| Hotline: 0983.970.780

Thứ bảy 19/04/2025 - 19:48

Tri thức nông dân

Đường lây lan và cách phòng bệnh héo vàng hại chuối

Thứ Sáu 07/03/2025 - 17:57

TS Nguyễn Huy Chung, Trưởng bộ môn Bệnh cây - Miễn dịch thực vật (Viện Bảo vệ thực vật) giải thích mối nguy và cách phòng ngừa bệnh Panama trên cây chuối.

Bệnh hại do nấm Fusarium và tuyến trùng là thách thức lớn trên toàn thế giới, gây ra các bệnh vàng lá Panama trên chuối, bệnh héo rũ ở dưa hấu, bệnh lúa von và nhiều bệnh khác. Dù đã có nhiều biện pháp phòng trừ, việc kiểm soát hoàn toàn hai tác nhân này vẫn là bài toán khó.

Nhằm cung cấp thông tin chuyên sâu về vấn đề này, Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu nội dung tại hội thảo chuyên đề “Bệnh hại do Fusarium sp. và tuyến trùng trên một số cây ăn trái, rau màu và biện pháp quản lý”. Hội thảo do Viện Bảo vệ thực vật phối hợp cùng Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức ngày 7/3 tại Hà Nội.

Bệnh héo vàng lá chuối gây thiệt hại lớn nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: John E. Thomas.

Bệnh héo vàng lá chuối gây thiệt hại lớn nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: John E. Thomas.

Mối nguy từ bệnh héo vàng lá chuối Panama

Chuối là một trong những cây trồng chủ lực tại Việt Nam. Quả chuối có trên thực đơn hàng ngày nhờ giá trị dinh dưỡng; lá chuối được dùng để gói thực phẩm ở nhiều địa phương trên cả nước…

Tuy nhiên, ngành hàng chuối không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới đang đối mặt với nguy cơ lớn từ bệnh héo vàng (bệnh Panama) do nấm Fusarium oxysporum f.sp. cubense gây ra. Đây là bệnh nguy hiểm có nguồn gốc từ đất và rất khó kiểm soát.

Bệnh héo vàng là bệnh truyền qua đất do nấm Fusarium oxysporum f.sp. cubense (Foc) gây ra. Nấm này xâm nhập vào cây chuối qua hệ rễ, tấn công mạch dẫn, làm gián đoạn quá trình vận chuyển nước và dinh dưỡng, dẫn đến hiện tượng vàng lá, héo rũ và cuối cùng khiến cây chết. FoC có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường đất, ngay cả khi không có cây chủ.

Trong số các chủng nấm này, TR4 là chủng nguy hiểm nhất, có khả năng tấn công trên nhiều giống chuối và gây hại nặng nề hơn so với các chủng khác. Loại nấm này làm giảm năng suất nghiêm trọng và có thể khiến vườn chuối bị tàn phá hoàn toàn.

TR4 đặc biệt nghiêm trọng đối với những vùng trồng chuối tiêu theo mô hình độc canh. Khi vườn chuối bị nhiễm bệnh, chỉ trong vài năm, cây có thể bị hủy hoại hoàn toàn. Đáng lo ngại hơn, một khi bệnh đã xuất hiện trong đất, việc loại bỏ hoàn toàn nguồn bệnh gần như là không thể.

Triệu chứng của bệnh héo vàng lá chuối (bệnh Panama). Ảnh: PPRI.

Triệu chứng của bệnh héo vàng lá chuối (bệnh Panama). Ảnh: PPRI.

Bệnh héo vàng trên chuối thường bắt đầu với những dấu hiệu dễ nhận biết:

- Dấu hiệu đầu tiên của bệnh héo vàng hại chuối là hiện tượng vàng từ mép lá ở các lá già.

- Sau đó các lá vàng sẽ chuyển sang màu nâu, khô héo và hiện tượng vàng lá dần xuất hiện ở các lá non hơn phía trên.

- Các cuống lá sẽ bị gãy và treo trên thân giả.

- Cùng với vàng lá, hiện tượng nứt thân cũng xuất hiện ở gốc thân.

- Khi tất cả các lá bị vàng, héo khô, cây không thể trổ buồng mặc dù các chồi non vẫn xanh bình thường.

- Triệu chứng bên trong: Biến màu mạch dẫn thân giả; củ, rễ chuyển màu nâu đỏ, đen.

Nếu không có các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ và sự phối hợp của nông dân trong việc bảo vệ vườn chuối, bệnh héo vàng TR4 có thể lây lan nhanh chóng và ảnh hưởng đến hầu hết các trang trại chuối trên cả nước.

Sự lây truyền bệnh héo vàng lá chuối

Nấm FoC chủ yếu lây lan thụ động thông qua các hoạt động của con người và các yếu tố môi trường nên có thể lây nhiễm ở cự ly xa và gần.

