| Hotline: 0983.970.780

Thứ năm 29/05/2025 - 22:59

Trồng trọt

Đừng quên lãng bèo hoa dâu

Thứ Ba 27/05/2025 - 18:26

Sau giai đoạn thịnh hành ứng dụng làm phân bón hữu cơ cho lúa trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước, bèo hoa dâu dần bị quên lãng ở Việt Nam.

Cận cảnh bèo hoa dâu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cận cảnh bèo hoa dâu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Không bỏ rơi cây bèo

Bài liên quan

PGS.TS - Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Trâm (Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) phân tích các nguyên nhân của sự quên lãng này: Thứ nhất là bởi phân đạm xuất hiện với giá quá rẻ, cách sử dụng quá tiện so với bèo hoa dâu, khi thả xuống lại còn làm cho đỉa chết bớt nên nông dân dần thích. Thứ hai là sự chuyển đổi từ vụ chiêm sang vụ xuân với thành quả của cách mạng xanh là những giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, cộng thêm lượng nước trên ruộng mỗi lúc một ít đi khiến bèo hoa dâu phải rút xuống, tồn tại chủ yếu ở ao, chuôm. Thứ ba là bởi làm bèo hoa dâu rất tốn công mà lao động nông thôn ngày một hiếm…

Điều tương tự cũng xảy ra ở một số nước. Những năm 1950, chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích nông dân dùng bèo hoa dâu làm phân bón trong sản xuất lúa và đạt diện tích 1,5 triệu ha vào năm 1962. Tuy nhiên về sau, khi nông dân Trung Quốc rời bỏ bèo hoa dâu, mỗi năm sử dụng tới hơn 52 triệu tấn phân hóa học đã gây ra nhiều vấn đề về môi trường và đe dọa an toàn thực phẩm.

Tại Ấn Độ và một số nước châu Á, châu Phi, nông dân từ lâu đã sử dụng bèo hoa dâu để bón cho lúa nhưng khi phân hóa học tràn vào đã gây nhiều hệ lụy như suy kiệt đất đai do hủy hoại hệ vi sinh vật trong đất, ô nhiễm nguồn nước mặt và nước ngầm.

Nhằm quay lại nền nông nghiệp thuận tự nhiên, Đại hội Đảng lần thứ XIII của ta đã khẳng định: “Nông nghiệp Việt Nam phải phát triển thành một nền nông nghiệp sinh thái. Trong nền nông nghiệp sinh thái chung đó, nông nghiệp hữu cơ là mũi nhọn chiến lược, đem lại giá trị cao trên thị trường, bảo vệ người sản xuất trước bất ổn định, rủi ro của thiên nhiên, dịch bệnh”.

Nhờ quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị như vậy nên diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam đã tăng từ 43.000 ha năm 2014 lên 63.500 ha năm 2020, lọt vào nhóm 10 quốc gia có diện tích nông nghiệp hữu cơ lớn nhất châu Á.

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm trong khu thí nghiệm bèo hoa dâu. Ảnh: Dương Đình Tường.

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm trong khu thí nghiệm bèo hoa dâu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một khi mở rộng diện tích canh tác hữu cơ, cần phải có nguồn phân bón hữu cơ sạch và giàu dinh dưỡng. Đối với cây lúa, có lẽ phương án sản xuất bèo hoa dâu tại chỗ là tương đối dễ vì không phải chuyên chở xa, chỉ cần giữ một ít giống rồi tung ra là chúng tự sinh sôi trên ruộng rồi chết đi, trở thành nguồn phân hữu cơ.

Nhưng để làm được cuộc “cách mạng” đưa bèo hoa dâu trở lại ruộng đồng không hề dễ, phải có những giống bèo phù hợp cho điều kiện sản xuất hiện nay. Bởi thế PGS.TS Nguyễn Thị Trâm mới có suy nghĩ tìm đến những nơi đang còn bèo hoa dâu trong tự nhiên hay trong sản xuất để lấy mẫu giống về thử nghiệm.

Từ năm 2024, khi có những chuyến đi công tác Bắc, Trung, Nam, bà và các đồng nghiệp đều chủ động sưu tầm bèo hoa dâu nhằm đa dạng hóa các mẫu giống để bổ sung cho số đã có từ trước vẫn được dùng thả vào các ô ruộng lúa thí nghiệm nhằm hạn chế cỏ dại và làm ấm gốc. Hiện Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế và một số nước như Ấn Độ, Trung Quốc đã có tập đoàn bèo nhằm bảo tồn và nghiên cứu những ứng dụng khác nhau.

Tuổi già và ước mơ đau đáu

“Để tối ưu hóa giá trị của bèo hoa dâu, cần tìm kiếm, phát hiện và chọn ra giống bèo có tốc độ tăng trưởng nhanh với nhu cầu tối thiểu về phốt phát (chất dinh dưỡng đa lượng chính mà bèo cần cho sinh trưởng). Để có giống bèo tốt, trước tiên phải thu thập được nguồn gen bản địa phong phú. Thế nhưng thời gian qua, Việt Nam chưa có bất kỳ đầu tư nào cho việc thu thập, đánh giá, phân loại, bảo tồn các mẫu giống bèo hoa dâu nên nguồn gen bèo hoa dâu bản địa đã và đang bị “xói mòn” nghiêm trọng”, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm thông tin.

