghiệp Việt Nam là một trong những kênh truyền thông về lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN) quan trọng để giới thiệu những tiến bộ KHCN, giúp những giống mới lâm nghiệp chọn tạo được đưa vào sản xuất và những mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình phát triển rừng bền vững đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân trên toàn quốc.

Các bài viết trên Báo đã giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ngành nông nghiệp đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Báo cũng cung cấp những thông tin chính luận về phát triển rừng, chứng chỉ rừng, carbon rừng và phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững ngành lâm nghiệp vào thực tiễn cuộc sống. 

Với hệ thống tin tức cập nhật và đổi mới liên tục, từ chỗ chỉ có báo viết thuần túy, đến nay, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã đa dạng hóa và có nhiều hoạt động cũng như các loại hình sản phẩm báo chí như báo điện tử, báo hình, báo phát thanh, phóng sự, tọa đàm, diễn đàn... Nhờ đó, Báo đã truyền tải nhanh chóng những những kết quả nghiên cứu KHCN, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội. 

Các chuyên mục về KHCN, các mô hình thực tiễn sinh động được giới thiệu trên Báo không chỉ phản ánh thành tựu nghiên cứu của các tổ chức KHCN mà còn giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, dễ hiểu để ứng dụng vào thực tế sản xuất. Có thể nói, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã trở thành cầu nối quan trọng, người bạn đồng hành cùng các nhà khoa học và người nông dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả hơn.

GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (bên trái) trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Bá Thắng. 

GS.TS Võ Đại Hải, Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (bên trái) trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Bá Thắng. 

Gần đây, Báo cũng tạo các diễn đàn để các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và người sản xuất lâm nghiệp trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ những khó khăn, thách thức trong việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới. Nhờ đó, nhiều mô hình sản xuất tiên tiến đã được triển khai rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của ngành lâm nghiệp.

Đồng hành thực hiện sứ mệnh của ngành lâm nghiệp

Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam có 17 đơn vị trực thuộc trải dài từ Bắc vào Nam, quản lý hơn 11.700ha. Đặc biệt, Viện có hệ thống phòng thí nghiệm với nhiều trang thiết bị hiện đại, trong đó có Phòng Thí nghiệm Vật liệu và Công nghệ gỗ đạt chuẩn Vilas Quốc gia phục vụ giám định gỗ.

Trải qua 60 năm hoạt động, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đã thực hiện gần 1.200 công trình nghiên cứu khoa học các cấp. Đặc biệt, Viện luôn là cơ sở chọn tạo giống cây lâm nghiệp hàng đầu trong nước, chiếm trên 90% số giống cây trồng lâm nghiệp được công nhận. Thành tựu đó của Viện luôn có vai trò đồng hành, kết nối, cổ vũ, động viên to lớn của Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Sự ra đời của Báo Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở sáp nhập Báo Nông nghiệp Việt Nam và Báo Tài nguyên và Môi trường là bước đi nâng cao vai trò, quy mô và vị thế của Báo.

GS.TS Võ Đại Hải (bìa phải) đánh giá cao sự gắn bó, đóng góp của Báo Nông nghiệp Việt Nam trong hoạt động truyền thông về khoa học công nghệ ngành lâm nghiệp. Ảnh: Bá Thắng.

GS.TS Võ Đại Hải (bìa phải) đánh giá cao sự gắn bó, đóng góp của Báo Nông nghiệp Việt Nam trong hoạt động truyền thông về khoa học công nghệ ngành lâm nghiệp. Ảnh: Bá Thắng.

Mặt khác, Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cũng đã đưa ra các định hướng mới cho sự phát triển KHCN.

Chính vì vậy, các nhà khoa học đang rất kỳ vọng vào sự đổi mới, lớn mạnh, hiệu quả của Báo Nông nghiệp và Môi trường, sự tham gia và phối hợp chặt chẽ hơn giữa Báo Nông nghiệp và Môi trường với các tổ chức KHCN của ngành để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu tới người sử dụng, nâng tầm trong bối cảnh và yêu cầu mới của đất nước.

