| Hotline: 0983.970.780

Thứ sáu 23/05/2025 - 15:49

Lâm nghiệp

Giải mã ‘sức khỏe’ cây xanh bằng công nghệ hiện đại

Thứ Sáu 23/05/2025 - 15:41

Ứng dụng công nghệ hiện đại kiểm tra sức khỏe cây xanh, giúp phát hiện sớm rủi ro gãy đổ, bảo vệ an toàn cho người dân, góp phần giữ gìn môi trường sống.

Tiến hành kiểm tra 'sức khỏe' cây xanh tại Công viên Tao Đàn bằng sóng âm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tiến hành kiểm tra "sức khỏe" cây xanh tại Công viên Tao Đàn bằng sóng âm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan và đô thị hóa phát triển nhanh chóng, các đô thị lớn đang đối mặt với nhiều thách thức trong công tác quản lý và bảo vệ hệ thống cây xanh đô thị. Trước nhu cầu đảm bảo an toàn cho người dân cũng như gìn giữ “lá phổi xanh” cho thành phố, việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến để đánh giá sức khỏe cây xanh định kỳ, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và an toàn là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan, cây xanh tại TP.HCM đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc điều hòa không khí, giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt đô thị, chống xói mòn đất và bảo vệ đa dạng sinh học. Tán cây tạo bóng mát trên các tuyến đường lớn như Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Phùng Khắc Khoan... hay các công viên, Thảo Cầm Viên... không chỉ làm dịu bớt cái nắng gay gắt mà còn mang đến không gian sống lành mạnh hơn cho người dân.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cây xanh cũng giống như con người, đều có tuổi thọ và sức khỏe. Nếu không được theo dõi thường xuyên, các dấu hiệu suy yếu có thể bị bỏ qua, tiềm ẩn nguy cơ gãy đổ bất ngờ trong mùa mưa bão, gây thiệt hại về người và tài sản.

Trước đây, việc kiểm tra cây xanh chủ yếu dựa vào phương pháp quan sát trực quan bằng mắt thường. Lực lượng kỹ thuật sẽ ghi nhận các dấu hiệu bất thường như sâu bệnh, nấm, mối, khô mục,… xuất hiện trên các bộ phận của cây như rễ, gốc, thân, cành, lá… để đưa ra đánh giá. Tuy nhiên, phương pháp này phụ thuộc nhiều vào khả năng quan sát và kinh nghiệm người thực hiện và không thể phát hiện được các bất thường bên trong thân cây hoặc dưới mặt đất.

Nhận thấy những hạn chế đó, hiện nay một số đơn vị đã ứng dụng các công nghệ hiện đại trong việc “khám sức khỏe” cho cây xanh. Việc triển khai hiện đang được áp dụng thí điểm và từng bước mở rộng.

Một trong những công nghệ nổi bật là Sonic Tomography - công nghệ sử dụng sóng âm để kiểm tra chất lượng thân và rễ cây, tương tự như kỹ thuật chụp x-quang trong y học, đã được Trung tâm Sinh thái và Tài nguyên (thuộc Viện Công nghệ Tiên Tiến) tiên phong triển khai.

Anh Nguyễn Đình Phúc, phụ trách kỹ thuật các hệ thống “khám sức khỏe” cho cây xanh Trung tâm Sinh thái và Tài nguyên cho biết, công nghệ sóng âm này giúp phát hiện các vùng mục ruỗng, hư hại ở phần gỗ bên trong thân cây mà mắt thường không thể nhìn thấy và còn hỗ trợ xác định tỉ lệ suy giảm khả năng chịu lực của cây để đánh giá nguy cơ gãy đổ.

Bên cạnh đó, Viện Công nghệ Tiên Tiến cũng đang thử nghiệm hệ thống đo dòng nhựa (Sap Flow Meter) có kết nối IoT để theo dõi lượng nước vận chuyển trong cây cả ngày và đêm, qua đó đánh giá hoạt động sinh lý và phát hiện sớm các bất thường đối với sức khỏe cây. Một hệ thống chuyên dụng khác là thiết bị đo quang hợp (Licor LI-6800) cũng được đưa vào sử dụng để đo hiệu suất quang hợp – một chỉ số phản ánh sức sống và khả năng thích nghi của cây trước các điều kiện thời tiết cực đoan.

Từ các dữ liệu thu thập, các chuyên gia tiến hành đánh giá tình trạng sức khỏe và mức độ rủi ro để đưa ra khuyến nghị cắt tỉa, chằng chống, chăm sóc hay loại bỏ những cây có nguy cơ gãy đổ cao. Toàn bộ quy trình này được tổng hợp thành báo cáo chuyên sâu, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch quản lý cây xanh hiệu quả và khoa học hơn.

“Mặc dù chi phí đầu tư cho các thiết bị công nghệ khá cao và đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật, nhưng xét về lâu dài, đây là hướng đi mang tính chiến lược, giúp TP.HCM nói riêng và các đô thị ở Việt Nam chủ động hơn trong phòng ngừa rủi ro, đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời bảo vệ hiệu quả tài sản xanh quý giá của thành phố”, anh Nguyễn Đình Phúc cho hay.

Kiểm tra miễn phí 'sức khỏe' cây xanh tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Kiểm tra miễn phí "sức khỏe" cây xanh tại Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Cũng theo anh Nguyễn Đình Phúc, thời gian qua Viện Công nghệ Tiên Tiến đã hỗ trợ đo đạc, kiểm tra cây xanh miễn phí tại một số trường học trên địa bàn TP.HCM như: Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Tiểu học Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh); THCS-THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (cơ sở quận 1); Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP. HCM (cơ sở quận 5 và Linh Trung).

Việc kiểm tra đã giúp phát hiện sớm những rủi ro ở một số cây xanh, giúp nhà trường thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn cho học sinh hiệu quả.

Đánh giá sức khỏe các cây Di sản, cây cổ thụ tại các di tích thuộc Trung tâm bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Đình Phúc.

Đánh giá sức khỏe các cây Di sản, cây cổ thụ tại các di tích thuộc Trung tâm bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo. Ảnh: Đình Phúc.

Đơn vị cũng đã phối hợp triển khai đánh giá sức khỏe các cây Di sản, cây cổ thụ tại các di tích thuộc Trung tâm bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Thảo Cầm Viên Sài Gòn (quận 1, TP.HCM)... để các ban quản lý có kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho những cây cổ thụ và đảm bảo an toàn cho du khách tham quan tại các địa điểm này.

Đầu năm 2025, UBND TP.HCM ban hành kế hoạch thực hiện "Chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030", giao các đơn vị liên quan đặt mục tiêu đến năm 2030 diện tích đất cây xanh công cộng trên địa bàn đạt tối thiểu 1 m²/người; phát triển thêm 10ha mảng xanh công cộng; trồng mới và cải tạo 50.000 cây xanh.

Việc đánh giá định kỳ và khoa học sức khỏe cây xanh là chìa khóa để các đô thị giữ vững “lá chắn sinh thái” trước những thách thức đang ngày càng lớn.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/giai-ma-suc-khoe-cay-xanh-bang-cong-nghe-hien-dai-d754439.html