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm ước mơ đưa cây bèo hoa dâu trở lại đồng ruộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

PGS.TS Nguyễn Thị Trâm ước mơ đưa cây bèo hoa dâu trở lại đồng ruộng. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước tình hình đó, bà và các đồng nghiệp đã đề xuất đề tài khoa học và công nghệ Thu thập, phân loại, bảo tồn và nghiên cứu chọn lọc các mẫu giống bèo hoa dâu trong nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp phát thải thấp tại Việt Nam”. Đề tài nhằm các mục tiêu: Thu thập được các mẫu giống bèo hoa dâu còn tồn tại ở các địa phương để đánh giá, phân loại; bảo tồn nguồn gen bèo hoa dâu bản địa; nghiên cứu đánh giá sinh trưởng, phát triển, phản ứng với các điều kiện ngoại cảnh. Chọn được 1 - 2 giống bèo tốt có hệ số nhân nhanh, chịu nóng, chịu lạnh phục vụ sản xuất nông nghiệp phát thải thấp tại Việt Nam.

Dự kiến các kết quả chính và các chỉ tiêu cần đạt của đề tài: Thu thập 20 - 30 mẫu giống bèo hoa dâu đang tồn tại ở các địa phương để đánh giá, phân loại, bảo tồn được nguồn gen bèo hoa dâu trong nước. Báo cáo mô tả đặc điểm hình thái, sinh trưởng phát triển, phản ứng với điều kiện ngoại cảnh của các mẫu giống bèo, phân loại, tư liệu hóa, số hóa các mẫu giống để bảo tồn.

Xây dựng được 1 cơ sở bảo tồn nguồn gen bèo bản địa tiến tới nhập nội các giống bèo có giá trị cao của thế giới. Chọn được 1 - 2 giống bèo tốt hấp thu nhiều CO2, NH4 thử nghiệm trên ruộng lúa để phục vụ sản xuất hữu cơ cho lúa, rau màu. Quy trình canh tác lúa (và một số loại cây trồng khác) xen canh nuôi trồng bèo hoa dâu trong sản xuất nông nghiệp bền vững, phát thải thấp. Quy trình chế biến và sử dụng sản phẩm bèo hoa dâu (phân bón, giá thể, thức ăn chăn nuôi…) trong sản xuất nông nghiệp.

Hai vại bèo hoa dâu do bà Trâm nhân nuôi phát triển tốt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Hai vại bèo hoa dâu do bà Trâm nhân nuôi phát triển tốt. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bà Trâm hồ hởi cho biết, Viện Sinh học Nông nghiệp (thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đang thử nghiệm dùng bèo hoa dâu làm giá thể trồng khoai tây thay cho dùng xơ dừa, kết quả bước đầu cho thấy khoai tây sinh trưởng tốt hơn hẳn, bà lo lắng cây chỉ tốt lá chứ không tốt củ. Bởi thế, đến vụ thu hoạch vừa rồi khi TS Nguyễn Xuân Trường - Viện trưởng Viện Sinh học Nông nghiệp thông báo năng suất khoai tây cao bà mới thở phào nhẹ nhõm.

Không chỉ phù hợp làm phân bón mà bèo hoa dâu còn được ứng dụng làm thức ăn chăn nuôi như cách mà một số nông dân quanh thị trấn Vân Đình (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) bấy lâu nay vẫn nuôi cá giống bởi thấy chúng nhanh lớn. Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương mới đây cũng thử nghiệm 2 lứa tằm cho ăn 20% thức ăn là bèo hoa dâu, kết quả sơ bộ thấy tăng trọng lượng tằm, trọng lượng kén, cải thiện chất lượng tơ.

Khi được hỏi về ước mơ, bà Trâm thổ lộ: “Tôi đã nhiều tuổi rồi, không có ước mơ gì lớn mà chỉ muốn các anh em trẻ tìm được vùng nào có cách trừ ốc bươu vàng không phải dùng thuốc hóa học. Một khi giải quyết được vấn đề ốc bươu vàng thì bèo hoa dâu sẽ giải quyết được vấn đề cỏ lúa bởi sinh khối của chúng tăng nhanh sẽ phủ kín mặt ruộng, hạn chế cỏ mọc.

Sau khi thu hoạch lúa mùa, ngoài diện tích trồng cây vụ đông, ở những vùng trũng có thể nuôi bèo hoa dâu, thu hoạch, phơi khô rồi làm phân bón cho lúa vụ sau hay bón luôn cho rau màu. Có một cán bộ ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã thử dùng bèo hoa dâu làm phân bón cho rau, cây ăn quả rất hiệu quả”.

Người Việt không chỉ dùng bèo hoa dâu làm phân mà còn dùng làm thuốc để điều trị các bệnh tiểu buốt, đái rắt, viêm thận cấp, hen suyễn, eczema, viêm xoang mũi mãn tính, cảm nóng... Chế phẩm Phylamin từ bèo hoa dâu có thể hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch và có ứng dụng trong việc hỗ trợ điều trị một số loại ung thư.

Link nội dung: https://nongnghiepmoitruong.vn/dung-quen-lang-beo-hoa-dau-d754892.html