Từ cột mốc lịch sử Nghị quyết 57–NQ/TW ra đời, thông qua Báo Nông nghiệp và Môi trường, chúng tôi cũng chờ đợi và kỳ vọng Chính phủ sẽ ban hành các chính sách mới một cách đồng bộ nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn của lĩnh vực này. Đặc biệt là các chính sách liên quan đến cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN theo hướng đơn giản hóa tối thiểu các thủ tục hành chính vì hiện nay các nhà khoa học đang phải mất rất nhiều thời gian cho các thủ tục này.

Với tư cách Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, tôi kiến nghị cần có sự đột phá về vấn đề giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí cũng như giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các tổ chức KHCN công lập vì các đơn vị đã đi vào tự chủ từ nhiều năm nay. Song song với đó, cần có cơ chế và chính sách đột phá về tiền lương để đời sống của các nhà khoa học ngày một tốt lên, từ đó có thể giữ chân được nhân tài, tránh tình trạng "chảy máu chất xám" như hiện nay.

Để thực hiện sứ mệnh mới của ngành lâm nghiệp, GS.TS Võ Đại Hải cho rằng rất cần thiết sự giới thiệu, đồng hành, cổ vũ và lan toả của Báo Nông nghiệp và Môi trường.

Để thực hiện sứ mệnh mới của ngành lâm nghiệp, GS.TS Võ Đại Hải cho rằng rất cần thiết sự giới thiệu, đồng hành, cổ vũ và lan toả của Báo Nông nghiệp và Môi trường.

Các nhà khoa học chúng tôi cũng kỳ vọng với sự đầu tư đủ lớn của nhà nước cho KHCN, cơ sở vật chất và trang thiết bị sẽ được cải thiện và nâng cấp theo hướng hiện đại để có thể tiếp cận công nghệ mới như AI, chuyển đổi số..., từ đó thúc đẩy nhanh tiến trình đổi mới để có những sản phẩm KHCN có giá trị cho đất nước.

Ngoài ra, cần có chính sách và giải pháp thúc đẩy sự gắn kết, liên kết giữa các doanh nghiệp với các tổ chức KHCN trong vấn đề nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao. Đối với lĩnh vực lâm nghiệp, vấn đề liên kết này hiện nay vẫn còn rất yếu. Nên chăng cần có cơ chế phối hợp, tăng cường liên kết, trong đó có vai trò kết nối, lan toả của Báo Nông nghiệp và Môi trường.

Bước vào kỷ nguyên mới, chúng tôi xác định, cùng với sự thay đổi, đòi hỏi tất yếu của thực tiễn, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cũng không ngừng thay đổi. Người làm khoa học giờ đây bắt buộc phải nằm lòng phương châm "nghiên cứu gắn với thị trường", xác định các nhiệm vụ khoa học đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, phục vụ được cho thực tiễn sản xuất và các nhà khoa học phải nắm sát yêu cầu của thị trường, làm việc theo đơn đặt hàng của thị trường.

Để thực hiện được sứ mệnh này, tôi nghĩ rằng rất cần thiết sự giới thiệu, đồng hành, cổ vũ và lan toả của Báo Nông nghiệp và Môi trường.

"Tôi nghĩ rằng nội dung của Báo Nông nghiệp và Môi trường giờ đây không chỉ đưa các tin KHCN về nông nghiệp như trước đây mà còn mở rộng thêm các kết quả nghiên cứu KHCN về tài nguyên và môi trường – những vấn đề rất được quan tâm.

Tôi tin tưởng và kỳ vọng Báo Nông nghiệp và Môi trường sẽ tiếp tục là người bạn đồng hành của ngành KHCN nông nghiệp nói chung và lĩnh vực khoa học lâm nghiệp nói riêng, tất cả vì mục tiêu phát triển bền vững".

(GS.TS Võ Đại Hải).

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/gsts-vo-dai-hai-bao-nong-nghiep-va-moi-truong-la-nguoi-ban-dong-hanh-cua-cac-nha-khoa-hoc-d742458.html