Việc sử dụng chồi từ những ruộng đã nhiễm bệnh là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự lây lan của bệnh héo vàng, ngay cả khi chồi giống chưa có biểu hiện bệnh. Thông thường, chồi non có thể mang mầm bệnh mà không biểu hiện triệu chứng cho đến khoảng 4 tháng tuổi.

Đất và nước tưới tiêu nhiễm nấm là nguồn lây nhiễm quan trọng của bệnh héo vàng. Ảnh: PPRI.

Đất và nước tưới tiêu nhiễm nấm là nguồn lây nhiễm quan trọng của bệnh héo vàng. Ảnh: PPRI.

Đất và nước tưới tiêu nhiễm nấm là nguồn lây nhiễm quan trọng của bệnh héo vàng. Nguồn nước nhiễm bào tử nấm có thể tiếp cận bộ rễ của cây chuối và gây nhiễm bệnh. Ngập lụt, đất bị rửa trôi do mưa làm gia tăng nguy cơ phát tán bệnh trên diện rộng. Côn trùng và gió có thể mang theo bào tử nấm đến những khu vực chưa nhiễm bệnh.

Người lao động di chuyển từ ruộng nhiễm bệnh sang ruộng chưa bị nhiễm mà không vệ sinh giày dép, ủng hay dụng cụ lao động có thể vô tình mang theo nguồn bệnh. Xe cộ, máy làm đất, lốp xe hoặc các phương tiện cơ giới hoạt động trong vùng bệnh; trâu bò, gia súc di chuyển qua vùng nhiễm bệnh cũng có thể làm phát tán bào tử nấm.

Hiện chưa có bằng chứng khoa học khẳng định bệnh héo vàng lây lan qua thương mại quả chuối. Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây đã phát hiện nấm bệnh xuất hiện ở cuống buồng chuối, chứng tỏ có nguy cơ lây nhiễm nếu vận chuyển cả buồng chuối chưa qua xử lý.

Các bộ phận khác của cây chuối như lá và bẹ chuối thường được sử dụng để gói thực phẩm cũng có thể là nguồn mang bào tử nấm, làm tăng khả năng lây lan bệnh.

Các biện pháp tổng hợp ngăn ngừa bệnh lây lan

Để bảo vệ ngành hàng chuối trước mối đe dọa từ bệnh héo vàng do nấm Fusarium oxysporum f.sp. cubense (Foc) gây ra, cần thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống. Áp dụng đồng bộ các biện pháp, trong đó điều tra phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu là quan trọng nhất.

1. Biện pháp kiểm dịch

Kiểm dịch, ngăn ngừa bệnh héo vàng Fusarium bằng cách hạn chế sự di chuyển cây, chồi bị bệnh và đất có thể mang bào tử nấm Foc từ khu vực bị nhiễm bệnh sang khu vực sạch. Cần sử dụng vật liệu trồng vi nhân giống từ phòng thí nghiệm có uy tín. Nếu được quản lý đúng cách, sẽ không có nấm Foc, không lây lan giữa các vùng.

2. Biện pháp cách ly và kiểm soát trang trại sạch

a) Giống sạch và trang trại sạch bệnh

Chỉ sử dụng cây chuối nuôi cấy mô từ phòng thí nghiệm có uy tín. Không sử dụng cây được thu gom từ các khu vực hoặc trang trại bị nhiễm bệnh Foc, kể cả cây nuôi cấy mô. Chỉ tưới nước cho trang trại từ nguồn nước sạch hoặc đáng tin cậy. Toàn bộ máy móc cần được làm vệ sinh đúng cách trước khi trồng. Không cho phép nhân viên và người lao động từ trang trại nhiễm bệnh Foc TR4 vào vườn chuối của mình.

b) Bảo vệ trang trại

Toàn bộ trang trại cần được rào kín, việc ra vào cần được kiểm soát tại cổng trang trại. Đặt các biển báo dễ nhìn thấy và dễ hiểu tại cổng trang trại để thông báo cho mọi người về an toàn sinh học trong trang trại. Cung cấp số điện thoại liên lạc trên các biển báo.

c) Kiểm soát việc ra vào trang trại

Những người không có hẹn trước không được phép vào trang trại, mọi người phải đăng ký khi đến trang trại. Nên bố trí chỗ đậu xe cho người đến làm việc. Phương tiện bẩn không được phép đi vào trang trại. Cần cấp ủng cho mọi người đến ở lối vào. Khách đến cần đi qua bồn ngâm giày có chất khử trùng và phương tiện đi qua bể rửa có chất khử trùng. Cần có sẵn thiết bị tẩy rửa ở lối vào trang trại.

d) Quy trình và thực hành tại trang trại

Sử dụng ủng hàng ngày và phải để lại trước khi rời trang trại. Thường xuyên quan sát phát hiện cây bị bệnh. Không được phép đưa bất kỳ phương tiện, thiết bị hoặc dụng cụ nào từ trang trại nhiễm bệnh héo vàng vào các trang trại sạch. Xây dựng hệ thống kênh mương tiêu thoát nước hợp lý để chống ngập úng. Việc quy hoạch các trang trại mới cần chú ý giảm thiểu tác hại của bệnh do nấm Fusarium sau khi bị xâm nhiễm.

Úc là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc ngăn chặn bệnh héo vàng lá chuối lan rộng trong vườn trồng. Ảnh: Hội đồng Người trồng chuối của Úc.

Úc là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong việc ngăn chặn bệnh héo vàng lá chuối lan rộng trong vườn trồng. Ảnh: Hội đồng Người trồng chuối của Úc.

3. Phát hiện, ngăn chặn và tiêu hủy cây bệnh

Cần theo dõi, phát hiện những cây bị bệnh đầu tiên, loại bỏ cây bệnh khi mới xuất hiện. Có hai nước đã áp dụng phương pháp loại bỏ cây, cho thấy hiệu quả kiểm soát bệnh.

Theo kinh nghiệm từ Ấn Độ, khi phát hiện cây bệnh, cần khoanh vùng cách ly với bán kính 2m. Cây bệnh được thu gom, cắt nhỏ các bộ phận, rải trên mặt đất, phủ một ít lá khô hoặc vật liệu khô, sau đó mồi dầu và đốt hoàn toàn. Tiếp theo, sử dụng dung dịch thuốc trừ nấm với nồng độ 0,1% tưới đều lên mặt đất trong bán kính 2m (từ 3 - 5 lít). Cách làm này giúp giảm đáng kể mật độ nấm trong đất.

Còn với kinh nghiệm của Úc, cần khoanh vùng cách ly với bán kính 5m với cây bị bệnh. Thu gom toàn bộ cây và củ trong vùng cách ly, cắt nhỏ thành đoạn khoảng 15cm. Cây bệnh sau khi cắt nhỏ được cho vào túi nilon, bổ sung đạm ure theo tỷ lệ 1kg ure/m³, sau đó buộc kín để cây phân hủy hoàn toàn. Nếu việc đào củ lên khó khăn, có thể phá bỏ mầm, đỉnh sinh trưởng, rắc 200g ure lên và phủ kín bằng túi nilon để tiêu diệt mầm bệnh.

Sau đó khử trùng đất bằng ure bằng cách rắc đều 1kg ure/m² lên khu vực đất bị nhiễm bệnh, sau đó phủ kín bằng nilon, cố định các góc để hạn chế thấp nhất không khí lọt vào. Theo nghiên cứu tại Úc, sau 6 tuần khử trùng bằng túi nilon, nấm gây bệnh héo vàng gần như bị tiêu diệt hoàn toàn.

Cần lưu ý, phương pháp này chỉ phù hợp với diện tích nhiễm bệnh nhỏ. Nếu áp dụng trên diện rộng, lượng ure sử dụng quá nhiều có thể ảnh hưởng đến môi trường. 

4. Sử dụng giống chống chịu bệnh

Khả năng kháng bệnh héo vàng Fusarium tồn tại ở các loài chuối hoang dã, các giống lưỡng bội tổng hợp và các giống lai được phát triển bởi các chương trình nhân giống. Tuy nhiên, những loại chuối này không được người tiêu dùng chấp nhận do sản xuất giống, mùi vị không mong muốn và các hạn chế nông học khác.

Hiện vẫn chưa thể lai tạo được giống thay thế cho giống chuối tiêu (Cavendish) vì những hạn chế về khả năng lai tạo, tuy nhiên công nghệ sinh học, nhân giống đột biến và biến thể dòng vô tính đang được sử dụng để phát triển cây trồng kháng bệnh. Trong số này, các biến thể dòng vô tính cho đến nay đã được chứng minh là hữu ích nhất.

5. Biện pháp sinh học

Sử dụng một số chế phẩm sinh học có chứa nấm đối kháng, vi khuẩn đối kháng, xạ khuẩn như Trichoderma viride, Pseudomonas fluoresce, Streptomyces… Hiện tại hóa chất không hiệu quả trong việc kiểm soát bệnh héo vàng Fusarium trên chuối trong điều kiện đồng ruộng, do đó cần tối ưu các biện pháp sinh học. 

6. Biện pháp canh tác

Cần bón phân hữu cơ, phân chuồng giúp tăng cường hệ vi sinh vật đất, thay đổi giống chuối giữa các nhóm. Luân canh chuối với cây trồng khác làm giảm mật độ nguồn bệnh trong đất, luân canh 3 - 5 năm, luân canh với lúa nước. Hoặc trồng xen canh với cây trồng khác, cây che phủ đất giúp tăng hệ vi sinh vật đất đối kháng nấm bệnh

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/tri-thuc-nong-dan/duong-lay-lan-va-cach-phong-benh-heo-vang-hai-chuoi-d742116.html